Những ngôi mộ "đại gia" ở vị trí đắc địa trong nghĩa trang hay được xây ngay trong nhà với giá tỷ đồng nhằm thể hiện đẳng cấp cho người quá cố. Không chỉ vậy, để đảm bảo cho phần mộ người quá cố luôn sạch sẽ và không bị người khác xâm phạm, thân nhân người đã mất còn thuê người chuyên trông coi và quét dọn, nhang khói. Nghề canh giấc ngủ cho người đã khuất đang thu bộn tiền ở SG và nhiều tỉnh lân cận...

Mộ “đại gia” giá bạc tỉ và dịch vụ “trông nhà” cho người chết

Một Thế Giới | 05/11/2014, 14:30

Những ngôi mộ "đại gia" ở vị trí đắc địa trong nghĩa trang hay được xây ngay trong nhà với giá tỷ đồng nhằm thể hiện đẳng cấp cho người quá cố. Không chỉ vậy, để đảm bảo cho phần mộ người quá cố luôn sạch sẽ và không bị người khác xâm phạm, thân nhân người đã mất còn thuê người chuyên trông coi và quét dọn, nhang khói. Nghề canh giấc ngủ cho người đã khuất đang thu bộn tiền ở SG và nhiều tỉnh lân cận...

Những ngôi mộ bạc tỉ

Nghĩa trang Đa Phước nằm ở xã Đa Phước và xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM bắt đầu hoạt động từ năm 2006 với mục đích thay thế cho nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang nằm trong tầm giải tỏa. Không chỉ được biết đến như một trong những nghĩa trang lớn nhất TP.HCM, Đa Phước còn được không ít người ví von là "Phú Mỹ Hưng của người cõi âm" bởi nơi đây đang tồn tại hàng trăm ngôi mộ "khủng" có giá hàng tỉ đồng. 

Ông Nguyễn Thạch Hưng - một người đã từng xây hàng trăm ngôi mộ ở đây cho biết: "Thông thường các ngôi mộ ở đây chỉ được xây với giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, để cho ngôi mộ người thân mình thêm phần hoành tráng, một số gia đình đã đặt mua thêm một số họa tiết kiến trúc bên ngoài với giá hàng trăm triệu đồng để trang trí. Bởi thế, có nhiều ngôi mộ trị giá đến hàng tỉ đồng”. Để cho chúng tôi tin vào lời kể của mình, ông Hưng đồng ý dẫn chúng tôi vào nghĩa trang Đa Phước để chúng tôi mục sở thị những ngôi mộ “đại gia”này.

Nằm sát với lối đi chính của nghĩa trang, những ngôi mộ lớn với lối kiến trúc cầu kỳ dần hiện lên trước mắt chúng tôi. Kéo tay chúng tôi đến phía trước một ngôi mộ lớn, ông Hưng cho biết : ”Ngôi mộ này là do tôi làm đấy, đây là ngôi mộ hoành tráng nhất khu nghĩa trang này. Trông thế thôi chứ nó có giá hơn 1,5 tỉ đồng, ngang bằng với một ngôi nhà mặt tiền đấy chú à”.
Theo quan sát của chúng tôi, đây là một ngôi mộ được xây dựng bằng đá hoa cương. Bên trong ngôi mộ là chiếc lư hương lớn được làm bằng đá trắng, ngoài ra phía trước ngôi mộ còn được trang trí hai chiếc xích đu. Khi chúng tôi thắc mắc về hai chiếc xích đi này thì ông Hưng cho biết: ”Một người thân của chủ ngôi mộ này tiết lộ là khi sống, người nằm trong ngôi mộ hay ngồi trên chiếc xích đu để hóng mát và đọc sách báo nên người nhà quyết định làm một chiếc ở ngôi mộ cho giống với ở nhà. Sống sao thác vậy mà.”

Không chỉ tại khu vực nghĩa trang mà hiện nay tại một số khu vực khác trên địa bàn TP.HCM khá nhiều phần mộ được chôn cất ngay trong khuôn viên nhà. Những ngôi mộ này cũng không kém phần hoành tráng về mặt kích thước lẫn chi phí so với những ngôi mộ “đại gia” ở các nghĩa trang.

Theo chỉ dẫn của một người thợ xây mộ, chúng tôi tìm đến khu vực hẻm Sin Cô (phường An Lạc, quận Bình Tân). Đây là nơi có những ngôi mộ “khủng” có giá trị hàng tỷ đồng được người dân xây ngay trong nhà mình. Rẽ vào một quán cà phê trong hẻm, chúng tôi trò chuyện với anh Nguyễn Minh Khang chủ quán. Khi được chúng tôi hỏi về ngôi mộ lớn trong khuôn viên nhà cách đây khoảng 20 năm.
“Ban đầu ngôi mộ của ông tôi được xây khá nhỏ, nhưng do hai năm trước một người chú của tôi đang định cư ở nước ngoài làm ăn được nên về nước cho tiền xây lại mộ, Dự tính kinh phí ban đầu chỉ vài trăm triệu nhưng do thấy một số người xung quanh xây mộ cho người thân mình lớn nên chú tôi cũng quyết định xây cho hoành tráng. Ngôi mộ được hoàn thành vào tháng 8/2012 với giá gần 2 tỉ đồng.

Theo quan sát của chúng tôi thì ngôi mộ trong khuôn viên nhà anh Khanh được xây dựng theo phong cách khá lạ mắt, phía bên trên ngôi mộ được xây mái lót ngói màu, xung quanh là 4 trụ lớn được trạm trổ hình rồng uốn lượn quanh trụ. Các họa tiết và kết cấu của ngôi mộ khá cầu kỳ, khác hẳn những ngôi mộ khác mà chúng tôi từng thấy. Theo tiết lộ của anh Khang thì ngôi mộ do một kiến trúc sư sống tại quận 1 thiết kế riêng cho gia đình anh với giá gần 30 triệu đồng.

Người sống trong nhà dành cho người chết

Không chỉ bỏ một số tiền lớn ra để xây mộ, một số gia đình còn thuê hẳn người chăm sóc mộ thể hiện “đẳng cấp” cho người cõi âm. Tại nghĩa trang Đa Phước luôn có một lực lượng thường trực tại đây chuyên làm nghề chăm sóc các phần mộ. Họ là những người đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hoặc từ Campuchia sang.

Tại nghĩa trang này, chúng tôi đã gặp ông Chia Pet (38 tuổi) người Campuchia. Ông Chia Pet có kinh nghiệm hơn 6 năm làm nghề chăm sóc mộ. Hiện tại, ông và 10 người đồng hương Campuchia khác đang ngày đêm trông coi và làm đẹp cho các ngôi mộ ở đây. Ông Chia Pet được phân công việc tưới hoa và nhổ cỏ. Hàng ngày, ông bắt đầu công việc của mình từ 7h sáng. Mỗi tháng ông thu nhập trung bình 3 triệu đồng. Số tiền này do Ban quản lý nghĩa trang chi trả, trích từ số tiền thu hàng tháng của những thân nhân có phần mộ tại đây.

mo-bac-ty-hinh-anh
Một số gia đình còn thuê hẳn người chăm sóc mộ thể hiện “đẳng cấp” cho người cõi âm

Theo một số người làm việc ở đây cho biết ngoài việc làm công và nhận lương hàng tháng từ Ban quản lý nghĩa trang thì một số người còn kiếm thêm được số tiền nhờ “chăm sóc đặc biệt” phần mộ của người thân các gia đình. Người nằm dưới những ngôi mộ ấy đương nhiên có thân nhân là người thừa điều kiện. Thuê người chăm sóc nhang khói hàng ngày là một chuyện, nguyên do khác là họ sợ mộ không có ai trông coi sẽ bị mất hoặc hư hỏng đồ quý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để mộ người thân được chăm sóc đặc biệt như vậy thì hàng tháng, gia đình có mộ ở đây phải chi từ 2-4 triệu đồng. Tiền này đã bao gồm tiền mua nhang, trái cây cúng ngày rằm. “Mỗi tháng, ngoài tiền nhận lương từ phía nghĩa trang, những người có mối nhận chăm sóc đặc biệt thêm được 2-3 ngôi mộ nữa là thu nhập khá ổn.” anh Bình – một người trông nom mộ ở nghĩa trang này tâm sự.

“Hợp đồng” trông mộ trọn đời

Không chỉ có tại nghĩa trang Đa Phước, dịch vụ “chăm sóc đặc biệt” cho phần mộ cũng nở rộ tại khu vực nghĩa trang Gò Dưa, quận 9, Bình Hưng Hòa. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại nghĩa trang Gò Dưa còn xuất hiện cả dịch vụ chăm sóc “trọn đời” cho những ngôi mộ “đại gia”.
Theo dịch vụ này thì người được giao chăm sóc mộ phải thường xuyên túc trực tại ngôi mộ để trông nom cho ngôi mộ lúc nào cũng được nhang khói đầy đủ. Ngoài ra, một số người còn giao ước là không được cho người khác vào trong nhà mộ nằm ngủ hay giẫm đạp lên mộ, nếu không sẽ không được trả tiền.

Ông Trường – một người ký hợp đồng “trọn đời” thức canh cho người nằm dưới mồ ở nghĩa trang này cho biết, ông được trả công 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Và khi nhận hợp đồng đó, ông đã hứa với chủ nhà là sẽ làm công việc này đến khi mình già yếu không làm được nữa thì thôi. Chủ nhà cũng có ý là nhờ con ông tiếp tục công việc này sau khi ông không làm được nữa, nhưng ông không dám nhận lời vì lo sợ mai sau con mình chọn công việc khác.

Công việc chăm sóc mộ khá nhẹ hàng, thu nhập cũng ổn định. Tuy nhiên, nghề nào cũng có rủi có may. Ông Nguyễn Minh làm nghề chăm sóc mộ tại nghĩa trang quận 9 kể:
“Hai năm trước tôi có nhận chăm sóc và lau dọn cho ngôi mộ trong nghĩa trang với số tiền 20 triệu đồng cho một năm. Họ chỉ đưa trước 5 triệu đồng hứa hàng năm sẽ đưa nốt số tiền còn lại vào cuối năm. Tuy nhiên, cuối năm đó rồi năm sau nữa vẫn chưa thấy họ đến đưa tiền. Tìm đến địa chỉ thì họ đã chuyển đi nơi khác sống. Vất vả làm việc gần 2 năm trời, chưa kể phải bỏ tiền mua nhang, trái cây cúng hàng tháng, giờ chẳng được một đồng nào”.
Không tìm được người sống nhưng ông Minh vẫn chăm sóc cho người chết nằm trong ngôi mộ ấy. Người sống có thể giận chứ người chết thì chả tội tình gì; thêm nữa, việc tâm linh không thể lấy tiền ra để so bì, tính toán. Nghĩ vậy nên ông Minh vẫn cứ lủi thủi thực hiện “hợp đồng” lạ lùng ấy.
Theo Vinh Sơn/Chuyện đời 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mộ “đại gia” giá bạc tỉ và dịch vụ “trông nhà” cho người chết