Đỗ Trung Quân sinh ngày 19.1.1955 tại Sài Gòn. Ông là một nhà thơ Việt Nam. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được đông đảo công chúng yêu thích như Quê hương, Phượng hồng... Là một người lãng mạn và lại có nhiều kỷ niệm gắn chặt với Sài Gòn nên những hồi ức về Sài Gòn được Đỗ Trung Quân viết lại rất tự nhiên và chân thực. Trong loạt bài hồi ức, tác giả thể hiện phong cách viết riêng, tuy nhiên với những danh từ riêng tên người hoặc địa danh mà tác giả viết thường, bản báo sẽ sửa lại thành viết hoa, tuân theo quy tắc ngôn ngữ là viết hoa những tên người, tên đất. Được sự đồng ý của tác giả, xin trích giới thiệu cùng bạn đọc hồi ức này.

Kỳ 1: Mẹ tôi người Hà thành, nếu thi hoa hậu sẽ vào top 5

20/08/2016, 05:53

Đỗ Trung Quân sinh ngày 19.1.1955 tại Sài Gòn. Ông là một nhà thơ Việt Nam. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được đông đảo công chúng yêu thích như Quê hương, Phượng hồng... Là một người lãng mạn và lại có nhiều kỷ niệm gắn chặt với Sài Gòn nên những hồi ức về Sài Gòn được Đỗ Trung Quân viết lại rất tự nhiên và chân thực. Trong loạt bài hồi ức, tác giả thể hiện phong cách viết riêng, tuy nhiên với những danh từ riêng tên người hoặc địa danh mà tác giả viết thường, bản báo sẽ sửa lại thành viết hoa, tuân theo quy tắc ngôn ngữ là viết hoa những tên người, tên đất. Được sự đồng ý của tác giả, xin trích giới thiệu cùng bạn đọc hồi ức này.

1. Tàu đêm năm cũ

Tôi hoàn toàn không có ý định viết hồi ký - đời mình xem lại không biết bắt đầu từ đâu, mà hồi ký cần sự trung thực bởi lẽ có nhiều người sẽ được nhắc tên nhưng cũng nhiều người nay đã mất. Viết sai về họ, họ cũng chẳng thể biện minh. Khen chưa chắc hay, bịa chuyện về họ còn bậy hơn. Vậy thì kể chuyện vậy, cố gắng cho trung thực, chí ít với chính mình kể cả thói xấu của mình.

Nó sẽ không phải hồi ký, nó là hồi ức. Ức với ký khác nhau xa lắm.

Tôi sẽ bắt đầu từ đâu nhỉ?

Chỉ nhớ mang máng có ai đã nói kẻ nào sinh ra bên cạnh đường tàu, đêm đêm nghe tiếng còi tàu, kẻ ấy sẽ mang định mệnh của một người lưu lạc.

Than ôi! Tôi đã nghe tiếng còi tàu từ cổng xe lửa số 8 – đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) từ lên 5 tuổi. Thằng bé thường lồm cồm ngồi dậy giữa đêm, dựa lưng vào thành giường chờ nghe tiếng còi tàu hú từ xa và rầm rập tiếng đoàn xe nghiến trên đường ray sắt đến gần, vụt qua rồi xa dần trả đêm về tịch lặng.

Vô vàn đêm như thế. Rồi bỗng nó nhận ra...

Tiếng còi tàu nửa đêm buồn lắm...

Sân ga hắt hiu ngọn đèn vàng trong mưa cũng buồn lắm...

Đời nó cũng sẽ củ chuối lắm...

Vậy đi, câu chuyện sẽ bắt đầu từ đấy.

2. Cây ngọc lan, cổng xe lửa số 8 và sương mù ký ức

Những căn nhà dọc theo đường tàu thường lụp xụp, nghèo nàn. Nhưng đấy lại là ngôi nhà khang trang ngoài mặt tiền đường chỉ cách cái barie đường tàu, bên kia đường là tiệm bò bảy món Ánh Hồng còn nổi tiếng đến tận sau này.

Tôi ở đấy với mẹ, chuồng của đàn gà Mỹ lông trắng sau nhà và sân trải sỏi trắng trước nhà. Chạy trên sỏi tiếng chân lạo xạo rất vui tai. Mẹ là người đàn bà đẹp của Hà thành, nếu thi như hoa hậu bây giờ nàng sẽ có mặt ở top 5, nhưng nàng sẽ vĩnh viễn là hoa hậu chân đất bởi dáng đi tất tả, điều rất kỵ trong tướng học với một người phụ nữ đẹp. Nó như chiếc nốt ruồi tàn độc “thương phu trích lệ" mà Mao Diên Thọ chấm lên khóe mắt Chiêu Quân khiến mỹ nhân phải thành vợ rợ Hồ phương bắc. Với dáng đi tất tả ấy nàng sẽ vất vả suốt cuộc đời.

Trong ngôi nhà này không có bóng dáng đàn ông nhưng trong ngăn bàn trang điểm của bà có một vài tấm ảnh chụp một người đàn ông cao dong dỏng, nụ cười tươi, áo vest, cà vạt phất phơ bước xuống máy bay từ một sân bay nào đó. Nhân vật này sẽ là người tôi phải tự đi tìm tung tích hơn 30 năm sau, ngoài câu ngắn gọn “bố con! “ và chấm hết. Khi mẹ mất bà mang theo bí mật, cuộc truy tìm của tôi gần như vô vọng bỗng một ngày nọ… nhưng đấy là câu chuyện sẽ kể sau.

Ký ức 5 tuổi không có gì nhiều khi còn quá nhỏ ngoài tiếng còi tàu, tiếng chân chạy trên sỏi trắng và mùi hương ngọc lan đi lang thang trong sân nhà sau cơn mưa tối.

Thằng bé sẽ theo tiếng còi tàu cùng mẹ từ giã nơi này rất sớm…

Sài Gòn 1959.

Tên tôi lúc ấy: Trần Thế Quân .

3. Ngã ba Ông Tạ, xóm đạo chuông chiều, Juse và Judas…

Rời ngôi nhà nơi cổng xe lửa số 8 vì sao không rõ.

Nhưng tôi về đây vùng ngã ba Ông Tạ, hẻm con mắt, ấp Hàng Dầu và xóm đạo An Lạc nơi nổi tiếng với câu truyền miệng “Trai Nam Thái – Gái An Lạc", gái An Lạc đẹp, tất nhiên mẹ tôi là một ví dụ dù bà đẹp từ khi là thiếu nữ ở tận Hà thành chưa vào đến Sài Gòn.

Nhưng “thiếu gia công tử" bắt đầu cuộc hành trình bụi bặm từ đây khi mới lên 10. Trẻ con chưa có khái niệm vật chất, với nó sự tự do lêu lổng mới là điều đáng kể. Tôi thành kẻ tự do sớm nhất, tha hồ lêu lổng nơi xóm đạo này.

Ngôi nhà khang trang có sân trải sỏi sớm biến mất trong trí nhớ. Một căn nhà mái lá tường vách gỗ đơn sơ sẽ còn rất lâu trong trí nhớ. Tôi đi học trường đạo của nhà thờ, tất nhiên phải theo đạo – 8 tuổi rước lễ lần đầu – 12 tuổi thành phụ lễ nhà Chúa. Tên thánh là Juse mà chỉ 5 năm sau nó sẽ tự hài hước với chính mình, "ta đã thành Judas, kẻ bán Chúa", dù nó chẳng bán ai, chỉ chia tay nhà Chúa đến hàng chục năm sau.

Xóm đạo nhà cửa đơn sơ. Ngôi nhà thờ bằng gỗ với tượng Chúa xòe tay từ trên cao, ống tay áo của Người là nơi ra vào của chim én, chim sẻ. Hai hàng cây bông gòn dọc hai bên nhà thờ, mùa khô trái bông gòn nổ lốp bốp bay trắng cả trời, bám vào tóc, vào áo người đi lễ. Mẹ tôi thu về làm nệm gối nằm có khi còn cả hạt bông gòn trong gối.

(còn tiếp)

Đỗ Trung Quân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Mẹ tôi người Hà thành, nếu thi hoa hậu sẽ vào top 5