Trước ngày đưa quân xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, Mao Trạch Đông đã triệu tập Tư lệnh và Chính ủy các đại quân khu về dự những cuộc họp quan trọng với nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình ngay tại thư phòng của mình ở Trung Nam Hải.

Kỳ 37: Bùng nổ Hoàng Sa

09/08/2014, 07:37

Trước ngày đưa quân xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, Mao Trạch Đông đã triệu tập Tư lệnh và Chính ủy các đại quân khu về dự những cuộc họp quan trọng với nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình ngay tại thư phòng của mình ở Trung Nam Hải.

Ngày 20.12.1973, bầu trời “râm mát, từng đám mây lớn vần vũ trên không, che khuất ánh nắng mặt trời, khiến ta thấy lành lạnh”. Có cái gì bất thường phảng phất quanh căn phòng Mao đang họp.
Thường các cuộc tương tự nhóm “vào buổi chiều hoặc buổi tối tại Đại lễ đường”, lần này “tổ chức vào 9 giờ sáng” tại thư phòng của Mao là điều khá bất thường gây “cảm giác đặc biệt” cho vệ sĩ Trần Trường Giang - người luôn có mặt bên cạnh Mao Trạch Đông suốt 27 năm cho đến lúc Mao qua đời (sđd Kỳ 8, tr. 304-311) - Trần Trường Giang tường thuật tiếp (tóm lược):

“Theo thói quen, Mao ngồi trên chiếc ghế fauteuil đặt ở góc Tây Nam ngoảnh mặt ra cửa” để nhìn rõ từng đại biểu đang bước vào: hai nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn và Từ Hướng Tiền, Tư lệnh quân khu Tế Nam: Dương Đắc Chí và các tư lệnh: Tăng Tư Ngọc, Lý Đức Sinh, Đinh Thịnh, Bì Định Quân, Hàn Tiên Sở... Ngồi bên phải Mao là nguyên soái Chu Đức. Còn phía bên trái “không phải là vị trí của Chu Ân Lai, cũng không phải là của Giang Thanh, mà là chỗ ngồi của Đặng Tiểu Bình mới được khôi phục công tác không bao lâu” (3.1973). Mao và Đặng “ghé sát vào nhau” cười nói thân mật như tuồng giữa họ chưa từng xảy ra chuyện Đặng bị Mao phê đấu, đưa đi “cải tạo lao động” gần bốn năm trời (1969-1972). Giữa cuộc họp, Mao công bố chấp nhận sáng kiến của Đặng “điều động chéo” tư lệnh của tám đại quân khu, trong đó:

* Trần Tích Liên (nguyên Tư lệnh quân khu Thẩm Dương) điều về làm Tư lệnh quân khu Bắc Kinh (thành viên Ban chuyên trách “phản ứng nhanh” cục diện Hoàng Sa)

* Hứa Thế Hữu (nguyên Tư lệnh quân khu Nam Kinh) điều về làm Tư lệnh quân khu Quảng Châu (nơi xuất phát các lực lượng Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa).

Sau cuộc họp trên hai ngày, lệnh điều động được Chu Ân Lai khởi thảo và ra quyết định vào 22.12.1973. Mao nói: “Tôi vẫn có thể đánh trận. Cần đánh thì đánh, thiên hạ đại loạn, trong đó có cả Trung Quốc. Tôi còn ăn được, ngủ được, nên nếu cần đánh, tôi rất sẵn sàng”.
Trước đó liên tục trong các ngày từ 12 đến 15.12, Mao chủ trì hội nghị Bộ Chính trị và mở các cuộc họp về tình hình quốc phòng và chấn chỉnh quân đội. Ở tuổi 81, Mao vẫn hiếu chiến, hô hào:

- “Chuẩn bị ra trận, nội chiến, ngoại chiến đều xảy ra, tôi có thể đánh vài trận !” (Trần Trường Giang - sđd Kỳ 8, tr. 313). Và ở thời điểm đó (12.1973), “ngoại chiến” với ai nếu không phải là xua quân đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (1.1974) ?

Để bạn đọc tiện theo dõi diễn tiến của “sự kiện Hoàng Sa 1974”, trước tiên chúng tôi tóm lược dưới đây tài liệu chính thức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) in ronéo và phổ biến tháng 3.1974 tại Sài Gòn (tiếp đó là các tài liệu khác). Mở đầu:

Ngày 11.1.1974: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố và lạm xưng chủ quyền nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của nước CHND Trung Hoa

Ngay hôm sau 12.1.1974: Từ Sài Gòn, chính phủ VNCH phát đi bản tin đặc biệt, nội dung: “Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VNCH đã bác bỏ sự đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ của Trung Cộng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Và Bộ Tư lệnh Hải quân của Quân đội Sài Gòn đã chỉ thị cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 đến Hoàng Sa tuần phòng.

Ba ngày sau 15.1.1974: Trung Quốc đưa một chiếc tàu giả dạng làm thuyền đánh cá của ngư dân để“bất thần chở người đến đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, cắm cờ và dựng lều trên đảo. Chiến hạm VNCH dùng quang hiệu đuổi họ rời khỏi đảo, nhưng vô hiệu. Địch quân cũng đổ bộ lên các đảo Vĩnh Lạc, Quang Hòa, Duy Mộng và tăng cường chiến hạm vào vùng quần đảo. Chiến hạm ta cũng đã dùng loa và đèn hiệu yêu cầu những người Trung Cộng rời khỏi đảo, nhưng cũng vô hiệu”.

Ngày 16.1.1974: Chính phủ VNCH ra tuyên bố với những dẫn chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử để xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời ra lệnh hải quân phải lấy lại các đảo đã bị Trung Quốc lấn chiếm trái phép.

Ngày 17.1.1974: Hồi 7g45, một tiểu đội xung kích của hải quân Sài Gòn đã “đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc không gặp sự kháng cự nào, chỉ tìm thấy trên đảo có 6 ngôi mộ mới, có bia viết chữ Tàu - Có lẽ đây là bằng chứng ngụy tạo của Trung Cộng nhằm chứng tỏ người Tàu đã chiếm giữ đảo này từ lâu. Toán xung kích đã được lệnh nhổ cờ Trung Cộng cắm trên đảo và phá hủy hết mọi dấu tích ngoại bang”.

Cùng ngày, Trung Quốc đưa 3 tàu vào neo cạnh đảo Cam Tuyền với các xuồng nhỏ ra vào nhằm liên lạc với một toán quân xâm chiếm khác đang có mặt trên bờ. Đáp lại, hai chiến hạm HQ16 và HQ4 của VNCH đã đưa một toán quân thuộc lực lượng đặc biệt của Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn (biệt hải) đổ bộ lên đảo lúc 15g30, đẩy toán quân Trung Quốc cả người lẫn xuồng rút lui ra xa: “lục soát trên bờ tìm thấy một lá cờ Trung Cộng và một bảng gỗ thông sơn đỏ ghi chữ “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - lãnh thổ bất khả xâm phạm”. Những vật đó Trung Cộng mới đưa tới hai ngày trước. Còn những vết tích của Việt Nam trên đảo vẫn tồn tại gồm một bia ghi ngày 5.12.1963 của Thủy quân lục chiến, 2 bể đựng nước bằng xi măng và 1 ngôi miếu nhỏ đề ngày (tạo dựng) 24.11.1963”.

Ngày 18.1.1974: Phía Trung Quốc tăng cường thêm chiến hạm trang bị đại pháo 100 ly và 37 ly chạy tốc độ tối đa, yểm trợ tàu chuyển vận chở thêm quân tới, muốn đổ bộ “tái chiếm lại đảo Cam Tuyền”. Phía hải quân Sài Gòn cũng tung lực lượng đặc nhiệm để “tái chiếm lại đảo Quang Hòa và Duy Mộng”. Chiến hạm của hai bên áp sát gần hơn và nằm trong tầm súng của nhau, chờ khai hỏa (còn nữa)

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 37: Bùng nổ Hoàng Sa