Sau ngày Mao và Nixon bắt tay, Trung Quốc và Mỹ thay nhau gây nên cảnh chết chóc, cửa nát nhà tan ởcả hai  miền Nam – Bắc Việt Nam…

Kỳ 33: Việt Nam sau “ly rượu mừng” giữa Richard Nixon với Mao Trạch Đông

Một Thế Giới | 21/07/2015, 07:13

Sau ngày Mao và Nixon bắt tay, Trung Quốc và Mỹ thay nhau gây nên cảnh chết chóc, cửa nát nhà tan ởcả hai  miền Nam – Bắc Việt Nam…

Rời Bắc Kinh về Washington, tổng thống Mỹ Nixon đưa một lực lượng không quân và hải quân hùng hậu trút hơn 20.000 tấn bom rải thảm Hà Nội – Hải Phòng và nhiều nơi khác ở miền Bắc Việt Nam làm ít nhất 2.000 người chết trong vòng 12 ngày đêm của mùa giáng sinh 1972.

Đức Giáo hoàng và các nhà hoạt động nhân văn trên thế giới chỉ trích Nixon mạnh mẽ. Phần Mao Trạch Đông chỉ phản ứng “chiếu lệ” vì Mao đã xem Nixon là “người bạn mới” đang cùng Mao toan tính “thay đổi thế giới” (chữ Nixon dùng lúc nâng cốc trong buổi tiệc từ giã Bắc Kinh đêm 27.2.1972).

* ĐÁNH PHÁ MIỀN BẮC – CẮT VIỆN TRỢ MIỀN NAM:

Để tiến hành cuộc đánh bom hủy diệt trên, theo Linebacker: Karl J. Eschmann – The Untold Story of the Air Raids Over North Vietnam, Nixon đã huy động:
Gần 50% số máy bay ném bom chiến lược B.52 của toàn bộ không lực nước Mỹ (197 trên tổng số 400 chiếc). Thực tế xuất kích 741 lần/chiếc.
- Gần một phần ba (1/3)  số máy bay chiến thuật của toàn lực lượng quân sự nước Mỹ (1.077 trên tổng số 3.041 chiếc). Thực tế xuất kích 3.920 lần/chiếc
Một phần tư (1/4) số tàu sân bay (6 trên tổng số 24 chiếc), cùng nhiều tàu chỉ huy – dẫn đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu rada, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu,…
- Các tập đoàn không quân số 7 và số 8 (Seventh air force và Eighth air force): trong đó có các liên đội không quân chiến lược B.52 (Strategic Wing) số 43 và 72 đóng tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam gồm 143 chiếc B.52G, B.52D và liên đội không quân chiến lược số 307 gồm 54 máy bay B.52D đóng tại căn cứ Utapao (Thái Lan).
- 6 liên đội không quân chiến thuật (Tactical Fighter Wing) gồm 455 máy bay đóng trên đất Thái Lan (tại các căn cứ không quân Ubon, Korat và Takhli), 2 liên đội gồm 124 máy bay đóng tại miền Nam Việt Nam (Đà Nẵng)

(Dẫn theo cuốn: “Từ Xuân – Hè năm 1972 đến Điện Biên Phủ trên không qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” – sđd Kỳ 1 – tr.386)

Luật gia Joseph Amter, chủ tịch Quỹ tổ chức nghiên cứu hòa bình (The Peace Research Organisation Fund), đồng chủ tịch Hội nghị nghiên cứu và cộng tác quốc tế của Nhà Trắng, viết: “Thật mỉa mai là khi tổng thống Nixon, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai say mê trong các bữa tiệc thịnh soạn ở Bắc Kinh, thì quân đội Mỹ đang đánh nhau ở Đông Dương, hàng nghìn tấn bom đang phá hủy các làng Nam Việt Nam, cũng như các khu vực Bắc Việt Nam và hàng nghìn các người dân Đông Nam Á tiếp tục chết” (Lời phán quyết về Việt Nam – Nguyễn Tấn Cưu dịch, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1985, tr.375).

Nếu Mao Trạch Đông “nhắm mắt” để Nixon mở đợt tấn công tàn khốc nhằm đưa Bắc Việt Nam về “thời kỳ đồ đá”, thì chỉ một năm sau đến lượt Nixon đáp lễ “làm ngơ” để Mao xua hải quân và không quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19.1.1974). Mao nói trí trá là “để tự vệ”, nhưng “thực chất là xâm lược”, nhằm khống chế Việt Nam từ các vùng hải đảo, tạo bàn đạp độc chiếm biển Đông:

Hành động xâm lược của họ (Trung Quốc) có tính toán từ trước và được sự đồng tình của Mỹ. Vì vậy, khi đó đại sứ Mỹ Graham Martin ở Sài Gòn đã bác bỏ yêu cầu cứu viện của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Và, hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương đã được lệnh tránh xa quần đảo Hoàng Sa” để mặc quân Mao tràn vào bắn giết người Việt Nam (trích công bố của Bộ Ngoại giao CHXHCN VN - Hà Nội 4.10.1979: “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua” – Văn kiện dày 108 trang - tr. 25).

Cũng năm đó (1974), trên tiến trình “thỏa hiệp và phối hợp hành động” với Mao, Nixon quyết định cắt xén nguồn viện trợ VNCH mạnh tay hơn nữa, tới mức “cạn tàu ráo máng” (chữ TS Hưng dùng) buộc tổng thống Thiệu không được sử dụng tiền do Quỹ đối giá (phát xuất từ viện trợ kinh tế đổi sang tiền Việt) để tài trợ ngân sách quốc phòng, trả lương cho quân đội (gồm 1.200.000 quân nhân) và cảnh sát (với lực lượng 120.000 người): “Lúc đó, nếu biết được đến nông nỗi ấy, thì liệu quân dân miền Nam nghĩ sao? Vì vậy, tin trên (giấu nhẹm) không được phổ biến” (…) Đến nay, ta có thể đặt lại câu hỏi: vậy (nếu tồn tại sau 1975) thì bắt đầu từ năm 1976 trở đi chính phủ VNCH lấy tiền đâu mà trả lương cho quân đội, cảnh sát?”. Có lẽ họ sẽ phải “cố gắng tan hàng” thôi (TS. Nguyễn Tiến Hưng – Khi đồng minh tháo chạy, sđd Kỳ 2, tr. 457).

* VÌ SAO MỸ DỨT KHOÁT BỎ RƠI VIỆT NAM CỘNG HÒA?

Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, nhận định: “một sự thật không thể chối cãi là quân đội VNCH sẽ hết đạn và nhiên liệu vào tháng 6.1975 nếu không nhận được quân viện phụ trội”, chưa kể “thực phẩm, quần áo, thuốc men, băng cứu thương cho quân đội, cũng như nhu cầu sinh sống của gia đình họ (lấy đâu ra)?” (TS. Nguyễn Tiến Hưng, sđd như trên).

Nguyên do nào khiến Mỹ dứt khoát bỏ rơi VNCH?

Theo TS. Nguyễn Tiến Hưng(1) vì: “Quyền lợi của Mỹ ở Việt Nam đã không còn nữa”. Ông dẫn chứng về hai trường hợp giống nhau cùng được Mỹ ủng hộ, viện trợ (Israel và Nam Việt Nam) nhưng đã và đang đón nhận hai số phận khác nhau:

1. Sau Thế chiến thứ hai (1945), Mỹ giúp thành lập quốc gia Israel (Do Thái) với tuyên bố độc lập ngày 14.5.1947. Lập tức quân đội của 5 nước Ả Rập (Ai Cập, Syria, Jordan, Lebanon và Iraq) hợp lực tấn công muốn xóa sổ Israel ngay. Mỹ nhảy vào can thiệp, yểm trợ và chính thức công nhận Israel là quốc gia độc lập, có chủ quyền.

2. Ngày 26.10.1955: “nước VNCH được thành lập, Hà Nội nhất quyết đòi hỏi phải tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc (tháng 7.1956) để đi tới thống nhất, theo như quy định của Hiệp định Genève. Tổng thống Diệm, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ, tiếp tục bác bỏ. Tổng thống Eisenhower tuyên bố ông có thể “trỏ tay vào quốc gia Việt Nam tự do với niềm hãnh diện”. Nghị sĩ John F. Kennedy (sau này kế vị Eisenhower) còn bình thêm: “Tự do chính trị ở miền Nam (Việt Nam) là một nguồn cảm hứng”.

Tính ra, VNCH mai một đã 40 năm rồi (1975 - 2015), nhưng Israel vẫn còn trường tồn,  là vì: “Mỹ vẫn còn cần đến Do Thái (Israel) làm tiền đồn để trấn giữ túi dầu ở Trung Đông (cho Mỹ)” nên dù phải gánh chịu những chi phí nặng nề, kể cả một số phản ứng bất lợi ở quốc nội và trên trường quốc tế, Mỹ vẫn chấp nhận, chịu đựng. Thực ra “nếu Do Thái không có Mỹ yểm trợ thì với chỉ vỏn vẹn chưa tới 6 triệu dân, quân đội Do Thái dù có tài giỏi, lãnh đạo dù có sáng suốt, trong sạch, dân chủ gấp mấy lần miền Nam (Việt Nam) đi nữa, thì chắc cũng đã bị toàn khối Ả Rập áp đảo rồi. Ta cứ chờ đến khi nào thế giới không còn cần nhiều đến dầu lửa nữa vì có được những nguồn năng lượng quan trọng khác như ánh sáng mặt trời hay kỹ nghệ nguyên tử lực, thì lúc đó mới biết Do Thái có còn trường tồn được hay không?” (TS. Nguyễn Tiến Hưng, sđd như trên).

Nếu hiện nay “tiền đồn dầu lửa” ở Trung Đông (Israel) còn cần thiết, thì “tiền đồn của thế giới Tự do” ở châu Á (Nam Việt Nam - VNCH) lại không cần đến nữa, vì kể từ ngày TT Nixon bắt tay được với Mao Trạch Đông (1972), thì “giá trị của miền Nam (Việt Nam) trong vai trò “ngăn chặn làn sóng đỏ” đã không còn là bao nhiêu trong những tính toán của Mỹ về hơn thiệt (combenefits). Và như vậy, vấn đề còn lại đối với Mỹ chỉ là làm sao rút ra được cho êm thắm, ít bị tổn hại về uy tín là được rồi”.

Song bất hạnh ở chỗ con đường triệt thoái của Mỹ sớm “bắt đầu rải đầy xác chết” không bao lâu sau lúc “ly rượu mừng” uống với Mao vừa cạn – Theo The Daily Telegraph 24.3.1975 – Font PTTg, hồ sơ số 3810 – nguồn dẫn từ Kỳ 1: Đọc hồ sơ mật của chính quyền Sài Gòn (còn nữa)
Giao Hưởng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 33: Việt Nam sau “ly rượu mừng” giữa Richard Nixon với Mao Trạch Đông