Qua xác minh ban đầu, Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ và Sở Nội vụ TP.Cần Thơ đều có văn bản kết luận việc khen thưởng các đối tượng là “đúng và phù hợp”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn bản, chúng tôi cho rằng kết luận của 2 cơ quan này không đủ sức thuyết phục, có biểu hiện né tránh sự thật…

Kỳ 3: Né tránh sự thật, vì sao?

Hồng Hiếu | 22/01/2018, 11:29

Qua xác minh ban đầu, Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ và Sở Nội vụ TP.Cần Thơ đều có văn bản kết luận việc khen thưởng các đối tượng là “đúng và phù hợp”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn bản, chúng tôi cho rằng kết luận của 2 cơ quan này không đủ sức thuyết phục, có biểu hiện né tránh sự thật…

Kỳ 1: Mới 14 tuổi đã là Trưởng Ban Cán sự Nông hội, an ninh mật của xã!

Kỳ 2: Vì sao chế độ chính sách dễ dàng bị trục lợi?

Văn bản xác minh, kết luận của Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ (do đại tá Nguyễn Thanh Đức, Chính ủy, ký) khẳng định các ông Huỳnh Văn Long, Phạm Văn Phước, Lê Văn Chuyện (ông Chuyện đã mất) được hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8.11.2005 của Thủ tướng Chính phủ là đúng. Kết quả xác minh của Sở Nội vụ TP.Cần Thơ (do ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở ký, gửi các cơ quan báo chí và Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ để báo cáo) cũng kết luận các ông này được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến là phù hợp.

Né tránh sự thật!

PV nhận thấy trong quá trình xác minh, Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ không căn cứ vào nội dung hồ sơ khai nhận chế độ 290 của các đối tượng đã được các cấp có thẩm quyền thông qua, cùng các nhân chứng biết rõ sự thật, mà lại chấp nhận chứng cứ bổ sung của chính đối tượng nghi vấn (cũng mâu thuẫn và không thuyết phục) để rồi đi đến kết luận đầy tính chủ quan, cố tình né tránhsự thật.

Theo hồ sơ, các ông Long, Phước đều tự khai mình tham gia “Đội du kích mật” ấp Thới Hòa, xã Thới An trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến ngày 30.4.1975. Xác nhận các trường hợp này có ông Huỳnh Văn Bồi (SN 1954, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vào năm 1998, tự nhận là Đội trưởng “Đội du kích mật” ấp Thới Hòa). Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Minh Kha, Bí thư Chi bộ xã Thới An giai đoạn 1971 - 1974 (cùng nhiều nhân chứng khác mà chúng tôi đã dẫn) khẳng định lúc đó ở xã không hề có cái gọi là “Đội du kích mật” mà chỉ có lực lượng mật, nòng cốt do bà trực tiếp làm đầu mối lãnh đạo, trong số đó không có các ông Bồi, Long, Phước!

Mặc dù đã làm việc và ghi nhận ý kiến của bà Nguyễn Thị Minh Kha, thế nhưng Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ lại có nhận định khác: “Các ông Bồi, Long, Phước là… lực lượng mật, không phải Đội du kích mật!”. Sở dĩ có nhận định như vậy là vì Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ mặc nhiên chấp nhận 1 tài liệu xác nhận khác (nằm ngoài các hồ sơ khai nhận chế độ 290 của các đối tượng) do chính ông Bồi cung cấp.

Đây là văn bản được lập ngày 18.6.1997, của bà Võ Kim Hoa (tự khai là Phó bí thư chi bộ xã Thới An năm 1972, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục huyện Ô Môn, nghỉ hưu năm 1985) xác nhận thành tích cho ông Bồi. Theo nội dung văn bản, ông Bồi được bà Hoa giao nhiệm vụ: “Luồn sâu trong phòng vệ dân sự, nắm tình hình, tổ chức, nếu cần thì lấy súng đạn và tuyên truyền chống bắt lính…”. Bà Hoa tuyệt nhiên không hề nhắc đến việc ông Bồi được tổ chức phân công làm Đội trưởng “Đội du kích mật”.

Dựa vào văn bản trên, Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ biện hộ: “Do ông Bồi chỉ biết mình là lực lượng hoạt động bí mật, nhưng các ông công tác chung gọi ông Bồi là Đội trưởng nên ông tưởng mình là… Đội trưởng Đội Du kích mật”. Xin được nói thêm, trong quá trình củng cố chứng cứ để thực hiện loạt bài điều tra, bà Võ Kim Hoa là một trong những nhân chứng mà PV tiếp cận. Bà Hoa năm nay đã 90 tuổi, sống neo đơn, trí nhớ không được tốt nên chúng tôi quyết định không tìm hiểu.

Đại tá Trần Văn Nhân, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ thừa nhận, vì bà Hoa không thể cung cấp được thông tin cụ thể theo yêu cầu nên cán bộ xác minh… chấp nhận văn bản được lập từ năm 1997 do ông Bồi cung cấp. “Lực lượng mật cũng thuộc đối tượng được xét hưởng chế độ 290”, đại tá Nhân nói.

Đại tá Nhân còn giải thích: Trong hồ sơ của ông Phước, sở dĩ bản khai của ông có sau các biên bản khác là vì thông tin cá nhân có sai sót nên cho bổ sung. Cán bộ làm công tác chuyên môn sơ xuất không thẩm định lại nên đề nghị về trên.

Còn tại hồ sơ của ông Long, từ bản khai cá nhân đến các biên bản có liên quan cùng giấy xác nhận của những người biết quá trình tham gia hoạt động của đối tượng đều có cùng nét chữ giống nhau là vì ông Long cùng 2 người xác nhận (ông Bồi và ông Nghĩa), nhờ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự phường viết hộ, các ông chỉ ký xác nhận, điều này không sai so với quy định. Khi PV đặt câu hỏi, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự phường viết hộ, cụ thể là ai? Đại tá Nhân nói sự việc qua lâu rồi, không nắm được!

Mặc khác, tuy trong hồ sơ các ông Long, Phước đều tự khai (và được xác nhận) tham gia “du kích mật” nhưng Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ, sau khi tùytiện đưa ra lý do hoán đổi thành phần từ “du kích mật” sang “lực lượng mật” cho các đối tượng, lại viện dẫn: “Ông Phước tham gia lực lượng mật, được 2 người xác nhận (ông Bồi và cha ruột ông Bồi là Huỳnh Văn Bảy), ông Phước lại được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì nên được hưởng chế độ 290 là đúng”.

Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ cũng kết luận trường hợp ông Long được hưởng chế độ 290 là đúng. Chúng tôi xin nhắc lại, ở hồ sơ 290, ông Long khai từ tháng 2.1965 đến 4.1971 là Đội phó Du kích mật xã Thới Thạnh; từ tháng 5.1971 đến tháng 4.1975 làm lực lượng du kích mật ấp Thới Hòa, xã Thới An.

Hồ sơ này được các ông Bồi, Nghĩa xác nhận và được hội đồng xét duyệt các cấp thông qua. Do chỉ hoán đổi thành phần từ “du kích mật” sang “lực lượng mật” cho đối tượng khi ở xã Thới An (tháng 5.1971 đến tháng 4.1975) nên Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ vẫn công nhận ông Long là “du kích mật” xã Thới Thạnh trong khoảng thời gian trước đó.

Vì muốn bảo vệ thành tích hay vì lý do nào khác?

Trong văn bản xác minh của Sở Nội vụ TP.Cần Thơ, sau khi tiếp cận các nhân chứng là những người trực tiếp lãnh đạo địa bàn, như: bà Nguyễn Thị Minh Kha, ông Huỳnh Long Thạnh, ông Lý Hữu Hồ (nguyên Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cán bộ cách mạng tại huyện Ô Môn trước năm 1975)... tưởng như vấn đề đã được làm sáng tỏ. Thế nhưng Sở Nội vụ TP.Cần Thơ lại ngoặt sang hướng khác.

Ông Huỳnh Long Thạnh, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Ô Môn, nguyên chi ủy xã Thới Thạnh, cung cấp thông tin cho phóng viên về các trường hợp trục lợi chính sách - Ảnh: Nguyễn Hồng

Theo đó, Sở Nội vụ TP.Cần Thơ không dựa trên cơ sở xác minh của mình mà lại phụ thuộc hoàn toàn vào kết luận của… Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ. Nên Sở Nội vụ TP.Cần Thơ đi đến nhận định: Các trường hợp ông Long, Hiền, Phước, Chuyện đã được xác nhận và ghi nhận có công (hưởng chế độ 290) do đó việc khen thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến là phù hợp và đúng theo quy định.

Trong khi đó, ở phần kết luận của mình, Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ lại viện dẫn thêm, những người xác nhận cho các ông Long, Phước như: Huỳnh Văn Bồi, Huỳnh Văn Bảy, Nguyễn Văn Nghĩa đều đã được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến nên ông Long và ông Phước được hưởng chế độ 290 là đúng!

Có điều lạ là giữa 2 cơ quan này vừa như đá bóng trách nhiệm cho nhau, lại vừa âm thầm“phối hợp” cùng nhau trong giải quyết vấn đề. Nếu như họ có trách nhiệm hơn trước bức xúc của dư luận, quyết đưa sự thật ra ánh sáng, chỉ cần đặt 2 bộ hồ sơ (xét hưởng chế độ 290 và tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến) của các đối tượng nằm cạnh nhau thì tự thân mọi chiêu trò gian lận trong đó sẽ phơi bày hết.

Kết quả xác minh và kết luận vụ việc của Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ và Sở Nội vụ TP.Cần Thơ đều không thuyết phục vì đã không đi vào bản chất của vấn đề, có biểu hiện né tránh sự thật, dung dưỡng cho cái sai khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi: “Họ làm như vậy để bảo vệ thành tích của ngành, địa phương mình hay còn vì lý do “tế nhị” nào khác?”.

Then chốt: có hay không cái gọi là “Đội du kích mật”?

Xuyên suốt toàn bộ vụ việc, chúng tôi thấy nổi lên rất rõ vai trò của ông Huỳnh Văn Bồi cùng cái gọi là “Đội du kích mật” do ông tự khai. Hầu hết các đối tượng đều kê khai mình là thành viên “Đội du kích mật” và đều được ông Bồi xác nhận với tư cách “Đội trưởng”. Có hay khôngcái gọi là “Đội du kích mật”, như chúng tôi đã dẫn, những người trực tiếp lãnh đạo địa bàn như bà Nguyễn Thị Minh Kha cùng các ông Huỳnh Long Thạnh, Lý Hữu Hồ, Nguyễn Thanh Thượng, Ngô Minh Cừu lấy danh dự của mình ra thẳng thừng bác bỏ!

Nhiều nhân chứng khẳng định với chúng tôi, thực chất ông Bồi chỉ xin tham gia Công an thị trấn Ô Môn (huyện Ô Môn) sau ngày 30.4.1975, sau đó do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nên ông Bồi bị cho thôi việc. Còn ông Phạm Văn Út (hiện nay sống tại phường Châu Văn Liêm, trước đây là TT.Ô Môn, huyện Ô Môn) cho biết: Tôi tham gia Công an TT.Ô Môn ngày 29.4.1975, khoảng nửa tháng sau đó mới thấy ông Bồi xin vào làm công an viên. Ông Bồi lúc đó đoàn viên còn không có chứ nói gì đến “thành tích” đầy mình như kê khai trong các bộ hồ sơ chính sách của các đối tượng kia.

Vì lẽ đó, chúng tôi đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ sớm chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ; đồng thời xử lý nghiêm hành vi khai man, gian lận hồ sơ người có công (kể cả của người kê khai, người làm chứng và người xác nhận) nhằm trục lợi chính sách của Đảng, Nhà nước.

Nguyễn Hồng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 3: Né tránh sự thật, vì sao?