William Colby kéo chiếc tủ sách để che chắn, làm “chỗ ẩn nấp tạm thời cho vợ con” và lận khẩu súng ngắn trong lưng để đề phòng những người “anh cả đỏ” của Nguyễn Chánh Thi bất thần ập đến...

Kỳ 26: Nguyễn Chánh Thi và William Colby trước cuộc tấn công của lữ đoàn dù “Anh Cả đỏ” vào Dinh Độc lập

Một Thế Giới | 04/06/2015, 07:27

William Colby kéo chiếc tủ sách để che chắn, làm “chỗ ẩn nấp tạm thời cho vợ con” và lận khẩu súng ngắn trong lưng để đề phòng những người “anh cả đỏ” của Nguyễn Chánh Thi bất thần ập đến...

Lẽ ra, theo dự định, đảo chánh sẽ bùng nổ vào 12.11.1960, nhưng buộc phải tiến hành sớm hơn một ngày: 11.11.1960. Lý do: một số sĩ quan trong ban tham mưu (như các trung tá: Nguyễn Triệu Hồng, Vương Văn Đông, các thiếu tá: Phan Trọng Chinh, Trần Văn Đô, Nguyễn Văn Lộc và đại úy Nguyễn Thanh Chuẩn) lo ngại về những “réseau (nguồn) tình báo quân đội” (của Ngô Đình Nhu) dường như đang chú tâm theo dõi về nhiều “dấu hiệu khả nghi” quanh động tĩnh của các cánh quân trực thuộc Lữ đoàn nhảy dù sửa soạn di chuyển về “hướng Đ” (dinh Độc Lập).

Nên, Nguyễn Chánh Thi quyết định đúng 3 giờ sáng 11.11, khi các cánh quân đã lặng lẽ ém sẵn quanh những địa điểm xung yếu trong thành phố, phát lệnh khai hỏa!

Ngay lập tức, tiếng súng của tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 nhảy dù phá tan màn đêm yên tĩnh quanh khu vực dinh Độc Lập và đại doanh của Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ tổng thống.

Qua vài phút đầu ngỡ ngàng, lưỡng lự, lực lượng phòng vệ choàng dậy đánh trả dữ dội. Giao tranh quyết liệt nổ ra giữa hai lực lượng vũ trang vốn đều được xem là “con cưng” của nhà họ Ngô.

Trước đó vài tiếng đồng hồ, giám đốc CIA William Colby dự xong vũ hội truyền thống do đội thủy quân lục chiến Mỹ (có nhiệm vụ bảo vệ sứ quán ở Sài Gòn) tổ chức - đã cùng đại sứ Durbrow dẫn vợ con của họ ra hóng mát ở một khách sạn nổi trên sông Sài Gòn. Về nhà lúc gần khuya, Colby mệt mỏi nằm ngủ chưa bao lâu đã phải ngồi lên vì “bất thình lình vào 3 giờ sáng, một loạt tiếng nổ đanh gọn vang trên đường phố, ngay trước nhà chúng tôi và dinh tổng thống Diệm. Rõ ràng đây không phải sấm chớp trong một đêm giông bão, vì tôi nhìn thấy trên bầu trời vạch lên ngang dọc những vệt sáng của đường đạn đi…” (William Colby - sđd Kỳ 3, tr. 103).

Colby bước lại hốc tủ trên bức tường của phòng ngủ, lấy ra “chiếc máy thu thanh chuyên dụng” (chỉ dùng vào những trường hợp khẩn cấp) vặn nút bắt sóng và nghe được ngay “khúc dạo đầu” của đợt tấn công đang diễn ra. Ai đã bí mật, kịp thời truyền cả âm thanh lẫn tin tức qua làn sóng điện đến Colby lúc đó nếu không phải là một nhân viên CIA đang có mặt bên cạnh Bộ tư lệnh quân đảo chánh, ngay tại mặt trận ?

Tình báo dinh Độc Lập cũng không vừa. Sau đảo chánh, chẳng hiểu bằng cách nào, họ đã len lỏi được vào “mắt bão” của những “cơn bão tin tức đa chiều” để lôi ra từ “hồ sơ tĩnh” tên tuổi, tướng trạng, địa chỉ cùng “vỏ bọc” chính xác của nhân viên tình báo CIA đó. Và Ngô Đình Nhu chính thức đòi hỏi Colby phải trục xuất người Mỹ nói trên khỏi Sài Gòn vì “những hoạt động gián điệp” cạnh phe đảo chánh. Chuyện ấy sẽ viết sau.

Hồi ký Nguyễn Chánh Thi ghi:

* Gần 4 giờ sáng (11.11.1960):

“Tôi nhận điện tín báo cáo Bộ tư lệnh Quân khu thủ đô và các cơ quan quân sự trực thuộc đều đã được chiếm xong. Đồng thời Bộ tổng tham mưu, Nha Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, trụ sở Quốc hội, Quân vụ thị trấn cũng đều về tay quân đội cách mạng (quân đảo chánh) kiểm soát”.

* Đến 5 giờ 20: “đại úy Nguyễn Thanh Chuẩn vội vã đến tìm tôi và trình với giọng đứt quãng vì mệt: Thưa đại tá, không làm sao vào được Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ tổng thống vì ở mặt tiền hỏa lực của chúng nó dồi dào, dữ dội quá. Nếu không hạ được mục tiêu này trước khi trời sáng thì nguy vô cùng. Xin mời đại tá đến quan sát để xem có thể dùng một phương kế nào khác chăng ?”

Không do dự, Nguyễn Chánh Thi lên xe phóng đến trước đại doanh của Lữ đoàn liên binh phòng vệ, dùng loa phóng thanh gọi vào:

- “Tôi là đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh tối cao quân đội cách mạng, đến đây ra lệnh cho toàn thể anh em trong Lữ đoàn liên binh phòng vệ hãy bỏ súng, thôi bắn ! Chúng ta vì quyền lợi chung của tổ quốc, phải sát cánh nhau để quật đổ cái chính quyền đã đi ngược lại lòng dân. Anh em đừng để cho máu phải đổ nhiều nữa thêm vô ích !”

Đáp lời kêu gọi, tiếng súng bên trong thưa dần.

Đến lần kêu gọi thứ hai “tiếng súng bên trong bắt đầu im bặt - giây phút ấy thật là thiêng liêng, cảm động (…) từ trên các tầng lầu, binh sĩ của Lữ đoàn liên binh phòng vệ đã ném súng xuống đất” - đầu hàng (NCT - sđd tr. 118-119). Nguyễn Chánh Thi giao thiếu tá Trần Văn Đô tước khí giới và đối xử tử tế với hàng binh, ra lệnh đưa 4 chiếc thiết giáp vừa lấy được của lữ đoàn phòng vệ khởi động tiến đến đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) để yểm trợ tiểu đoàn 3 nhảy dù sắp mở đợt xung phong quyết tử (còn nữa).

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 26: Nguyễn Chánh Thi và William Colby trước cuộc tấn công của lữ đoàn dù “Anh Cả đỏ” vào Dinh Độc lập