SỰ KIỆN LỊCH SỬ 30.4: NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA

Nói đến “chống đảo chánh” trước.

Lúc lực lượng quân đội của cựu thiếu tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo nổi dậy làm chủ Sài Gòn chiều 19.2.1965 (xem Kỳ 21) - các tướng lãnh (của Hội đồng Quân lực) cùng đại diện công quyền (của Hội đồng Quốc gia lập pháp) và đại biểu chính phủ (của thủ tướng Phan Huy Quát) đã lánh về Biên Hòa đồng thuận đưa tướng Nguyễn Chánh Thi lên làm Tư lệnh Quân đoàn giải phóng thủ đô (Sài Gòn) trong phiên họp toàn thể hôm 20.2.1965.

Ngay đêm ấy, tướng Thi điều động các đơn vị biệt động quân, thiết giáp, thủy quân lục chiến, nhảy dù, phối hợp với trung đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 7 đóng tại Long An kéo về Sài Gòn. Bộ tham mưu lưu động của tướng Thi mở đợt “bôn tập” với tốc độ hành quân “gió lốc” đã nhanh chóng lật ngược thế cờ. Họ không phải dùng đến sức mạnh của không quân nên tránh được cho Sài Gòn khỏi “bị dội bom” như tướng Nguyễn Cao Kỳ đe dọa (xem Kỳ 21) và lần lượt đưa quân tái chiếm, thu hồi trại Lê Văn Duyệt, đài Phát thanh, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất, cùng các căn cứ quân sự và cơ sở hành chánh bị mất trước đó vào tay tướng Phát và đại tá Thảo.

Điều hiếm thấy là, phe “chống đảo chánh” thành công đã tức khắc mở ra cuộc “đảo chánh mới” giữa lòng Sài Gòn. Mục đích: nhằm lật đổ nguyên thủ tướng, tổng tư lệnh quân đội: đại tướng Nguyễn Khánh. Đại tướng Khánh bị các tướng lãnh ghép “nhiều tội”, trong đó theo tướng Thi nguy hiểm nhất là tội đã “gây chia rẽ tôn giáo và lũng đoạn quân đội”.

Tướng Nguyễn Cao Kỳ đồng ý gạt Khánh, lấy người khác thay vị trí tổng tư lệnh quân đội, với đòi hỏi “sự thay đổi đó phải được thực hiện trên căn bản pháp lý” (để tránh tai tiếng).

Bằng cách nào?

Kỳ đề nghị: “rước bác sĩ Sửu (Quốc trưởng Phan Khắc Sửu - GH) ở Thượng hội đồng quốc gia đến để thảo ra một sắc lệnh cho phép thực hiện” (hồi ký Nguyễn Cao Kỳ, sđd Kỳ 21, tr. 40).

Được, nhưng chậm lắm. Bởi:

Trong lúc tìm cánh cửa hợp pháp để đẩy Khánh ra đi theo cách của Kỳ nói, sợ Khánh có thể lợi dụng “khoảng giữa” của thời gian còn lại để sẽ “đảo chánh” ngược. Hãy nhớ, Khánh đầy kinh nghiệm qua 7 lần đảo chánh và tác động thay đổi lãnh đạo quốc gia chỉ trong 1 năm (1964). Cần phải hành động nhanh hơn, không để Khánh kịp trở tay, bằng giải pháp: ủy nhiệm Tư lệnh Quân đoàn giải phóng thủ đô Nguyễn Chánh Thi đến gặp Quốc trưởng Phan Khắc Sửu tối 21.2.1965 để yêu cầu ký ngay sắc lệnh giải nhiệm tướng Khánh (và đưa trung tướng Trần Văn Minh lên thay theo chỉ định của các tướng lãnh đang chủ trương: “đảo chánh không tiếng súng”).

Nguyễn Chánh Thi kể (qua hồi ký: Việt Nam - một trời tâm sự, NXB Xuân Thu, California 1987, tr. 294-295) là khi ông đến gặp Quốc trưởng Phan Khắc Sửu để trình bày (uy hiếp ?- GH) đã thấy thủ tướng Phan Huy Quát và phó thủ tướng thứ nhất Nguyễn Văn Thiệu (tổng thống VNCH sau này) có mặt sẵn ở đó. Nghe Thi nói xong, Phan Khắc Sửu nhìn sang hai ông Quát và Thiệu hỏi ý kiến. Cả hai ông ấy đồng ý ký sắc lệnh “truất phế” Khánh. Tuy vậy ông Sửu vẫn chần chừ: “Nếu được, nên để đến ngày mai vì tôi muốn cân nhắc lại và cũng cần hỏi thêm một vài người nữa”.

Nguyễn Chánh Thi không chịu, thúc tới: “Quốc trưởng phải có quyết định ngay, để ông Quát và ông Thiệu (có mặt ở đây) cùng ký với Quốc trưởng luôn thể”.

Ông Sửu “bấm trán một lúc rồi thuận theo”. Thế là sắc lệnh “giải nhiệm Nguyễn Khánh” đã ký xong và lập tức đưa đến đài phát thanh loan báo ngay. Nghe bản tin, Khánh bàng hoàng và cay đắng phổ biến một công điện nêu rõ: “một vài tướng lãnh tiếp tục đảo chánh theo cuộc đảo chánh vừa mới dẹp yên hôm nay” (ý nói cuộc “chống đảo chánh” đã biến tướng thành “đảo chánh Khánh” do Nguyễn Chánh Thi và Nguyễn Cao Kỳ khởi xướng).

Và rồi, khi tướng Khánh đã phải rời Việt Nam, lưu vong với danh nghĩa “đại sứ lưu động”, cuộc “đảo chánh không tiếng súng” đạt đến thành công trọn vẹn với tuyên bố từ chức của thủ tướng Quát và quốc trưởng Sửu sau đó vài ba tháng (11.6.1965), mở đường đưa trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương (14.6.1965). Chuyến “thăng hoa” của hai tướng Thiệu - Kỳ kéo theo một loạt các tướng tá cùng phe cánh của họ tăng thêm quyền lực.

Nhưng ngược lại, số phận của các tướng lãnh không “chung đường” với họ thì sao ?. Thử nêu hai trường hợp:

1. Sau thất bại, những sĩ quan tham gia cuộc chính biến 19.2 bị Tòa án Quân sự Mặt trận vùng III chiến thuật xét xử (7.5.1965) tuyên án tử hình vắng mặt: Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát (như đã viết ở các kỳ trước) và Nguyễn Kim Báu - cùng 40 người khác với: “13 án khổ sai, 16 án tù ở, 6 án tù treo, tha bổng 5 bị cáo” (Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa - sđd Kỳ 20, tr. 117). Nguyễn Cao Kỳ viết, Thảo và Phát cùng đại tá Robert Rowland, cố vấn Mỹ cạnh không quân VNCH bay tới Biên Hòa gặp Kỳ thương lượng trong giờ tướng Thi xuất quân - nhưng đã trễ. Về sau Thảo và Phát “bỏ trốn trong các làng Công giáo khoảng 2 năm (…) sau đó Thảo bị giết chết theo lệnh của tướng Thiệu (…) khi tôi lên làm thủ tướng tôi đã ra lệnh ân xá đưa Phát ra khỏi nơi ẩn trốn - suốt trong mấy tuần cuối trước khi Sài Gòn sụp đổ (30.4.1975), Phát thường hay đến nhà tôi, tỏ ý muốn cộng tác với tôi để lật đổ Thiệu - theo tôi biết thì Phát vẫn còn ở Sài Gòn sau 30.4…” (Nguyễn Cao Kỳ - sđd tr. 41).

Lâm Văn Phát có thân phụ là cụ Lâm Văn Phận, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng làm Chủ tịch Ủy ban Liên Việt tỉnh Cần Thơ thời kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc năm 1954. Tướng Phát ở lại gia nhập quân đội VNCH, bị cách chức và sống âm thầm suốt 10 năm sau chính biến 19.2 (1965-1975), được tổng thống Dương Văn Minh phục hồi và thăng trung tướng, giao làm Tư lệnh Biệt khu thủ đô ngày 29.4.1975. Ông bắt tay củng cố lực lượng quân đội còn lại với mong muốn “cố thủ để tìm đường đàm phán” nhưng rốt cuộc đành buông súng sau quyết định đầu hàng của tướng Minh và phải đi học tập cải tạo hơn 10 năm. Khi được trả tự do, ông qua Mỹ định cư tại Cali và mất ở đó năm 78 tuổi (1998) sau một cuộc đời thăng trầm, chìm nổi, với 4 lần tham gia đảo chánh, bị kết án tử hình vắng mặt và được ân xá, được lên chức, rồi cuối cùng vẫn bị vướng vào vòng lao lý, tha hương…

2. Nguyễn Chánh Thi, một tuần sau ngày dẹp yên chính biến, đã từ chối tham chính để rời Sài Gòn quay về ngoài Trung, tiếp tục làm Tư lệnh Quân đoàn I, kiêm Tư lệnh vùng I chiến thuật, đóng ở Đà Nẵng và thường ghé thăm Huế (Nguyễn Chánh Thi sinh tại Thừa Thiên - Huế 23.2.1923).

Những lần đến Huế, ông không khỏi có dịp nhắc đến buổi nói chuyện lần đầu (và duy nhất) với Ngô Đình Cẩn (em ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu) đầu năm 1960 - lúc ông Cẩn đang trên đỉnh cao quyền lực. Còn tướng Thi (lúc ấy) đang là đại tá tư lệnh Lữ đoàn dù “anh cả đỏ” đóng tại Sài Gòn. Ngô Đình Cẩn điện vào triệu tập ông Thi ra Huế. Hai bên gặp nhau ở dinh Phú Cam. Giữa câu chuyện, ông Cẩn đang nhai trầu bỏm bẻm, đột nhiên ngước lên nhìn Thi hỏi:

- Đại tá có muốn tôi trình với tổng thống móc sao tướng cho đại tá không ?

Ông Thi lịch sự cám ơn và nói một câu chắc hẳn đã làm Ngô Đình Cẩn bất ngờ: “Thật ra đối với cá nhân tôi, cấp bậc không phải là điều quan trọng”….

Về lại Sài Gòn, vài hôm sau đang chào cờ buổi sáng, sĩ quan trực của Nguyễn Chánh Thi đến khẩn báo: “Nha An ninh quân đội có lệnh mời đại tá đến văn phòng của Nha ngay bây giờ”.

Nguyễn Chánh Thi lấy xe phóng đi, tới nơi thấy đại tá giám đốc Đỗ Mậu đang ngồi chờ. Đỗ Mậu lẳng lặng chìa công văn của Phủ tổng thống gởi Nha An ninh quân đội (và Bộ Tư lệnh Quân khu thủ đô) có đóng dấu “mật” và “tối khẩn” chỉ thị phải gấp rút điều tra đại tá tư lệnh Lữ đoàn dù Nguyễn Chánh Thi về “những hoạt động có hại cho quốc gia” !

Rời Nha An ninh quân đội, biết tình thế thúc bách, gấp gáp lắm, ông Thi bàn rút ngắn kế hoạch đảo chánh tổng thống Diệm với nhóm sĩ quan đối kháng nhà Ngô như trung tá Vương Văn Đông, thiếu tá Nguyễn Triệu Hồng, đại úy Phan Lạc Tuyên… Để không lâu sau, ngày 11.11.1960 - tướng Thi đã quyết định kéo Lữ đoàn dù, kết hợp với các đơn vị thiết giáp và bộ binh nổ súng tấn công dinh Độc Lập. Tiếng súng đánh thức giám đốc CIA William Colby đang ngủ với vợ con ở ngôi nhà gần đó phải choàng dậy lúc nửa đêm về sáng… (còn nữa).

Giao Hưởng