Báo Nikkei Asian Review (Nhật Bản) nêu nhà lãnh đạo Trung Quốc còn tính đến mục tiêu làm Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) suốt đời, một khi ông trở thành Chủ tịch nước suốt đời.

Kỳ 2: Báo Nhật: Ông Tập Cận Bình muốn làm Chủ tịch đảng suốt đời?

12/03/2018, 21:46

Báo Nikkei Asian Review (Nhật Bản) nêu nhà lãnh đạo Trung Quốc còn tính đến mục tiêu làm Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) suốt đời, một khi ông trở thành Chủ tịch nước suốt đời.

Ông Tập Cận Bình duyệt binh ở Nội Mông - Ảnh: AP

Theo tờ báo Nhật, trước Tết Mậu Tuất là những ngày không êm ả: ngày 13.2, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông Tôn Chánh Tài chính thức bị cáo buộc các tội danh tham nhũng. Ông này từng được xem là người có thể thừa nhiệm ông Tập Cận Bình.

Qua ngày 24.2, ông Dương Tinh bị bãi chức Tổng thư ký kiêm ủy viên Quốc vụ viện, bị Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương (CCDI) điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ông này từng là trợ lý thân cận của Thủ tướng Lý Khắc Cường, theo báo Nikkei Asian Review.

Cùng ngày có thông báo ngày 26.2 sẽ có cuộc họp toàn thể 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Phiên họp toàn thể này chỉ tổ chức khi cần quyết những vấn đề quan trọng.

Chủ đề họp là có nên hủy bỏ thời hạn hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước, tạo điều kiện cho ông Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc mãi mãi.

Tối 25.2, Tân Hoa Xã đưa tin Ban Chấp hành Trung ương CPC đề xuất hủy bỏ điều khoản Hiến pháp quy định Chủ tịch và Phó chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa giữ chức không quá hai nhiệm kỳ.

Trang Nikkei Asian Review phân tích rằng ông Tập không dành thời gian cho đối thủ chính trị tiềm năng kịp thở, dẫn một nguồn tin giấu tên: “Mục tiêu thật của ông Tập Cận Bình không phải gia hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông ấy sẽ nỗ lực phục hồi chức danh Chủ tịch đảng mà lãnh tụ Mao Trạch Đông từng giữ”.

Hè 2017, ông Tập có ý tưởng tái lập chức Chủ tịch đảng mà ông Mao Trạch Đông từng giữ cho đến khi qua đời năm 1976. Ông Đặng Tiểu Bình hủy chức danh này năm 1982, để không ai có thể tái diễn thảm họa Cách mạng văn hóa (1966-1976) mà Mao Trạch Đông từng phát động.

Từ đó có chức danh Tổng bí thư, và chức danh này phản ánh một hệ thống lãnh đạo tập thể. Cùng năm đó, Hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi, hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước không quá hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm.

Các nhà lãnh đạo lão thành không đồng ý đề xuất phục hồi chức Chủ tịch đảng nên ông Tập Cận Bình đổi chiến thuật, ưu tiên việc đưa tư tưởng Tập Cận Bình về tiến lên chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc vào điều lệ đảng, ở Đại hội đảng khóa 19 hồi tháng 10.2017. Rồi tiếp theo là đề xuất hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó chủ tịch nước.

Về chuyện phục hồi chức danh Chủ tịch đảng, ông Tập Cận Bình vẫn còn 4 năm rưỡi trước khi Đại hội đảng khóa 20 tổ chức năm 2022. Tuổi hưu không chính thức của thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị CPC là 68. Ông Tập Cận Bình sẽ 69 tuổi vào năm 2022, và theo quy định bất thành văn trên, ông sẽ phải về hưu, thôi làm Tổng bí thư.

Nhưng khi đó Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ được 67 tuổi, có thể thay ông Tập Cận Bình và lần lượt xóa bỏ từng chính sách của ông. Cách đây chưa đầy 5 năm, ông Lý Khắc Cường là ngôi sao đang lên của Đoàn thanh niên cộng sản, được đánh giá có thể trở thành Tổng bí thư.

Trước khả năng này, ông Tập Cận Bình muốn dỡ bỏ thời hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Và nếu như ông đạt mục tiêu trở thành Chủ tịch đảng từ năm 2022, ông sẽ có thể tái lập thời hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước ở kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm 2023, nhằm bảo đảm không ai có hơn hai nhiệm kỳ và củng cố vị thế Chủ tịch đảng của ông.

Ông Tập Cận Bình cũng xem như đã hủy bỏ quy định tuổi hưu không chính thức, bằng cách gia hạn sự nghiệp chính trị cho người thân cận là ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi.

Ông Vương Kỳ Sơn đã thôi chức Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị CPC ở Đại hội đảng khóa 19 hồi tháng 10.2017. Nhưng ông lại vừa được bầu làm đại biểu quốc hội và có thể trở thành Phó chủ tịch nước Trung Quốc trong tháng 3 này.

Việc sửa Hiến pháp cũng hủy nhiệm kỳ 5 năm đối với Phó chủ tịch nước. Như vậy, vị Phó chủ tịch kế tiếp có thể giữ chức này vĩnh viễn. Khi đó người ta sẽ chú ý xem ai là người sẽ được ông Tập Cận Bình chọn thừa kế chức Phó chủ tịch nước của ông Vương Kỳ Sơn. Các ứng cử viên có thể là người của Chiết Giang phái, gồm các cựu nhân viên cấp dưới thời ông Tập làm Bí thư Chiết Giang, như 2 đương kim Bí thư Trùng Khánh và Thượng Hải đồng tuổi 57 là các ông Trần Mẫn Nhĩ và Lý Cường.

Vẫn theo Nikkei Asian Review, hai sự kiện quân sự năm 2017 phản ánh tham vọng làm lãnh đạo vĩnh viễn của ông Tập Cập Bình: ngày 30.6, ông theo dõi cuộc duyệt binh của 3.100 quân Trung Quốc trú đóng ở Đặc khu hành chính Hồng Kông, dịp kỷ niệm 20 năm ngày Anh trả xứ nhượng địa này cho Trung Quốc (1.7.1997). Lúc đó, các binh lính hô to “Chào Chủ tịch” thay vì gọi ông là thủ trưởng, là cách gọi thời những vị tiền nhiệm của ông là các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Đúng một tháng sau, 12.000 binh sĩ gọi ông Tập Cận Bình là chủ tịch ở cuộc duyệt binh tại vùng Nội Mông Trung Quốc, dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Vĩnh Thụy (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Báo Nhật: Ông Tập Cận Bình muốn làm Chủ tịch đảng suốt đời?