Bước tiến gần nhất của Mỹ đến chỗ tuyên chiến với VN là nghị quyết vịnh Bắc Bộ tháng 8/1964. Các sự kiện liên quan đến nghị quyết này đã làm nảy sinh ra những tranh cãi mà đến ngày nay vẫn còn.

Kỳ 15: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ nhìn qua lăng kính McNamara

02/12/2014, 05:10

Bước tiến gần nhất của Mỹ đến chỗ tuyên chiến với VN là nghị quyết vịnh Bắc Bộ tháng 8/1964. Các sự kiện liên quan đến nghị quyết này đã làm nảy sinh ra những tranh cãi mà đến ngày nay vẫn còn.

Nhiều người xem 9 ngày, tính từ 30/7 đến 7/8/1964 như là giai đoạn đáng tranh cãi nhất trong “25 năm chiến tranh”. Chẳng có gì ngạc nhiên cả. Trong 3 thập niên qua, tranh cãi vẫn xoay quanh các vấn đề sau: điều gì đã xảy ra trong vịnh Bắc bộ, chúng tôi đã tường trình như thế nào với QH, QH đã trao cho chúng tôi những quyền hạn gì?
Các sự kiện ở vịnh Bắc bộ liên quan đến hai hoạt động riêng rẽ của Mỹ: kế hoạch 34A và chuyến tuần tiễu mang mật danh DESOTO.
Như tôi đã từng nói, vào tháng 1/1964, hội đồng an ninh quốc gia đã đồng ý cho CIA hậu thuẫn các chiến dịch biệt kích của NVN chống lại BVN, mang mật hiệu kế hoạch 34A. Kế hoạch này bao gồm 2 loại hoạt động:
- 1/ Hải quân và không quân thả các toán biệt kích NVN có trang bị điện đài nhảy vào NVN nhằm tiến hành các hoạt động phá hoại và thu thập tin tức tình báo.
- 2/ Các khinh tốc đỉnh điều khiển bởi thủy thủ đoàn NVN hay bởi lính đánh thuê người nước ngoài tung ra các cuộc đột kích nhằm vào các cơ sở trên bờ biển và các hải đảo của BVN.
CIA hậu thuẫn cho các cuộc hành quân 34A này, MACV duy trì quan hệ chặt chẽ với họ, tướng Krulak của bộ chỉ huy liên quân ở Washington cũng thế. Ủy ban 303 xem xét lịch tổ chức các chiến dịch bí mật này. Mọi chiến dịch giấu mặt của CIA trên thế giới đều phải được thông qua bởi ủy ban 303. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống (Mac Bundy) chủ trì ủy ban này, trong số các thành viên khác của ủy ban còn có Thứ trưởng Ngoại giao (George Ball), Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng (Cyrus R.Vance thay cho Ros Gilpatric từ đầu năm 1964) và Phó giám đốc đặc trách kế hoạch của CIA (Richard Helms).
CIA vẫn từng bị những người chỉ trích gọi là “con voi dữ cô độc sống lìa đàn”, song tôi nghĩ rằng như thế là hiểu sai tính chất của CIA. Trong suốt 7 năm trời tôi ngồi ở Bộ Quốc phòng cũng như đối với các chính quyền trước đó và sau đó, (tôi nhận thấy rằng) mọi hành động giấu mặt của CIA (ngoại trừ các hoạt động do thám) đều phải được Tổng thống cùng các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hay các người đại diện cho họ đồng ý duyệt. CIA không có quyền tự ý hành động mà không được phép.
Các chuyến tàu tuần tiễu DESOTO thì khác hẳn với các chiến dịch 34A về mục đích và về mặt thủ tục. Các cuộc tuần tiễu này nằm trong một chiến lược trinh sát toàn cầu bằng các thiết bị điện tử thực hiện bởi các chiến hạm của Mỹ. Các tàu này hoạt động trong hải phận quốc tế, thu thập các tín hiệu truyền tin và radar phát đi từ các cơ sở cận duyên của các nước cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, và …Bắc VN. Các tư lệnh hạm đội Mỹ - trong trường hợp ở vịnh Bắc bộ là Đô đốc Thomas Moorer, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương – quyết định ấn định lịch trình và lộ trình của các chuyến trinh sát DESOTO này và trao đổi với bộ chỉ huy liên quân ở Washington.
Tuy có một số nhân vật được biết về cả hai loại chiến dịch này song việc phê chuẩn các chiến dịch đó đều có tính cách riêng rẻ. Ngay từ lâu trước biến cố vịnh Bắc bộ tháng 8/1964 đó, nhiều người trong số chúng tôi biết rõ rằng các cuộc hành quân biệt kích 34A là vô hiệu quả. Đa số các biệt kích Nam VN được gửi đến Bắc VN đều bị bắt giữ hoặc bị giết và rằng các cuộc đổ quân không vận này cứ như thể là muỗi đốt. Có lẽ người sẽ đặt câu hỏi: “Nếu thế thì sao lại cứ tiếp tục các cuộc hành quân này?”. Câu trả lời là: Chính phủ NVN xem các cuộc hành quân đó như là một phương tiện quấy rối BVN ít “tốn kém” nhất để trả lại việc Hà Nội hậu thuẫn cho VC.
Đêm 30/7/1964, một cuộc hành quân biệt kích 34A tiến hành từ các tàu tuần tiễu của NVN đã nhắm vào hai hòn đảo của BVN trong vịnh Bắc bộ. Hai hòn đảo này được xem như là căn cứ xuất phát các hoạt động xâm nhập NVN. Sáng hôm sau, khu trục hạm Maddox của Mỹ thực hiện một cuộc tuần tiễu trong khuôn khổ chiến dịch DESOTO, trực chỉ vịnh Bắc bộ.
Hai ngày rưỡi sau, vào lúc 3g40 chiều (tức 3g40 sáng giờ Washington) ngày 2/8, tàu Maddox báo cáo bị hai khinh tốc đỉnh áp sát. Vài phút sau, tàu Maddox bị tấn công bằng ngư lôi và súng tự động. Tàu Maddox báo cáo không bị tổn thất hay thương vong gì. Vào thời điểm xảy ra sự cố, tàu Maddox ở cách bờ biển BVN hơn 25 dặm.
Đến 11g30 sáng (giờ Washington), Tổng thống họp các cố vấn cao cấp để xem xét các báo cáo mới nhất và bàn tính một kế hoạch đối phó. Tất cả đều nghĩ rằng đây có thể là quyết định của một chỉ huy cấp địa phương nào đó của BVN hơn là của một cấp cao hơn, và, do đó, Tổng thống quyết định không trả đũa.
Max Taylor, đại sứ Mỹ tại NVN, phản đối quyết định này. Trong một bức điện gửi bộ ngoại giao đêm 2/8, ông ta nói rằng không đáp trả một vụ tấn công vô cớ vào một khu trục hạm Mỹ trong hải phận quốc tế và sẽ bị hiểu như là những “dấu hiệu chứng tỏ Mỹ không dám trực tiếp đối đầu với BVN”.
7 giờ 40 phút sáng ngày 4/8 (giờ Washington), tàu Maddox điện báo tàu đang sắp bị tấn công bởi một số tàu lạ không nhận dạng được. Các thông tin của tàu Maddox đến từ các báo cáo tuyệt mật của Hội đồng An ninh quốc gia, do nắm bắt được các mệnh lệnh (qua máy kiểm thính) của BVN.
Một giờ sau, tàu Maddox báo cáo đã bắt được tín hiệu của 3 tàu lạ này trên radar. Một hàng không mẫu hạm đang hoạt động gần đó, tàu Ticonderoga, đã tung các chiến đấu cơ ra để yểm trợ tàu Maddox và tàu Turner Joy.
Đêm đó trời không trăng, mây lại thấp cùng giông bão đã khiến cho việc quan sát rất khó khăn. Trong suốt nhiều giờ sau đó, tình hình trong vịnh Bắc bộ hoàn toàn là rối rắm. Tàu Maddox và tàu Turner Joy báo cáo bị tấn công đến 20 lần bằng thủy lôi, thậm chí còn trông thấy rõ thủy lôi rẽ sóng và đèn sáng ở buồng lái các tàu địch, ánh đèn pha quét sáng súng tự động khai hỏa…
Thấy tình hình nghiêm trọng hơn, Cyrus Vanoe (phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng) và tôi bèn họp với các tướng lãnh chỉ huy liên quân tìm biện pháp đối phó. Chúng tôi nhất trí rằng, nếu như các báo cáo trên là chính xác, nhất thiết phải trả đũa vụ tấn công vô cớ thứ nhì này. Thế là chúng tôi triển khai ngay một kế hoạch điều động hàng không mẫu hạm tấn công 4 căn cứ tàu tuần tiễu của BVN cùng 2 kho xăng dầu tiếp liệu.
Các cuộc tấn công của BVN trong hải phận quốc tế xem ra có phần vô lý đến nỗi chúng tôi cứ phải mò mẫm dò đoán ý đồ của họ. Có người cho rằng các cuộc hành quân biệt kích 34A đã khiến BVN khởi động đánh trả vào các chuyến tàu tuần tiễu DESOTO. Người khác thì cho rằng luận cứ này khó chấp nhận được vì lẽ các cuộc hành quân biệt kích 34A nào có hiệu quả gì đâu. Song, Tổng thống đã quyết định rồi: trong bất cứ tình huống nào, nếu như (tin tức về) một cuộc tấn công thứ nhì (nhắm vào tàu chiến Mỹ) được xác nhận là đúng, nhất thiết phải đáp trả nhanh chóng và quyết liệt bằng một cuộc không kích.
Đến đây câu hỏi đặt ra là: Liệu cuộc tấn công thứ nhì này đã thực sự xảy ra hay không?
Như tôi đã nói, tầm nhìn trong khu vực đó vào thời điểm của vụ tấn công (được đề quyết là đã xảy ra) là rất hạn chế. Mặt khác, các phát hiện từ tàu Maddox bằng sonar (máy dò tìm âm học định vị tàu ngầm bằng tiếng động phản hồi) được ghi nhận trong trường hợp tấn công thứ nhì, cũng thường khi không hẳn là chính xác nên vẫn không chắc chắn điều gì đã xảy ra. Theo yêu cầu của tôi, Trung tướng không quân David Burchinal, Chỉ huy Ủy ban Tham mưu hỗn hợp, đã nhiều lần gọi điện cho Đô đốc Sharp tại Honolulu để có thêm chi tiết về biến cố.
Vào lúc 1 giờ 27 phút trưa (giờ Washington), Đại úy John J.Herrick, Chỉ huy toán tuần tiễu DESOTO trên tàu Maddox, gửi đi bức điện ngắn đến Honolulu và Washington như sau: “(Sau khi) xem xét lại các diễn biến, (có thể nhận ra rằng) các báo cáo cuộc đụng độ và tấn công bằng thủy lôi dường như đáng ngờ vực. Tàu Maddox đã không phát hiện thấy gì cả. Đề nghị đánh giá đầy đủ tình hình trước khi tiến hành bất cứ hành động gì”.
41 phút sau, Đô đốc Sharp điện thoại cho Trung tướng Burchinal và nói rằng ông ta không nghi ngờ gì về (báo cáo cho rằng) một cuộc tấn công thứ nhì đã xảy ra. Đến 2 giờ 48 phút trưa (cũng giờ Washington), Đại úy Herrick gửi một bức điện khác nội dung như sau: “Chắc chắn rằng (tin tức) ban đầu về vụ tấn kích là xác thực”.
30 năm sau, các sự kiện này vẫn còn là đề tài tranh cãi. Tôi muốn thuật lại đây chi tiết một vài mẩu đối thoại của tôi (có ghi âm): (còn nữa)
Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 15: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ nhìn qua lăng kính McNamara