Phong Anh hùng xong, Phạm Xuân Ần được đưa đi học một khóa “bồi dưỡng chính trị” vì nhiều lý do, trong đó một phần bởi “ông đã sống quá lâu với… người Mỹ”!
Ông vẫn còn “khâm phục người Mỹ” dầu Mỹ đã “thua cuộc”. Ông nói với Larry Berman - giáo sư khoa học chính trị trường Đại học California - Davis, được ông chọn để chính thức viết về những hồi ức do chính ông kể, rằng:
- “Tôi đã sống và làm việc với người Mỹ trong thời gian rất dài. Tôi biết họ là những người tốt (…) tôi chẳng có lý do gì để ghét người Mỹ, cũng giống như những người Mỹ biết tôi chẳng có lý do gì để ghét tôi” (Điệp viên hoàn hảo, Larry Berman, Nguyễn Đại Phượng dịch, sđd Kỳ 11, tr. 466).
Những phát biểu đại khái như trên khiến Hà Nội thấy cần phải “giúp” Phạm Xuân Ẩn “lập trình lại tư duy”. Nên, họ đã đưa ông vào Học viện chính trị cao cấp ở Hải Dương (gần Hà Nội) trong 10 tháng (từ 8.1978 đến 6.1979) để có dịp “học hỏi” về chủ nghĩa Mác Lênin. Ông cũng vui vẻ, nói thẳng:
- Tôi cần phải đến đó (…) Tôi hiểu nhiều về hệ thống Mỹ hơn là hệ thống này (xã hội chủ nghĩa) do vậy tôi cần phải đọc tất cả các sách kinh điển về lối tư duy kinh tế Nga...
Dầu hết sức chân thành và cố gắng, nhưng sau khóa học ông vẫn tồn đọng nhiều “khó khăn trong quá trình hòa nhập với chế độ mới”. Vì:
“Chế độ mới” vẫn đang còn “những vấn đề” nghi vấn (về tướng tình báo của mình), thể hiện rõ trong mỗi lần có người bạn cũ nào ở Mỹ đến TP. Hồ Chí Minh muốn thăm ông, các quan chức (nội vụ và ngoại vụ) đều viện lẽ ông “không muốn gặp”. Hoặc “không có mặt trong thành phố”. Như trường hợp của Dan Southerland (1982) và Stanley Karnow (1981)… Thực ra, ông rất muốn gặp và chẳng đi đâu xa - mà đang nằm “đọc sách” ở Sài Gòn...
Khoảng thời gian ấy, Phạm Xuân Ẩn không có sự lựa chọn nào khác, ngoài đảm nhận vai trò “ẩm thực” - tự nhận mình là “một ông chồng nội trợ”! Ông cũng “tự trào” ví mình là một “triệu phú”, nhưng là “triệu phú thời gian” (bởi ông rất rảnh). Không phải nhà nước không giao việc, nhưng gồm những lĩnh vực không phù hợp với “tâm” ông. Ví như mời tham gia cơ quan kiểm duyệt, hoặc đào tạo các nhà báo Cộng sản trẻ, ông đều từ chối để “suốt ngày đọc sách, nghe đài BBC và làm những việc lặt vặt cho vợ” - dư thời giờ ra thì… nuôi gà chọi! (Larry Berman - sđd tr.410).
Mãi đến năm 1988, khi ngọn gió đổi mới đã thổi tan đi ít nhiều những đám mây mù trong quan hệ Việt Nam với Mỹ, lần đầu tiên cơ quan an ninh cho phép Phạm Xuân Ẩn gặp Bob Shaplen (bạn cũ) với điều kiện “có một thành viên của Bộ Ngoại giao cùng dự”. Sau cuộc gặp, ông “kiến nghị” để mình với Bob Shaplen “đi ăn tối riêng” tại khách sạn Majestic và được Bộ Ngoại giao đồng ý. Ông nói:
- Đó là lần đầu tiên tôi được phép nói chuyện một mình với một người bạn cũ kể từ khi chiến tranh kết thúc (13 năm sau ngày 30.4 - GH). Tôi không muốn buổi tối hôm đó tan sớm. (sđd tr. 417).
Tin Phạm Xuân Ẩn được “nới lỏng tiếp xúc”, một số bạn cũ của ông liền tìm đến thăm, như Nei Sheehan, Stanley Karnow, Robert Sam Anson… Trong số đó, Safer đã đặt câu hỏi “khá nhạy cảm” về nguyên do nào đã dẫn đến tình trạng trầm kha của cuộc “cách mạng kinh tế” đương thời. Phạm Xuân Ẩn đáp đại ý: không phải những nhà lãnh đạo (của Đảng CSVN) là những người độc ác, nhưng tác động của chủ nghĩa gia trưởng và lý thuyết kinh tế lỗi thời mà họ vẫn đeo bám, đã dẫn đến hậu quả đau lòng…
Nghe vậy, Safer mạnh dạn hỏi:
- Ông có sợ về việc đã nói thẳng thắn như vậy không ? Có nguy hiểm gì cho ông không? - Tôi công khai nói điều đó. Tôi đã già quá đến mức không thể thay đổi được nữa. Tôi đã quá già đến mức không thể im lặng được nữa (Larry Berman, sđd tr. 426).
Cuối cùng, Safer hỏi Phạm Xuân Ẩn có hối tiếc điều gì về “quá khứ” không ?
Phạm Xuân Ẩn khẳng khái:
- Tôi ghét câu hỏi đó. Tôi đã tự hỏi mình câu hỏi đó cả ngàn lần. Nhưng câu trả lời còn làm cho tôi ghét hơn. Không! Tôi không có gì phải hối tiếc. Tôi phải làm điều ấy. Tôi yêu nước Mỹ, nhưng Mỹ chẳng có quyền gì ở đây…
Cuộc trò chuyện trên được Safer công bố trong một tài liệu xuất bản tại Mỹ. Để sau đó, nhà nước Việt Nam bắn tin với Phạm Xuân Ẩn: (sđd, tr. 427).
- “Cám ơn. (Hãy) về nhà, đọc sách và giữ im lặng !
Song ông vẫn “không im lặng”. Vẫn tiếp tục nói tốt về người Mỹ, khi cần:
- Đảng dạy tôi những điều về hệ tư tưởng. Từ người Mỹ, tôi học được những điều quan trọng khác về nghề báo và phương pháp tư duy. Đó là điều tôi muốn con mình cũng học được như vậy. Tôi muốn con trai tôi có bạn là những người Mỹ.
Và thêm:
- Suốt cuộc đời mình tôi chỉ có hai trách nhiệm. Một là nghĩa vụ của tôi đối với Tổ quốc. Hai là trách nhiệm của tôi đối với những người bạn Mỹ.
Sau những phát biểu ấy, điều bất ngờ gì đã xảy đến với ông? (còn nữa)
Giao Hưởng