Ông khước từ mọi quyền lợi mà ông có quyền được hưởng. Không có xe ôtô, không có tài xế. Ông đi lại trong thành phố bằng chiếc Honda mini chắp vá. Thành phố với tên cũ là Sài Gòn nay đầy ứ xe hai bánh có hay không có động cơ chiếm lĩnh các vỉa hè. Nhìn ra xung quanh, ông Ẩn đã nhận thấy nhiều thay đổi đang xuất hiện.

Kỳ 1: Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và những câu chuyện sau ngày chiến thắng

24/05/2017, 11:44

Ông khước từ mọi quyền lợi mà ông có quyền được hưởng. Không có xe ôtô, không có tài xế. Ông đi lại trong thành phố bằng chiếc Honda mini chắp vá. Thành phố với tên cũ là Sài Gòn nay đầy ứ xe hai bánh có hay không có động cơ chiếm lĩnh các vỉa hè. Nhìn ra xung quanh, ông Ẩn đã nhận thấy nhiều thay đổi đang xuất hiện.

Vây phủ quanh chân dung của một nhà tình báo thường là những bí ẩn với nhiều tình tiết thêu dệt ly kỳ, có màu sắc trinh thám. Phạm Xuân Ẩn - điệp viên tài ba hoạt động trong lòng đô thị Sài Gòn dưới vỏ bọc là một ký giả cho tờ Time suốt 20 năm không phải là ngoại lệ.

Tác phẩm Một người Việt trầm lặng (tên gốc tiếng Pháp: Un Vietnamien bien tranquille) của Jean-Claude Pomonti không nhằm giải thiêng hay góp thêm lời ca ngợi, mà để dẫn dắt người đọc đi vào những điểm nhấn quan trọng của bối cảnh và tiểu sử để làm tỏ tường hơn hai phương diện: nhân cách và sự nghiệp phi thường của Phạm Xuân Ẩn.

Xoay quanh bức chân dung và số phận Phạm Xuân Ẩn, cuốn sách cũng nói về những kết thúc bi đát của một số điệp viên, đồng nghiệp của ông thuộc cả hai phía lẫn những “điệp viên hai mang” như Trần Kim Tuyến, Cao Giao, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Hưng Vượng… Những kết thúc không có hậu gần như là mẫu số chung mà những điệp viên phải đón nhận. Tuy nhiên, chi tiết cảm động nhất trong số những câu chuyện trên là dù khác chiến tuyến nhưng khi cuộc chiến sắp kết thúc, Phạm Xuân Ẩn đã mở đường thoát cho Trần Kim Tuyến - mật vụ của chính quyền Sài Gòn. Rồi đến lượt gia đình Phạm Xuân Ẩn cũng ly tán một thời gian dài. Số phận của Phạm Xuân Ẩn những ngày tháng sau năm 1975 cũng không ít uẩn khúc…

Được sự cho phép của nhà phát hành First News Trí Việt, báo điện tử Một Thế Giới xin chuyển tải nội dung cuốn sách Một người Việt trầm lặng của tác giả Jean-Claude Pomonti từ bản dịch Việt ngữ của dịch giả Nguyễn Văn Sự đến với bạn đọc. Tiêu đề của từng kỳ do Một Thế Giới đặt.

Kỳ 1: Nỗi trăn trở

Trong giai đoạn khủng hoảng tiếp sau chiến thắng quân sự năm 1975, Phạm Xuân Ẩn ít có thời gian để thắc mắc. Vợ và bốn con còn đang ở Mỹ mà ông không thể hay không muốn sang đoàn tụ? Mấy năm trước, một trong những người bạn của ông ở miền Nam Việt Nam, tướng Nguyễn Chánh Thi, sống lưu vong ở Hoa Kỳ từ 1966 sau một cuộc đảo chính quân sự không thành, đã viết thư cho ông. Thi cho biết các con ông đang nhiễm thói hư tật xấu tiêm nhiễm từ xã hội Mỹ. Ẩn quyết định để vợ con lựa chọn hoặc ở lại Mỹ hoặc trở về Việt Nam. Năm sau, vợ ông và các con trở về. Trong thời gian đó, Ẩn và bà mẹ đã rời khách sạn Continental để về ở ngôi nhà do chính quyền cấp cho ông. Mẹ ông đã qua đời tại đây và ông cũng ở luôn đó cho đến nay.

Ông Phạm Xuân Ẩn (bìa phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong dịp nhận danh hiệu Anh hùng năm 1976 - Ảnh: Tư liệu

“Vụ việc bác sĩ Trần Kim Tuyến” mà ông Ẩn đã kịp thời đưa lên chuyến trực thăng cuối cùng của CIA xem ra đã được chôn vùi. Về vấn đề này ông khẳng định không bị ai chê trách gì. Ông tỏ ra dứt khoát trong chuyện này. Ông đã không kịp hỏi cấp trên của ông để được phép giúp Tuyến ra đi. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng việc này chẳng quan trọng mấy. Sau giải phóng, cơ quan an ninh đã truy lùng Trần Kim Tuyến. Có người đã nói Phạm Xuân Ẩn đã giúp ông ta đi thoát. Người Việt Nam độ lượng và nhân đạo. Khi chúng tôi bị xâm lược, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhưng chiến tranh kết thúc rồi, chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện trả thù, không ai đề cập vấn đề đó”. Ông Ẩn cảm thấy lương tâm thanh thản. Ông nói ông không thể bỏ mặc một người đã giúp đỡ, che chở ông mặc dù người đó nguyên là trùm mật vụ của chế độ Sài Gòn. Vậy chuyện kể trên đã được chứng thực.

Trong khi chờ đợi gia đình trở về, ông cảm thấy trơ trọi. Ông kể lại: “Cùng với một phóng viên quay phim, tôi đi Hóc Môn, nơi các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn đang bị giam giữ. Sau đó họ được đưa ra Bắc. Phần lớn các bạn của tôi đều đã di tản. Những người khác đang ở trại cải tạo”. Ngược lại, ông gặp lại những người đồng chí trong cơ quan tình báo cộng sản đã cùng làm việc với ông mười lăm năm qua mà phần lớn thời gian trước, ông không thể giao tiếp trực tiếp với họ.

Tôi hỏi: “Trước đây anh có nghĩ rằng những ngày sau chiến thắng lại khó khăn nhường ấy không?”. Ông đáp: “Tôi cũng đã chuẩn bị. Vì tôi biết những gì những người cộng sản đã làm từ 1945 đến 1975. Tôi biết rằng sẽ vất vả lắm nhưng tôi nghĩ có thể sống được. Tuy nhiên, vì quá biết những điều gì đã xảy ra ở miền Bắc khi cải cách ruộng đất trong những năm 1955 - 1956, tôi không mong sẽ tái diễn những sai lầm đó về mặt kinh tế”.

Năm 1978, ông được triệu tập ra Hà Nội để học tập chỉnh huấn tại Học viện Chính trị của quân đội. Ông nói dí dỏm: “Ở đó tôi đã học những thuật ngữ cộng sản bằng tiếng Việt”. Ẩn đã sang tuổi năm mươi và đó là lần đầu tiên ông theo học một lớp chính trị của Đảng. Ông kể chuyện vui vẻ: “Một trong số các bạn của tôi nói tôi phải giữ ý tứ. Vì xấu hổ, tôi không quen với việc giặt giũ quần áo cùng với các đồng chí của mình”. Cách ứng xử đó đã được cho là “tiểu tư sản”. Người “Mỹ con” hay “con trai Mỹ” đã được khuyên rũ bỏ những ảnh hưởng tiêu cực vì phải tiếp xúc với người nước ngoài trong bấy nhiêu năm. Hoàn cảnh xung quanh lúc ấy là như thế. Trước đó, ông chỉ đi Hà Nội có một lần. Thời gian ở lại thủ đô ngắn ngủi để tham dự Đại hội IV của Đảng vào năm 1976 trong đó Đảng lấy lại tên Đảng Cộng sản. Lần này, ông ở lại Hà Nội chín tháng để học chính trị. Khi quân đội Việt Nam vào Campuchia, người ta đề nghị ông quay về miền Nam. Ông thận trọng trả lời: Ông thích ở lại Hà Nội để dự xong lớp chỉnh huấn. “Một cuộc chỉnh huấn nhẹ nhàng”, ông nói.

Bước ngoặt thật sự sau năm 1975 chỉ diễn ra mười năm sau đó. Vì lý do chiến tranh đang diễn ra ở Campuchia và trên biên giới phía Bắc, nền kinh tế đất nước đang ở trên bờ phá sản. Sản xuất tụt, lạm phát 480%. Chỗ dựa duy nhất là Liên bang Xô Viết đang hết hơi. Năm 1985, Gorbachev lên cầm quyền ở Moscow và muốn cải tổ để cứu vãn tình hình. Mùa hè năm 1986, tức là trước Đại hội VI, Đảng Cộng sản cử một đoàn đại biểu cấp cao đến Moscow, do Trường Chinh dẫn đầu vì Tổng bí thư Lê Duẩn vừa qua đời. Điều phái đoàn mong đợi ở Kremlin chỉ là một cú “sốc” không kém việc Trung Quốc tấn công năm 1979.

Phạm Xuân Ẩn tóm tắt tình hình lúc đó: “Chúng tôi đã mồ côi mẹ nay lại mồ côi luôn cả bố”. Gorbachev nói với phái đoàn: Moscow không còn tài chính để chi viện cho cuộc can thiệp quân sự của Việt Nam ở Campuchia. Liên Xô cũng đang giảm viện trợ kinh tế. Việt Nam phải nhanh chóng tự xoay xở một mình. Cách duy nhất để đạt tới là: Hòa giải với Trung Quốc, rút quân khỏi Campuchia, tiến hành cải cách kinh tế đồng thời mở cửa Việt Nam thu hút đầu tư của phương Tây. Đảng Cộng sản Việt Nam bị tréo giò. Sự thức tỉnh là tàn nhẫn. Nhưng Trường Chinh phản ứng một cách điềm tĩnh. Con người đã bị mất chức Tổng bí thư vì bị cho là chịu trách nhiệm về những biểu hiện sai lầm quá đáng trong cải cách ruộng đất những năm 1955 - 1956 và nay được phục hồi Tổng bí thư, dù chỉ ở chức vụ tạm quyền nhưng nó chứng tỏ ông vừa dũng cảm vừa sáng suốt. Trong một bài tự phê bình được phát trên đài vào giữa tháng Chín, Trường Chinh nói: “Đảng Cộng sản phải thay đổi và đổi mới phải là nhiệm vụ cấp thiết để đưa vào nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng được dự kiến tổ chức vào tháng Mười hai”. Ông nói kinh tế thời chiến phải được thay bằng kinh tế thời bình.

Ông Phạm Xuân Ẩn tại nhà riêng ở TP.HCM năm 2005 - Ảnh: AFP

Đổi mới là khẩu hiệu lúc này. Công cuộc chuẩn bị Đại hội bị đảo lộn. Không thể có vấn đề lên án quyền lực tuyệt đối của Đảng, phải tìm ra những biện pháp để Đảng tồn tại được. Việc thực hành chủ trương đổi mới châm ngòi cho cuộc đấu tranh mạnh mẽ giữa các phe phái trong nội bộ Đảng và đã đi đến một sự thỏa hiệp không thể tránh khỏi. Khẩu hiệu Đổi mới ít nhất có lợi là trở lại khái niệm kinh tế thị trường và mở cửa Việt Nam ra thế giới bên ngoài, 12 năm sau chiến thắng của Cộng sản. Đất nước bắt đầu tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Ẩn hãy còn hoài nghi. Năm 1979, ông gặp lại gia đình từ Mỹ trở về tại TP.HCM. Ông sống đạm bạc, ngay cả khi đã được phong thiếu tướng. Ông khước từ mọi quyền lợi mà ông có quyền được hưởng. Không có xe ôtô, không có tài xế. Ông đi lại trong thành phố bằng chiếc Honda mini chắp vá. Thành phố với tên cũ là Sài Gòn nay đầy ứ xe hai bánh có hay không có động cơ chiếm lĩnh các vỉa hè. Nhìn ra xung quanh, ông Ẩn đã nhận thấy nhiều thay đổi đang xuất hiện. Ngay cả quân nhân và cảnh sát cũng lao vào kinh doanh. Ông Ẩn thấy đất nước đang thay da đổi thịt, vừa ra khỏi trạng thái trì trệ bảo thủ nay lại rơi vào cảnh hỗn độn. Sài Gòn phát triển, bất kể tiến như thế nào. Nghiện ma túy ở thanh niên trở thành vấn nạn. Giáo dục công cộng tan rã dần. Nhà của ông còn bị giám sát một thời gian nữa và hiếm có người nước ngoài nào được phép đến gặp ông. Mọi thứ chỉ bớt căng thẳng sau bước ngoặt của những năm 1990.

Tôi đã phải chờ đợi lâu mới được đến thăm ông, không phải tại nhà riêng mà nhà một người bạn chung của hai chúng tôi là ông Ngô Công Đức, cựu thủ lĩnh dũng cảm của phe đối lập trong Nghị viện chống lại Nguyễn Văn Thiệu. Quê gốc ở Trà Vinh, thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long, Đức bị Tổng thống Thiệu căm ghét. Thấy sinh mạng bị đe dọa, ông buộc phải trốn ra nước ngoài sống lưu vong từ năm 1971. Ông Ẩn giải thích: “Nếu không đi ngay, ông ta có thể bị sát hại”. Ngô Công Đức đã trốn được sang Campuchia rồi từ đó sang Thái Lan. Tôi nhớ một hôm vào một buổi sáng trời đẹp, Đức bấm chuông nhà tôi ở Bangkok. Ngay sau đó, ông bị chính quyền Sài Gòn kết án vắng mặt ba năm khổ sai. Tại Sài Gòn, ông là chủ tờ báo Tin Sáng thuộc phe đối lập chống Thiệu. Sau chiến thắng của Cộng sản, ông trở về Sài Gòn.

Năm 1989, trong một chuyến ghé qua Sài Gòn, người hướng dẫn chính thức của tôi tỏ ý ngạc nhiên thấy tôi không nhân cơ hội này đến thăm ông Ẩn và cho biết ông có nhiều nỗi trăn trở trong lòng. Tôi hiểu đó là cách của người hướng dẫn mách bảo cho tôi “đèn xanh đã bật”. Tôi liền gọi điện xin gặp ông nhưng không có hồi âm. Cuối cùng, tôi đã gặp được ông tại nhà Ngô Công Đức liền kề một lò gốm ở Thủ Đức. Mới thoáng nhìn, tôi đang lúng túng không biết xưng hô với ông thế nào cho tiện, “ông - tôi” hay “mày - tao” như thuở nào còn cùng làm báo với nhau ở Sài Gòn. Nhưng vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng. Ông chủ động xưng hô “ông - tôi” trước. Nhìn bề ngoài, ông Ẩn không có gì thay đổi tuy gầy hơn, lưng đã hơi còng. Nhưng cách nói dí dỏm của “tướng Givral” thì vẫn thế. Mặc dù như ông thổ lộ, “có nhiều nỗi trăn trở đang ngổn ngang trong lòng”.

(còn tiếp)

Trích Một người Việt trầm lặng do NXB Tri Thức, First News phát hành

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và những câu chuyện sau ngày chiến thắng