Cuộc đấu quyền lực và tầm ảnh hưởng toàn cầu giữa Mỹ với Trung Quốc nay đã tràn đến tận Bắc cực, sau khi Mỹ-Trung đối đầu ở cuộc chiến thương mại và Biển Đông, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Kỳ 1: ‘Trò chơi vương quyền’ Mỹ-Trung Quốc lan đến tận Bắc cực

18/01/2020, 16:35

Cuộc đấu quyền lực và tầm ảnh hưởng toàn cầu giữa Mỹ với Trung Quốc nay đã tràn đến tận Bắc cực, sau khi Mỹ-Trung đối đầu ở cuộc chiến thương mại và Biển Đông, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Quân lính Mỹ tập trận ở Bắc cực - Ảnh: AP

Theo tờ báo Hồng Kông, việc Mỹ chống Trung Quốc ở Bắc cực cũng sẽ vấp phải những rào cản như ở những nơi mà Trung Quốc đã phô triển tham vọng xây dựng dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và con đường: “tiền tươi” của Bắc Kinh mở được những cánh cửa ở các vùng lâm vào cảnh chật vật kinh tế, và các nước Bắc Âu cũng quan tâm khoản đầu tư và cộng tác khoa học của Trung Quốc vào cuộc nghiên cứu Bắc cực.

Bà Tôn Vân, chủ nhiệm Chương trình Trung Quốc ở Trung tâm Stimson (một trung tâm nghiên cứu của Mỹ) giải thích sự lo ngại của Mỹ: “Ví dụ Trung Quốc đang cố gắng phát triển một hệ thống định vị toàn cầu GPS phủ khắp Bắc cực. Nếu họ phát triển hệ thống này, họ có thể nói để nghiên cứu khoa học, nhưng họ cũng có thể sử dụng nó vào các mục đích quân sự”.

Bà cũng nói Mỹ “có khả năng khổng lồ để cản ngăn các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc cực”, như đề nghị Hội đồng Bắc cực nâng cao cảnh giác Trung Quốc, hoặc chi tiền cho các dự án để các nước trong khu vực không chạy theo nguồn tiền BRI.

Bắc Kinh khẳng định “Trung Quốc là quốc gia cận Bắc cực”

Trong Sách Trắng năm 2018, Bắc Kinh tự phong “là một quốc gia gần Bắc cực”, dù Trung Quốc cách Bắc cực những 1.450 km. Bắc Kinh vào năm 2017 cũng tuyên bố sẽ kết nối vùng đất lạnh này vào BRI do Trung Quốc xây hoặc cấp tiền để xây dựng đường sắt, đường bộ và hải cảng kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi.

Kế hoạch của Bắc Kinh là phát triển các tuyến hàng hải đang được sử dụng nhiều nhờ sự tan băng do tình trạng trái đất nóng dần lên. Sự tan băng quá nhanh của Bắc cực trong vài năm gần đây cho phép mở ra hoạt động thương mại giữa châu Á và châu Âu được nhanh hơn, ngắn hơn và chi phí thấp hơn.

Các tuyến “Cung đường phương Bắc” sẽ cho phép tàu thủy rút ngắn hải trình giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương bằng cách đi qua vùng bắc Nga. Theo một nghiên cứu do chính phủ Anh đặt hàng, thì từ giữa thế kỷ 21, các chuyến tàu hàng giữa hai lục địa này sẽ nhanh hơn từ 10 đến 12 ngày, so với hải trình đi qua Kênh đào Suez. Còn theo Phòng Thông tin Cung đường Phương Bắc, mỗi năm đã có 20 tàu sử dụng tuyến đường này trong vài năm gần đây.

Giáo sư Trương Hân thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông (ở Thượng Hải) nói: “Bắc cực là biên giới cuối cùng cho tầm nhìn mở rộng thế giới của Trung Quốc. Sự chú ý lớn không chỉ vào các tuyến hàng hải và nguồn tài nguyên phong phú cùng giá trị thương mại ngày càng tăng...mà còn vì ý tưởng chúng tôi cần có mặt ở đó để là một phần của tầm nhìn chiến lược đó”.

Vị giáo sư còn so sánh cảm giác tự hào về biên giới Bắc cực ở Trung Quốc với việc người Mỹ tự hào cuộc chinh phục Mặt Trăng những năm 1960, và với thời châu Âu đi khám phá các vùng đất lạ trong các thế kỷ 15, 16.

Mỹ cảnh giác “Con đường Tơ lụa Bắc cực” trở thành “Biển Đông mới”

Mỹ xem “Con đường Tơ lụa Bắc cực” của Nga-Trung là một nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực này. Theo SCMP, Mỹ cực kỳ cảnh giác với Sách Trắng của Trung Quốc, không phải vì nội dung, mà chính vì phần còn thiếu trong Sách Trắng: tham vọng quân sự của Bắc Kinh.

6 tháng sau, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, Mỹ mở mặt trận công nghệ và kinh tế để “đánh” Trung Quốc, gióng các hồi chuông cảnh báo các nước kém thu nhập về nguy cơ “sập bẫy nợ” nếu vay vốn BRI của Trung Quốc, mà đi kèm với nguy cơ này là nạn tham nhũng, đón nhận những vụ đầu tư chất lượng thấp, quân sự hóa và khai thác tràn lan nguồn tài nguyên tự nhiên.

Với các đòn tấn công này, những lo ngại về Bắc cực nhạt đi, mãi đến ngày 6. 5.2019 thì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự Hội đồng Bắc cực ở Phần Lan, tung ra bài diễn văn gay gắt tấn công Trung Quốc. Ông nói những hành vi “hung hăng” của Trung Quốc ở Bắc cực có nguy cơ Bắc Kinh biến vùng giàu tài nguyên này trở thành “Biển Đông mới”.

Vị Ngoại trưởng còn nói “Bắc cực đã trở thành vũ đài cạnh tranh quyền lực toàn cầu nhằm sở hữu nguồn dầu thô, khoáng sản dự trữ và nguồn cá. Bắc cực là một vùng hoang dã nhưng không có nghĩa nơi này phải trở thành một vùng phi pháp luật”. Ông lưu ý điểm cực bắc của Trung Quốc ở cách Bắc cực 1.450 km, và tuyên bố chỉ có các nước vùng Bắc cực và các nước không thuộc Bắc cực, không có hạng mục thứ ba kiểu “gần Bắc cực” như Bắc Kinh đã tự phong.

Theo ông Pompeo, Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng nhạy cảm ở Bắc cực, sử dụng tiền, công nhân và công ty của Trung Quốc, nhằm lập một sự hiện diện an ninh thường trực của Trung Quốc ở Bắc cực. Ông cho biết Trung Quốc đã chi gần 90 tỉ USD kể từ năm 2012 đến 2017, và nhắm mục tiêu hưởng trọn lợi ích từ những ưu thế của “Cung đường Phương Bắc”. Ông nói Mỹ rất nghi ý tưởng Trung Quốc xây cung đường này để kết nối với các cung đường mà Trung Quốc đã xây ở châu Phi, châu Á.

Còn tiếp...

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: ‘Trò chơi vương quyền’ Mỹ-Trung Quốc lan đến tận Bắc cực