Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, lịch sử là do đàn ông viết. Hễ có một phụ nữ nào “nảy nòi” làm nên đại sự thì bị các ông tìm mọi cách bêu riếu cho lên bờ xuống ruộng ngay, trừ một số trường hợp đặc biệt như Hai Bà Trưng hay Bà Triệu ở Việt Nam.

Kỳ 8: Khi đàn ông viết sử

13/08/2016, 11:21

Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, lịch sử là do đàn ông viết. Hễ có một phụ nữ nào “nảy nòi” làm nên đại sự thì bị các ông tìm mọi cách bêu riếu cho lên bờ xuống ruộng ngay, trừ một số trường hợp đặc biệt như Hai Bà Trưng hay Bà Triệu ở Việt Nam.

Hai bà Trưng trên tranh dân gian

>> Kỳ 1: Vua không xem quốc sử

>> Kỳ 2 : Sự hèn nhát vĩ đại

>> Kỳ 3: Tự do yêu đương thời Trần

>> Kỳ 4: Vua Minh Mệnh và tự do ngôn luận​

>>Kỳ 5: Chúa Sãi và tự do thương mại

>>Kỳ 6: Kỳ tích mở cõi – dân đi trước, chính quyền theo sau

>>Kỳ 7: Câu chuyện Trấn Tây Thành và tầm nhìn của ba vị minh quân​

Đối với trường hợp của Hai Bà Trưng, được ghi trong chính sử từ thời nhà Trần. Cần biết thời nhà Trần Nho giáo chưa thống trị nên người phụ nữ chưa bị giới trí thức vùi dập, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được sử Tàu ghi rõ, tất nhiên với lời lẽ rất láo xược. Lê Văn Hưu khi chép vào Đại Việt sử ký đã bình luận: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”. Các bậc đế vương sau này cũng thường dùng Hai Bà Trưng để miệt thị đám đàn ông hèn nhát. Cuộc khởi nghĩa thất bại, hai bà trở thành tấm gương dũng liệt, các sử gia Nho giáo sau này chẳng có cớ gì để kiếm chuyện đối với hai bà. Nếu như hai bà không hy sinh, mà thiết lập một triều đại để trị quốc, thì có lẽ các sử gia Nho giáo đã không để cho hai bà mồ yên mả đẹp.
Thái hậu Dương Văn Nga đã vì nước mà hai tay khoác hoàng bào lên người Lê Hoàn, nghĩa cử đó đã kịp thời cứu nước Việt ta thoát khỏi họa ngoại xâm đang ngàn cân treo sợi tóc, đám đàn ông sử gia nhắm mắt trước đại cuộc nhưng to mồm mắng chửi.
Bà Trần Thị Dung công trùm Đại Việt, không chỉ giúp khai sinh ra triều Trần mà còn có công lớn trong tổ chức kháng chiến chống Nguyên-Mông, các sử gia không chỉ phớt lờ công lao mà còn lớn tiếng miệt thị là “đầu têu dâm loạn”.
Công chúa An Tư, người đem thân hiến cho giặc để ngăn bước tiến của chúng nhằm giúp quân ta có thời gian tổ chức phản công, chỉ được ghi một cái tên trơ trọi, chẳng để lại một vết tích gì trong sử sách.
Công chúa Huyền Trân đem tuổi thanh xuân của mình làm vợ vua Chàm để đem về cho đất nước một vùng lãnh thổ dài 200 km, các sử gia chẳng những không ghi công mà còn bươi móc chuyện tình ái ra để nhục mạ.
Công chúa Ngọc Vạn đi làm vợ xứ người để đem Sài Gòn và góp phần đem cả Nam Bộ về cho Tổ Quốc, các sử gia không hề nhắc tới, phải đọc sử nước ngoài mới biết rõ đầu đuôi câu chuyện.
Còn bao nhiêu là nữ nhân hào kiệt tham gia dựng nước và giữ nước chúng ta không bao giờ biết tới, chỉ vì các nhà viết sử là đàn ông.
Ở Trung Hoa, câu chuyện về Hoàng đế Võ Tắc Thiên là điển hình của tình trạng “dìm hàng” của đám đàn ông viết sử. Hơn 1.000 năm nay ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam ta, từ “Võ hậu” dùng để chỉ những người đàn bà dâm loạn. “Đồ Võ hậu” là một lời chửi sỉ nhục. Cho đến giờ người ta cũng vẫn tò mò về chuyện chăn gối kỳ dị của Võ Tắc Thiên, dù phim ảnh Trung Quốc gần đây đã dựng lại chân dung bà theo một sự thật khác hẳn. Bà là một hoàng đế anh minh, thực hiện nhiều cải cách sâu rộng có tác động tích cực lâu dài trong lịch sử Trung Quốc. Dưới sự trị vì của bà, dân chúng Trung Hoa an cư lạc nghiệp, văn hóa được chấn hưng, nhân tài được trọng dụng. Chính bà đã cho dịch và phổ biến nhiều kinh sách Phật giáo. Bà cũng là người thỉnh mời Lục tổ Huệ Năng về triều đình làm quốc sư, Lục tổ tuy không nhận lời nhưng vẫn trọng thị tấm lòng của bà như đã ghi trong Pháp bảo đàn kinh. Dù các sử gia cổ tình đồ đậm sự tàn bạo và “dâm loạn” của bà, nhưng nếu lần theo các bộ chính sử của Trung Quốc như như Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Thông giám cương mục… vẫn có thể nhặt ra được các sự kiện để dựng lại chân dung thực của vị nữ hoàng này. Vấn đề là sự đồ đậm những cái xấu nói trên cộng với các loại sách vở thêu dệt bịa đặt nhằm “câu khách” được phổ cập rộng hơn, khiến cho bà trở thành một vị nữ hoàng dị dạng trong tâm trí người đời sau.
Vào năm 1930, ông Phan Khôi của ta đã viết bài: “Xóa một cái án trong lịch sử: thân oan cho Võ hậu” đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn với lời dẫn của báo này: “Võ hậu là một vị hoàng đế anh minh, một nhà chánh trị đại tài, một tay vận động nữ quyền kịch liệt, chẳng có đắc tội gì với lịch sử hết”. Tờ báo coi ý kiến của Phan Khôi “cũng là ý kiến của bổn báo”. Thật thú vị khi gần một thế kỷ trước ở Việt Nam đã xuất hiện một ông trí thức hết lòng bênh vực phụ nữ.
Sau khi nêu bật sự anh minh tài trí của Võ Tắc Thiên, cụ Phan Khôi viết: “Nói thiệt tình, nếu bà là đàn ông, thì chắc người ta đã tôn cho là ông vua thánh”. Điều mà các sử gia nói là bà tàn bạo, cụ Phan Khôi nói cuộc cách mạng nào mà chẳng có chém giết, đó là lẽ thường, là “cái công lệ của lịch sử xưa nay”, huống chi cuộc cách mạng của Võ Hậu là đàn bà tranh nhau với đàn ông, liệu từ bi hỷ xả thì thành công được sao ? Bà chẳng tàn bạo gì hơn những ông vua khác, hơn nữa, cụ Phan Khôi bảo bà còn có “độ lượng rộng rãi” nên thu phục được những bậc kỳ tài cương trực như Địch Nhân Kiệt. Ngay cả đối với Lạc Tân Vương, người từng làm một bài hịch kể tội bà không sót một thứ gì, bài hịch nổi tiếng cho đến tận ngày nay, khi dẹp xong quân phản loạn, bà hỏi ai đã làm bài hịch đó, trả lời là Lạc Tân Vương, bà không bắt tội mà chỉ than: “Con người có tài như thế nầy, mà khiến cho lưu lạc không gặp thời, ấy thật là cái lỗi của tể tướng”.
Về sự dâm loạn của Võ Tắc Thiên, cụ Phan Khôi viết “Nói đến sự dâm uế thì là chuyện kín trong buồng người ta, nhà bàn sử - mà cho ai cũng vậy - chẳng đáng đặt miệng vào. Tôi đã đọc qua sách Tử bất ngữ của Viên Mai, trong có một bài kêu là “Khống hạc giám bí ký” toàn nói chuyện dâm ô của Võ hậu. Những chuyện như vậy ai biết mà chép lại? Thật là đáng ngờ. Song nếu thiệt chăng nữa, thì cũng chỉ là chuyện riêng của đàn bà, người quân tử nếu biết tự trọng thì đừng nói tới”.
Đọc bài của cụ Phan Khôi, đến bây giờ vẫn thấy sướng! (còn tiếp)

HOÀNG HẢI VÂN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 8: Khi đàn ông viết sử