Những ngày cuối cùng của năm 2015 chứng kiến khá nhiều điểm sáng bất ngờ với nền kinh tế Việt Nam, khi tăng trưởng GDP của cả nước đạt 6,68% - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cho thấy nền kinh tế vẫn đang đi đúng hướng và phục hồi tốt.

Kinh tế Việt Nam cuối 2015: Đâu là điểm sáng?

Một Thế Giới | 30/12/2015, 09:00

Những ngày cuối cùng của năm 2015 chứng kiến khá nhiều điểm sáng bất ngờ với nền kinh tế Việt Nam, khi tăng trưởng GDP của cả nước đạt 6,68% - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cho thấy nền kinh tế vẫn đang đi đúng hướng và phục hồi tốt.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ là ngay ở thời điểm cuối năm, các kế hoạch điều chỉnh nền kinh tế một cách quy mô vẫn tiếp tục được thực hiện, mà điển hình ở thời điểm hiện tại là phương án thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách do Bộ Tài chính thực hiện. Nếu như phương án này được thực hiện, nó hứa hẹn sẽ chấm dứt tình trạng phân bổ nguồn ngân sách thiên lệch và không hiệu quả, vốn là một nhược điểm cố hữu lớn trong suốt nhiều năm qua ở nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, một đề án thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách một cách quy mô và toàn diện đang được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, trong đó hướng tới việc phân bổ ngân sách nhà nước một cách hữu hiệu hơn và kiểm soát có hiệu quả quy trình quan trọng này. Hai trong số những thay đổi chủ đạo là việc Chính phủ sẽ chuyển những khoản vay nước ngoài cho các địa phương theo hình thức cho vay thay vì cấp phát một cách tùy tiện và tràn lan như trước, và thứ hai là xem xét không cấp bảo lãnh Chính phủ cho những tập đoàn có khó khăn tài chính. Đây là hai trong số những nguồn chi ngân sách lớn nhất trong những năm qua, nhưng hiệu quả thì tương đối nhỏ, gây ra tình trạng thất thoát và lãng phí ngân sách ở quy mô khá lớn.
Trong đó, đề xuất Chính phủ chấm dứt cơ chế cấp phát ngân sách cho các địa phương như trước và chuyển sang cơ chế cho vay được xem là sẽ cải thiện mạnh mẽ quá trình đầu tư công và tăng hiệu suất sử dụng nguồn vốn ở các địa phương. Trên thực tế, cơ chế cấp phát ngân sách vốn vẫn tồn tại bấy lâu nay được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra nạn lãng phí và thất thoát trong đầu tư công.
Theo quy định, sau khi Chính phủ đi vay ODA và từ các nguồn cho vay ưu đãi khác, sẽ dành hơn một phần ba (khoảng 35%) cho chính quyền các địa phương vay lại để đảm bảo các mục tiêu đầu tư. Về lý thuyết các dự án mà địa phương trình lên Trung ương để xin nguồn vốn sẽ được Chính phủ giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Nhưng trên thực tế, với số lượng các dự án cấp phát quá lớn và dàn trải ở nhiều địa phương thì sự giám sát của Trung ương sẽ gặp nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến việc các địa phương cho rằng đây là nguồn vốn cho không và tranh thủ đăng ký càng nhiều dự án càng tốt và rất ít quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Điều này cộng với việc trong số 92% nguồn vốn mà Trung ương cho các địa phương vay, thì đa phần là cấp phát, chỉ có khoảng 7% trong số đó thực sự là tiền cho vay, đã dẫn đến việc các địa phương đầu tư tràn lan, không tính toán đến hiệu quả, gây ra lãng phí và thất thoát lớn. Điển hình trong thời gian vừa qua là việc hàng loạt các địa phương xin ngân sách để xây dựng các trung tâm hành chính trị giá hàng ngàn tỉ đồng một cách tràn lan.
Hệ quả thứ hai của cơ chế cấp phát khá tùy tiện này, là việc các địa phương sử dụng nguồn vốn lẽ ra được dành cho phát triển để bù đắp những khoản thâm hụt ngân sách do lỗi điều hành. Theo thống kê, trong giai đoạn 2000-2014, trong tổng số 45 tỉ USD mà Chính phủ đi vay từ các nguồn thì có tới 15,5 tỉ USD được giao lại cho các địa phương theo cơ chế cấp phát. Trong số này, các địa phương sử dụng 38% vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, còn lại là cho các mục tiêu khác, mà một phần không nhỏ trong số đó là để cân bằng thu chi do những khoản thâm hụt do chi vượt quá thu.
Theo quy định, chỉ các địa phương có nguồn thu ngân sách lớn hơn mức chi thường xuyên được phép vay không quá thu ngân sách 30%, còn các địa phương có thu ngân sách thấp hơn chi thường xuyên thì chỉ được phép vay không quá thu ngân sách 20%. Quy định này có tác dụng buộc các địa phương phải cân đối được thu chi của mình, không để chi vượt quá thu.
Nhưng khi mà địa phương có thể sử dụng một phần nguồn vốn được cấp phát để bù lại những khoản thâm hụt ngân sách, thì nó đang dung túng cho tình trạng thâm hụt không nhỏ ở các địa phương. Điều này dẫn tới việc các địa phương có thể rơi vào tình trạng không trả được các khoản nợ hay hết tiền hoạt động trước khi hết năm tài khóa, mà sự việc Bạc Liêu, Cà Mau phải xin ngân sách trung ương để trả lương cho giáo viên thời gian vừa qua là một điển hình.
Vì thế, cơ chế Trung ương chuyển các khoản vay nước ngoài cho các địa phương toàn bộ theo hình thức cho vay mà Bộ Tài chính đang đề xuất được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để tình trạng trên. Khi nguồn vốn vay đã không còn “chùa” như trước, và bị ràng buộc chặt chẽ bởi việc trả nợ, các địa phương sẽ buộc phải cân nhắc kỹ càng về hiệu quả đầu tư trước khi sử dụng. Nó cũng góp phần tăng sự giám sát từ Trung ương, khi mà trách nhiệm trả nợ nước ngoài vẫn là của Chính phủ.
Điểm nhấn thứ hai của đề án là việc Nhà nước sẽ xem xét không cấp bảo lãnh Chính phủ cho những tập đoàn đang có khó khăn về tài chính. Ở thời điểm hiện tại, nợ của các tập đoàn được Chính phủ bảo lãnh đã lên tới 19% trong tổng số nợ công, đến thời điểm cuối năm 2014 đã lên tới 1,57 triệu tỉ đồng. Một bộ phận không nhỏ trong số đó vẫn dựa vào các khoản vay ưu đãi từ phía Chính phủ để bù đắp cho những khoản thâm hụt lớn do hoạt động kém hiệu quả gây nên.
Việc Nhà nước xem xét không cấp bảo lãnh Chính phủ cho những tập đoàn đang gặp khó khăn về tài chính sẽ buộc các tập đoàn này đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa. Chính phủ cũng sẽ không phải oằn lưng ra gánh những khoản nợ của các tập đoàn này và có thể dành ngân sách cho các vấn đề quan trọng.
Ở thời điểm hiện tại, mới có đề xuất không cấp bảo lãnh Chính phủ cho các tập đoàn gặp khó khăn về tài chính là đã được Thủ tướng thông qua. Và khả năng đề án thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách xuống các địa phương cũng sẽ được chấp thuận trong thời gian tới. Nếu cả hai đều được thông qua, đây có thể được xem là một tín hiệu vui có tầm quan trọng lớn trong những ngày cuối năm 2015, khi Chính phủ đã bắt đầu có những bước đi thực sự hiệu quả trong chương trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Và khi mà một trong những vấn đề lớn nhất của kinh tế Việt Nam những năm qua là phân bổ ngân sách thiên lệch, thiếu hiệu quả và lãng phí được giải quyết triệt để thông qua hai đề án lần này, thì "sức khỏe" của nền kinh tế đất nước sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, The Saigon Times, Vietstock)
Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Việt Nam cuối 2015: Đâu là điểm sáng?