Dòng kiều hối chuyển về Việt Nam không ngừng tăng, trong đó kiều hối từ Mỹ là nguồn lớn nhất (55%), tiếp đó là Australia, Canada, Pháp...

Kiều hối về Việt Nam không ngừng tăng, nhưng năm nay sẽ giảm?

Lam Thanh | 15/12/2020, 20:45

Dòng kiều hối chuyển về Việt Nam không ngừng tăng, trong đó kiều hối từ Mỹ là nguồn lớn nhất (55%), tiếp đó là Australia, Canada, Pháp...

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), trong thời gian qua, dòng kiều hối vào Việt Nam có xu hướng tăng ổn định và ít chịu tác động bởi bất ổn vĩ mô hay tỷ suất sinh lời. Thậm chí, ngay cả khi dòng vốn được coi là ổn định như FDI, ODA giảm, dòng kiều hối vẫn tăng.

kieu-hoi.jpg
Kiều hối chuyển về Việt Nam không ngừng gia tăng

Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, kiều hối đóng vai trò là nguồn ngoại tệ quan trọng, góp phần làm tăng tích lũy vốn trong nước, ổn định mức lãi suất cho vay và giảm thiểu bất ổn kinh tế do thiếu hụt vốn đầu tư trong nước và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cũng như các ngân hàng thương mại trong nước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích thu hút Việt kiều ở nước ngoài chuyển, gửi tiền về nước đầu tư, làm ăn.

Theo thống kê, dòng kiều hối chuyển về Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP. Về tỷ lệ kiều hối chuyển về so với GDP chiếm 3-8% GDP hàng năm trong các năm 2000-2019, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1-2% GDP).

Về quy mô kiều hối cũng liên tục gia tăng qua các năm. Năm 2000, lượng kiều hối gửi về là 1,32 tỉ USD, đến năm 2005, con số này đã tăng lên là 3,1 tỉ USD (tăng 2,35 lần so với năm 2000). Đến năm 2008, mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam không những không suy giảm mà còn tăng vọt lên ở mức 6,8 tỉ USD.

Năm 2010, với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Việt Nam tiếp tục nhận được dòng kiều hối với giá trị 8,2 tỉ USD, tăng 2,24 tỉ so với năm 2009. Cũng trong năm này, Việt Nam được WB xếp vào vị trí 16/20 nước tiếp nhận nguồn kiều hối lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, sau Philippines.

Cho đến những năm gần đây, do tình hình kinh tế vĩ mô trong nước thời gian qua ổn định, nhiều kiều bào gửi tiền về để đầu tư, kinh doanh tăng. Hơn nữa, áp lực tiền tệ do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến tỷ giá lên cao, kiều bào cũng tranh thủ chuyển tiền về đổi qua VND tích trữ.

Theo đó, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2018 đạt 16 tỉ USD (tương dương với lượng FDI và gấp 9,7 lần khối lượng ODA cùng năm) và tiếp tục tăng lên vào năm 2019 đạt 17 tỉ USD, trở thành một trong số 10 quốc gia hàng đầu, đứng thứ hai trong ASEAN, sau Philippines về lưu lượng chuyển tiền trong nước trên thế giới.

Nguyên nhân khiến lượng kiều hồi đổ về Việt Nam tăng mạnh qua các năm là do lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông và định cư tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới (khoảng 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài) và lượng người đi lao động xuất khẩu chiếm tỷ lệ khá cao.

Những nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu, với Việt kiều (chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp) chiếm phần lớn (80-90%) lượng kiều hối gửi về nước.

Trong đó, kiều hối từ Mỹ là nguồn lớn nhất (chiếm 55% tổng lượng kiều hối vào Việt Nam), tiếp đó là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Xuất khẩu lao động chiếm khoảng 6-7% tổng lượng kiều hối, nhưng đang gia tăng theo đà gia tăng nhanh của xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Nhà nước có chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư; cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng. Người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.

Mặt khác, dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp với phí dịch vụ khá thấp, bằng 0,05% khoản tiền gửi và tối đa không quá 200 USD. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ ở Việt Nam cũng là yếu tố thu hút ngoại tệ gửi về.

Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Di cư và Kiều hối với dự báo lượng kiều hối năm 2020 Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP.

Mức dự báo giảm kiều hối của Việt Nam nằm trong xu hướng chung của thế giới, báo cáo của WB nhận định lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm 14% so với năm 2019 do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế. Riêng các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự báo sẽ giảm 7% xuống còn 508 tỉ USD trong năm 2020 và giảm thêm 7,5% còn 470 tỉ USD vào năm 2021.

Kiều hối tăng mạnh giúp gia tăng nguồn cung ngoại tệ, góp phần ổn định tỷ giá thời gian qua. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 nên có thể nguồn kiều hối năm nay sẽ sụt giảm mạnh.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết năm nay kiều hối sẽ ít hơn năm ngoái bởi dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, gặp khó dẫn đến thu nhập của doanh nghiệp, người dân nói chung đều thấp.

“Do đó, thu nhập của người Việt Nam ở nước ngoài cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, ít đi, nên dù tình cảm thì vẫn như xưa, nhưng khả năng tài chính của họ cũng khó khăn hơn, gửi về cũng ít đi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng thì thu nhập của người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng theo”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam là một trong ít các quốc gia trên thế giới kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khá thành công nên sẽ tạo cơ hội đầu tư vào Việt Nam và thu hút kiều bào chuyển tiền về nước đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh. Sang năm 2021, tình hình dịch bệnh được kiểm soát cộng với các chính sách thu hút kiều hối thì lượng kiều hối sẽ tiếp tục tăng trở lại.

Tại Báo cáo triển vọng phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định, suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19 sẽ đe dọa an ninh và phúc lợi nghề nghiệp của hơn 91 triệu người di cư quốc tế từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Do đó, dòng kiều hối chuyển vào châu Á trong năm 2020 có thể giảm 54,3 tỉ USD, tương đương khoảng 20% mức hiện nay. Báo cáo của ADB cũng chỉ ra Việt Nam, Indonesia và Philippines là ba quốc gia Đông Nam Á có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020.

Tuy nhiên, WB ước tính, năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6%, lên 470 tỉ USD. Nhưng triển vọng này chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của COVID-19 đối với tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bài liên quan
Dòng kiều hối về Việt Nam dễ suy giảm trước việc Fed liên tục tăng lãi suất
Các chuyên gia tài chính đều có chung nhận định rằng lượng kiều hối về Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, khiến nhu cầu chuyển và cất giữ tiền ở Việt Nam giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiều hối về Việt Nam không ngừng tăng, nhưng năm nay sẽ giảm?