Với tư cách một nhà giáo có 37 năm giảng dạy đại học, TS Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) vừa có 8 đề nghị gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Kiến nghị gửi bộ trưởng: Để đại học không là phổ thông cấp 4

Theo Tuổi trẻ | 14/05/2016, 06:33

Với tư cách một nhà giáo có 37 năm giảng dạy đại học, TS Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) vừa có 8 đề nghị gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

1. Cấu trúc chương trình đào tạo đại học có quá nhiều điều chưa ổn. Đã khi nào bộ trưởng tự hỏi rằng tại sao năm thứ nhất sinh viên thường chán học, bỏ học, bởi vì năm thứ nhất sinh viên học những học phần quá nhàm chán, dài dòng lê thê và thiếu tính khoa học.

Những môn học này (xin không nói ra) có thể để sinh viên tự tìm hiểu như các nước khác hoặc phân tán ra trong bốn năm học hơn là nhồi nhét vào trong vài tháng.

Ở các nước phát triển khác, môn giáo dục thể chất là môn tự học, tự chơi qua các câu lạc bộ, còn quân sự thì không nước nào đưa vào chương trình đào tạo đại học mà dành cho sau khi tốt nghiệp, thuộc chương trình huấn luyện quốc gia.

Như hiện nay thì thực chất đại học của Việt Nam là đại học ba năm. Còn nếu đại học bốn năm thì năm thứ 4 không dành cho đào tạo cơ bản mà đào tạo chuyên sâu theo các lĩnh vực hẹp mà sinh viên yêu thích dưới sự hướng dẫn của các giáo sư, để họ vừa có “rộng” vừa có “sâu” và dễ tìm việc làm sau khi ra trường.

2. Các trường đại học công lập phải thành lập “hội đồng trường” theo điều 14 của Luật giáo dục đại học (trước nay chỉ có ở trường dân lập). Hội đồng trường được hiểu như hội đồng nhân dân, là đại biểu cho trí thức của trường được cơ cấu theo tỉ lệ.

Từ trước đến nay, việc định hướng chiến lược và quyết định các vấn đề quan trọng nhất đều do ông hiệu trưởng kiêm bí thư Đảng ủy quyết định. Sẽ là bất hạnh nếu ông hiệu trưởng vừa bất tài, đức mỏng mà lại độc đoán.

Hội đồng trường vì thế phải được coi là đối trọng với Đảng ủy và ban giám hiệu (xin hiểu không phải đối lập).

3. Bộ không nên ôm đồm, phải phân quyền mạnh mẽ và sâu rộng, theo lộ trình có tính toán để trả lại (trước hết là cho các trường có vị thế cao, có uy tín) quyền tự quyết của mình trong chương trình đào tạo, tuyển sinh, tài chính, nhân sự, hình thức bằng cấp, để họ phải chịu trách nhiệm trước xã hội và cha mẹ sinh viên.

Khi đó, chắc chắn mỗi trường sẽ tự biết định hướng lại các ngành đào tạo, loại bỏ được rất nhiều các môn học vô bổ (có thể 15 - 20%).

4. Bộ trưởng và các trường trong hệ thống cần xây dựng lại niềm tin tưởng lẫn nhau. Đừng lúc nào cũng lo rằng họ “phá rào làm bậy”. Ví dụ, việc phong giáo sư nên vui vẻ trả về cho các trường có uy tín, bằng cách đó mới loại bỏ hẳn được các loại giáo sư quan chức và hi vọng giảm được các loại giáo sư mà so với quốc tế là “hàng hiếm” như giáo sư quân sự, giáo sư an ninh...

5. Đại học phải có thêm chức năng kinh tế, mỗi trường phải có bộ máy kinh doanh dịch vụ kiếm tiền cho nhà trường, các trường có mặt bằng rộng, vị trí đẹp được quyền kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cho thuê mướn mặt bằng.

Tất nhiên các đơn vị kinh doanh này phải tách ra khỏi giáo dục, đăng ký và hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Các trường có thế mạnh về công nghệ - kỹ thuật được phép thành lập công ty chuyển giao công nghệ, bán sản phẩm.

Nếu không biết làm ra tiền thì chỉ có tận thu của sinh viên, biến sinh viên thành đối tượng khai thác

6. Trường đại học Việt Nam hiện nay nói cho cùng chỉ là phổ thông cấp 4, muốn thay đổi về chất thì bộ trưởng cần xem lại cơ cấu của một trường đại học theo các hướng:

- Xác định bộ môn chuyên ngành là cấp quan trọng nhất để đầu tư phát triển (cho các trường nói chung).

- Các trường muốn trở thành trường đại học nghiên cứu thì bên cạnh hệ thống quản lý hành chính phải có một hệ thống quản lý nghiên cứu và phát triển khoa học tách rời độc lập.

Bộ máy cấp trường, khoa, phòng ban chỉ làm công việc quản lý nhân sự, sinh viên, tài chính cơ sở vật chất còn hội đồng khoa học hai cấp trường, khoa kết hợp bộ môn và các đơn vị nghiên cứu sẽ đảm nhiệm chất lượng khoa học của trường.

Nhiều trường đại học lớn, người ký tên vào bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là chủ tịch hội đồng khoa học chứ không phải là hiệu trưởng hay giám đốc.

Các viện nghiên cứu phải được nhập lại, trả về cho các trường đại học. Việc hầu hết các viện nghiên cứu nằm ngoài trường đại học như ở Việt Nam hiện nay là một lãng phí và phi lý, bởi kết quả nghiên cứu khoa học nếu không ứng dụng được (hơn 90% cất ngăn kéo) thì ít nhất cũng được trao cho sinh viên.

Cùng với đó là việc xốc lại chất lượng đào tạo sau đại học, không thể tiếp diễn tình trạng sản xuất thạc sĩ, tiến sĩ vô tội vạ, cốt chỉ để in danh thiếp nhưng hễ thấy người nước ngoài là ...trốn.

7. Không nên cược toàn bộ kỳ vọng một cách quá mức vào các trường đại học có yếu tố ngoại đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt nên giáo dục Việt Nam. Thực tế chứng minh không đúng, có trường được chính phủ đầu tư cực đỉnh, lương giáo viên tập sự cao gấp 5 - 7 lần giáo sư lâu năm của trường công nhưng sinh viên được vài trăm và không làm nên thành tựu gì.

Nên tư duy lại, quay về đầu tư mạnh mẽ, có trọng điểm vào các trường có sẵn cơ sở vật chất, đội ngũ mạnh của đại học quốc gia và đại học vùng làm cơ sở thúc đẩy toàn bộ hệ thống giáo dục.

8. Nhanh chóng kiểm định chất lượng các trường đại học, tiến hành phân cấp mạnh mẽ các loại trường khác nhau và có chế độ đối xử khác nhau. Tiến hành thanh lọc, sát nhập các trường đại học giống như ngân hàng.

Cần kiên quyết loại bỏ không thương tiếc những trường chất lượng quá tệ, sản sinh trong giai đoạn “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”.

Các trường trọng điểm quốc gia phải có trách nhiệm đào tạo nhân tài cho cả nước với số lượng ít nhưng tinh, không thể việc các trường lớn cũng tranh đào tạo lao động phổ thông như trường dân lập hàng tỉnh.

Cần thiết phải xây dựng một vài trường có trách nhiệm đào tạo các nhà quản lý chuyên nghiệp cho quốc gia như Trường hành chính công Lý Quang Diệu.

Một quốc gia mạnh phải dựa vào đội ngũ chuyên viên, chuyên gia trong bộ máy công quyền giỏi chuyên môn, trong sạch, trách nhiệm cao. Những trường đào tạo cán bộ chính trị là đào tạo nhân tài phục vụ cho một tổ chức chính trị chứ không phải đào tạo ra những công chức chuyên nghiệp phục vụ nhân dân.

Cuối cùng, chúng ta nên thôi kiêu hãnh quá với một nền giáo dục có hơn 1.000 năm tuổi, bởi sống lâu không nói lên được điều gì cả, những nền giáo dục “non trẻ” như Singapore, Đài Loan mà các trường có thứ hạng cao nhất châu Á và cả thế giới đều có mặt họ.

Giáo dục Việt Nam đang trong trạng thái rơi thẳng đứng. Hi vọng ngài bộ trưởng sẽ chặn lại và kéo lên.

TS Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) - Tuổi Trẻ

Ảnh: ​TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị gửi bộ trưởng: Để đại học không là phổ thông cấp 4