Đại dịch COVID-19 khiến mặt bằng lãi suất huy động giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhàn rỗi gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Kiểm soát dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản

Hồ Đông | 14/09/2021, 22:00

Đại dịch COVID-19 khiến mặt bằng lãi suất huy động giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhàn rỗi gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Tiền liên tục đổ vào chứng khoán, bất động sản

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thế nhưng dòng tiền vẫn liên tục đổ về thị trường chứng khoán. Các chỉ số chứng khoán liên tục giữ vững chuỗi tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm 2021 đến nay.

Đặc biệt, ngay trong thời điểm giãn cách xã hội, thị trường chứng khoán lại liên tục có những phiên giao dịch thu hút lượng tiền kỷ lục đổ vào, chỉ số VN-Index cũng đã liên tục lập đỉnh mới. Đơn cử, trong phiên giao dịch ngày 20.8, thị trường chứng khoán chứng kiến một phiên bùng nổ kỷ lục giao dịch với giá trị giao dịch vượt ngưỡng 45.000 tỉ đồng, tương đương gần 2 tỉ USD trên hai sàn.

Không những vậy, thời gian qua, số lượng nhà đầu tư F0 gia nhập vào thị trường liên tục tăng. Nguyên nhân là dịch bệnh khiến các ngân hàng hạ lãi suất huy động xuống thấp. Khi không có nhiều kênh để có thể đầu tư trong bối cảnh lãi suất thấp thì các nhà đầu tư đổ dồn tiền vào mở tài khoản chứng khoán.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản cá nhân trong nước gấp hơn 3 lần mức mở mới trung bình hằng tháng của năm 2020. Tính chung từ đầu năm đến tháng 7.2021, đã có 720.989 tài khoản F0 mở mới, con số cao chưa từng thấy trong lịch sử. Trung bình mỗi tháng năm 2021, số tài khoản F0 trong nước mở mới lên tới 101.998 tài khoản.

Tương tự thị trường chứng khoán, dòng tiền cũng đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Theo đó, dù tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm nay giảm nhưng vốn vào ngành bất động sản lại gia tăng. Cụ thể, bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam đón nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,15 tỉ USD. Con số này tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng 300 triệu USD.

bds-tphcm-hinh-7.jpg
Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường bất động sản bất chấp dịch bệnh - Ảnh: Hồ Đông

Ngoài ra, thống kê từ Tổng cục Thuế cũng thấy rằng trong 6 tháng đầu năm 2021, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết hiện có rất nhiều dòng tiền đang chảy vào bất động sản. Điển hình như tiền của các nhà đầu tư thu lợi từ thị trường chứng khoán; tiền kiều hối tại nhiều khu vực trên thế giới, do dịch bệnh nên không có hiệu quả đầu tư, đã cam kết về Việt Nam để đầu tư bất động sản.

Cùng với đó, nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động bởi dịch bệnh nên chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Tiền gửi ngân hàng khi lãi suất giảm thấp lại được rút ra chuyển vào thị trường bất động sản...

Theo ông Đính, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tác động đến thu nhập của người dân dẫn đến nhu cầu thực giảm, thể hiện ở số lượng giao dịch giảm. Thế nhưng, tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư bất động sản lại đang cho thấy có dấu hiệu mạnh lên. Nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản rất lớn, nguồn hàng lại khan hiếm, là nguyên nhân chính giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt ở thời điểm tháng 2, tháng 3 vừa qua.

Siết tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Trước thực trạng dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán, bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích.

tien-vnd.jpeg
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát dòng tiền vào thị trường bất động sản, chứng khoán - Ảnh: Internet

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, cơ quan này luôn thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm dần qua các năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm phần nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng bất động sản cũng giảm dần và tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế (chiếm hơn 60% dư nợ bất động sản).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động và kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Những tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, giá bất động sản tăng cao, nhất là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất... Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, một phần do đại dịch COVID-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Xu hướng này tương đồng với diễn biến chung trên thế giới một năm qua, trước bối cảnh triển vọng kinh tế khó lường, lãi suất ngân hàng giảm mạnh (nhiều nước áp dụng lãi suất âm), thị trường chứng khoán, bất động sản đã tăng mạnh tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...

Do vậy, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh, hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Bài liên quan
Bình Định xẻ rừng đặc dụng làm khu nghỉ dưỡng cao cấp
UBND tỉnh Bình Định mới đây có văn bản gửi Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh về việc rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản