COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của hàng trăm triệu người bệnh trên toàn thế giới, nó còn gây ra hậu quả vô cùng nặng nề đối với sức khỏe tinh thần của nhiều người.

Khủng hoảng sức khỏe tâm thần gia tăng ở Trung Quốc

Đan Thùy | 15/05/2022, 10:35

COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của hàng trăm triệu người bệnh trên toàn thế giới, nó còn gây ra hậu quả vô cùng nặng nề đối với sức khỏe tinh thần của nhiều người.

anh-chup.png
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đứng sau một tấm rào chắn tại một khu dân cư ở Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: Reuters

Đối với Mel Li, việc thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục bị phong toả kéo dài đã biến căn bệnh trầm cảm của cô ngày càng thêm trầm trọng. 

"Ngay cả một người có tinh thần khoẻ mạnh cũng có thể cảm thấy tồi tệ huống chi là một người đang bị trầm cảm như tôi", Mei Li nói.

Hiện tại Li đang sống một mình tại Thượng Hải. Kể từ khi thành phố này phong toả, cô buộc phải ở trong nhà trong nhiều ngày qua.

"Tôi bị trầm cảm nặng, tôi phải kiểm soát ý muốn tự tử 2-3 lần mỗi năm và tình trạng này đã trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch", người phụ nữ 27 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm vào năm 2017 cho biết.

Li thường xuyên đến gặp bác sĩ tâm lý và đã dùng thuốc để giúp điều trị căn bệnh của mình. Cô nói rằng chứng trầm cảm của mình đã cơ bản được kiểm soát trước khi Thượng Hải phong tỏa. Tuy nhiên, hiện tại do các biện pháp chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt, Li không thể đến gặp bác sĩ và thuốc của cô cũng đang dần cạn kiệt.

"Tôi đã từng mua thuốc trên mạng. Nó rất dễ. Tuy nhiên vào khoảng đầu tháng 4, tôi bắt đầu hết thuốc và tôi không biết làm cách nào để mua thêm", Li chia sẻ. 

Một tình nguyện viên đã giúp Li mua thuốc đủ dùng trong một tháng nhưng đến nay lại sắp hết. Li cho biết cô sẽ được phép rời khỏi nhà và đi mua thuốc, nhưng bệnh viện lại cách nơi ở 40 phút lái xe. Do dịch vụ gọi xe và giao thông công cộng đều ngừng hoạt động, Li không biết làm thế nào để đến được bệnh viện.

Li là một trong số rất nhiều trường hợp tương tự tại Thượng Hải. Cuộc sống của nhiều người tại đây đã rơi vào bế tắc và họ phải chịu một tổn thất lớn về mặt sức khoẻ tâm thần.

Theo Data - Chủ nghĩa nhân văn, một công ty chuyên về khảo sát và nghiên cứu, cho biết hầu hết mọi người dân trong thành phố đã bị mắc kẹt ở nhà trong 6 tuần. Công ty cho biết trên công cụ tìm kiếm Baidu, cụm từ "tư vấn tâm lý" đã tăng hơn 250% trong tháng trước so với cùng kỳ năm 2021.

anh-chup-man-hinh-2022-05-15-luc-09.54.26.png
Phần lớn người dân Thượng Hải đã phải ở trong nhà trong 6 tuần qua - Ảnh: Reuters

Tháng trước, chính quyền Thượng Hải xác nhận Qian Wenxiong, một cán bộ thuộc Ủy ban Y tế quận Hồng Khẩu, Thượng Hải, đã qua đời vào hôm 12.4. Ngay sau đó, trên mạng có nhiều ý kiến cho rằng ông tự kết liễu đời mình vì không thể chịu nổi áp lực ở tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng y tế tại Thượng Hải, theo South China Morning.

Nguyên nhân cái chết của Qian không được công bố nhưng phía cảnh sát không phủ nhận việc ông đã tự sát.

Ji Longmei, một nhà tư vấn tâm lý cấp cao tại Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Tâm thần Vườn Tâm hồn Thượng Hải, cho biết một số bệnh nhân của cô đã phải chuyển qua điều trị trực tuyến.

"Tôi nghĩ rằng số người thực tế cần giúp đỡ cao hơn nhiều so với những người đã liên hệ", Ji Longmei cho biết. 

Trường hợp của Tong Weijing, một phóng viên 30 tuổi của tờ Wenhui Daily có trụ sở tại Thượng Hải, người đã tự sát vào ngày 4.5, một lần nữa đã nhấn mạnh những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ tâm thần trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cái chết của Tong Weijing được cho là do một cơn đau tim, nhưng nhiều nguồn tin khẳng định đây có thể là một vụ tự tử. Mẹ của Tong nói với một nguồn tin giấu tên rằng con gái bà đã có những hành vi bất thường trong vài ngày trước khi chết, bao gồm cả việc không thể ngủ được và lẩm bẩm một mình.

Ji cho rằng dựa trên những gì người mẹ mô tả, cái chết của Tong được cho là do "trầm cảm do căng thẳng". "Việc họ thông báo cô ấy chết vì bệnh tim cho thấy mọi người vẫn còn cảm thấy xấu hổ về các vấn đề sức khỏe tâm thần", Ji nói. 

Các vấn đề sức khỏe tâm thần do đại dịch gây ra đã trở thành một thảm họa trên toàn thế giới. Theo tạp chí y khoa The Lancet, số ca trầm cảm nặng đã tăng lên 53 triệu người vào năm 2020. Theo số liệu từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ mà các nhà khoa học đã phân tích, có thêm 76 triệu người phát triển chứng lo âu trong cùng năm đó.

Bệnh tâm thần cũng là cuộc khủng hoảng đang thay đổi cuộc sống của hàng triệu gia đình Trung Quốc. Theo WHO, 54 triệu người ở quốc gia này bị trầm cảm và khoảng 41 triệu người bị rối loạn lo âu. Đây là 2 trong số những bệnh rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên cả nước.

Song sự gia tăng của gánh nặng sức khỏe tâm thần vẫn chưa được ý thức đúng ở Trung Quốc khi những người trải qua bệnh tâm thần thường bị hiểu lầm hoặc kỳ thị.

“Hiện tại, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh việc tồn tại. Cuộc phong toả đã lấy đi thuốc men, công việc cũng như sự giao tiếp giữa tôi và gia đình, bạn bè", Li nói thêm.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khủng hoảng sức khỏe tâm thần gia tăng ở Trung Quốc