Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh. Điều này đang gây áp lực lớn lên mặt hàng xăng dầu bán lẻ trong nước.

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu, giá xăng dầu trong nước có tăng?

Tuyết Nhung | 11/10/2021, 15:43

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh. Điều này đang gây áp lực lớn lên mặt hàng xăng dầu bán lẻ trong nước.

Tác động đến giá xăng dầu thành phẩm

Hôm nay (11.10), giá dầu WTI đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11.2014, khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang làm rung chuyển thị trường.

Giá nhiên liệu như than đá và khí đốt tự nhiên đang tăng vọt ở châu Âu và châu Á, thúc đẩy sự chuyển đổi sang các sản phẩm dầu như dầu diesel và dầu hỏa. Giá dầu WTI đã tăng gần 30% kể từ giữa tháng 8 khi cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng.

Giá xăng và dầu diesel tăng mạnh đang làm "cháy túi" người tiêu dùng. Việc giá nhiên liệu tăng mạnh trong những tháng qua diễn ra khi tình hình đại dịch COVID-19 từng bước được cải thiện trên toàn cầu.

Từ mức thấp nhất là 16 USD/thùng vào ngày 22.4.2020, giá dầu Brent đã tăng đều đặn kể từ đó và hiện đã vượt mốc 80 USD/thùng. Thị trường chứng khoán với lo ngại về lạm phát ngày càng tăng, tác động đến giá trị tiền tệ và chi phí đầu vào đối với các công ty.

Thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng do kinh tế các nước trên thế giới đang dần hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại khi nhiều nước đã chịu phương án sống chung, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19... Các yếu tố này đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Giá dầu thô ngày 10.10 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11.10 cụ thể như sau: 88,156 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,863 USD/thùng, tương đương tăng 7,13% so với kỳ trước); 90,246 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,025 USD/thùng, tương đương tăng 7,15% so với kỳ trước); 87,756 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 8,269 USD/thùng, tương đương tăng 10,40% so với kỳ trước); 88,052 USD/thùng dầu hỏa (tăng 8,240 USD/thùng, tương đương tăng 10,33% so với kỳ trước); 429,615 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 21,654 USD/tấn, tương đương tăng 4,60% so với kỳ trước).

Tuy nhiên, để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) ở mức cao.

Giá bán lẻ trong nước chịu tác động mạnh

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này (chiều 11.10), nếu không chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức cao, giá xăng E5RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng trên 1.000 đồng/lít so với giá hiện hành.

Tuy nhiên, để hỗ trợ cho đời sống, sản xuất còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, Vụ Thị trường trong nước cho biết sẽ sử dụng công cụ Quỹ BOG linh hoạt, hiệu quả, có tính đến việc tạo dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế của Quỹ BOG tại thời điểm hiện nay, liên bộ Công Thương - Tài chính chắc chắn sẽ tính đến phương án tối ưu để đảm bảo giá bán lẻ trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

"Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ", đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Bên cạnh công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bài liên quan
Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam?
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy Trung Quốc vào tình cảnh thiếu điện, thiếu nhiên liệu,... Vấn đề này cũng đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu, giá xăng dầu trong nước có tăng?