Dự báo kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023

Tuyết Nhung | 12/01/2023, 11:52

Dự báo kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Trao đổi với báo chí về giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết việc điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách vì phải hướng đến các mục tiêu có tính xung đột trong một số thời điểm.

49d8bfa9-ead8-464f-b12d-25d83e390172.jpeg
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Vì thế, công tác điều hành đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức thấp (2,73%), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực (GDP tăng 8,83%), thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, VNĐ mất giá ở mức thấp (4,8%) so với đồng tiền của nhiều nước (từ 6 - 33%), mặt bằng lãi suất VNĐ tăng nhẹ (khoảng 0,3 - 0,4%) trong khi lãi suất tại nhiều nước tăng mạnh. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi trả của doanh nghiệp, người dân.

Trong tháng 10.2022, thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu áp lực trước xu hướng tỷ giá tăng kịch trần, thanh khoản thị trường kém, tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng. Để giải tỏa áp lực thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện đồng thời các giải pháp cấp bách như: tăng biên độ giao dịch của tỷ giá và cho phép VNĐ biến động linh hoạt hơn như đề cập ở trên; sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp; tăng 1% các mức lãi suất điều hành; hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đối với điều hành tín dụng, Phó thống đốc Hà cho biết Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tiễn. Do kinh tế phục hồi sau đại dịch, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên tín dụng ngân hàng tăng cao, 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 17% so với cùng kỳ 2021, là mức tăng cao so với nhiều năm trở lại đây. 

Sau tháng 11, khi thị trường tiền tệ, ngoại hối đã bớt áp lực, thanh khoản cải thiện, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 - 2% cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. 

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, khả năng cân đối vốn để cấp tín dụng, giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng cho nhà ở xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

"Như vậy, điều hành chính sách tiền tệ đã bám sát diễn biến thị trường trong từng thời điểm, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp tùy thuộc vào bối cảnh tình hình, qua đó đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tích cực, đồng thời đảm bảo để kiểm soát lạm phát tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra", Phó thống đốc Hà nói.

Về định hướng giải pháp điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). 

Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. 

"Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023", Phó thống đốc lưu ý.

Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tiền tệ, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, vốn đầu tư trung-dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. 

Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.

Bài liên quan
Đi làm lại ở tuổi 76 vì lạm phát
Lenore Angey, một cư dân thành phố Cleveland (Mỹ) chưa bao giờ tưởng tượng mình phải quay lại làm việc ở tuổi 76.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023