Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp khó trong tiếp cận vốn ngân hàng và thậm chí phải dùng tới 60% vốn vay từ tín dụng đen là một vấn đề nhức nhối của nền kinh tế. Nhưng ở một góc nhìn khác, ông Đào Gia Hưng - Phó Giám đốc Khối SME của VPBank, chia sẻ rằng các ngân hàng đã mở hơn với doanh nghiệp SME rất nhiều và doanh nghiệp cần phải chủ động đáp các tiêu chí của ngân hàng.
Tại một cuộc hội thảo về thị trường vốn mới đây có thông tin cho rằng có những SME đang phải dùng tới 60% vốn vay từ tín dụng đen để làm ăn, do không tiếp cận được vốn từ ngân hàng. Đứng từ phía là một người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, ông có cho rằng đang có một rào cản vô hình giữa các SME và ngân hàng không?
Ông Đào Gia Hưng - Phó Giám đốc Khối SME của VPBank: Nếu nhìn rộng ra cả nền kinh tế thì nhận định các SME khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng là đúng. Điều đó càng đúng với những doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ. Các doanh nghiệp lớn sẽ có lợi thế hơn, các điều kiện để vay thuận lợn hơn khi tiếp cận với các ngân hàng. Thậm chí họ có thể vay ở nhiều ngân hàng khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ thì ngược lại, họ có ít lợi thế hơn và điều kiện đi vay khó khăn hơn.
Thực tế trong nền kinh tế Việt Nam số SME đang chiếm tới hơn 70% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này khi không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng họ sẽ buộc phải đi tìm các nguồn vốn khác, đó là những nguồn vốn vay từ bạn bè, người thân trong gia đình. Tuy nhiên nguồn vốn đó cũng hữu hạn và khi cạn kiệt thì họ sẽ phải tìm đến nguồn vốn từ các tổ chức cho vay nặng lãi, với lãi suất rất cao. Nên nếu nói có những trường hợp phải dùng tới 60% vốn vay từ tín dụng đen để hoạt động là điều có thể hiểu được.
Vậy rào cản giữa ngân hàng và SME đến từ đâu? Do ngân hàng chưa đủ gần gũi với doanh nghiệp hay doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng?
Rào cản đó xuất phát từ cả hai phía. Về phía doanh nghiệp, nguồn vốn vay từ ngân hàng là một nguồn vốn chính thống vì thế cũng phải có những điều kiện chính thống đi kèm. Có những điều kiện mang tính chất chuẩn mực của hệ thống ngân hàng được đưa ra dựa trên cơ sở của Luật các Tổ chức tín dụng mà buộc phải tuân theo. Nhưng những doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia kinh doanh thì hệ thống kế toán, tài chính và minh bạch thông tin chưa được chuẩn, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ khó.
Thứ hai, các doanh nghiệp nhỏ thường không tích lũy được tài sản nhiều, do đó họ cũng không có tài sản để thế chấp cho các khoản vay. Và thứ 3 là câu chuyện về lòng tin. Nếu các doanh nghiệp nhỏ chưa vay được vốn từ ngân hàng mà cũng không có quan hệ lâu dài với ngân hàng thông qua việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng thì sẽ khó hơn rất nhiều. Thời gian sử dụng dịch vụ của các ngân hàng càng lâu thì các điều kiện cho vay của ngân hàng sẽ càng được nới lỏng.
Về phía ngân hàng. Đúng là nhiều ngân hàng chưa “mở” lắm với phân khúc khách hàng SME vì thường là các khoản vay nhỏ nhưng quá trình thẩm định và thu thập hồ sơ thì vẫn phải thực hiện đủ như cho vay các doanh nghiệp lớn. Như vậy cùng một mức chi phí, công sức nhưng hiệu quả cho vay lại không tương xứng nên nhiều ngân hàng vẫn chưa mặn mà lắm với nhóm khách hàng này.
Hiện nay VPBank là một trong số ít các ngân hàng có riêng một mảng kinh doanh phục vụ nhóm khách hàng SME. Vậy VPBank làm sao để hài hòa các điểm vênh giữa SME và mục tiêu hoạt động của ngân hàng như ông nói ở trên?
Tại VPBank chúng tôi có cách tiếp cận hơi khác một chút so với quan niệm truyền thống của hệ thống ngân hàng trong phân khúc này. Nếu chỉ phân tích sơ qua, thì thấy rằng ở phân khúc này chỉ cho vay được những khoản vay nhỏ và tốn chi phí. Nhưng VPBank nhìn thấy ở đó là một thị trường lớn với hơn 70% số doanh nghiệp của cả nước. Đi sâu vào phân tích, chúng tôi thấy họ là những doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn sẵn sàng chia sẻ cùng ngân hàng về lợi nhuận và hiệu quả để đôi bên cùng có lợi. Nếu giữa ngân hàng và doanh nghiệp xây dựng được lòng tin thì sẽ giải quyết được tất cả các trở ngại và khó khăn đã nói ở trên.
Chính vì vậy chúng tôi đưa ra các gói giải pháp đơn giản để làm sao các doanh nghiệp siêu nhỏ có thể đáp ứng được. Khi họ phát triển ở một quy mô lớn hơn, thì gói họ sẽ tiếp cận ở một gói giải pháp khác. Mặt khác, lãi suất chúng tôi đưa ra có thể ở mức cạnh tranh tương đối so với các sản phẩm cho vay truyền thống, nhưng lại ở mức rất hấp dẫn nếu so với các khoản vay từ tín dụng đen. Do đó, các khách hàng SME của chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với mức lãi suất như vậy.
Ông có thể chứng minh tính ưu việt của những giải pháp dành cho các SME tại VPBank qua các con số?
Trong năm ngoái, trung bình mỗi tháng chúng tôi có thêm 1.000 SME trở thành khách hàng mới của VPBank. Xét riêng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, tốc độ tăng trưởng về số lượng khách hàng gấp đôi so với năm 2016. Sáu tháng đầu năm nay, số lượng khách hàng của chúng tôi tiếp tục tăng trưởng từ 30-40%. Sau 3 năm mở riêng mảng kinh doanh khách hàng SME, số lượng SME được VPBank phục vụ đã lên tới hơn 75.000 doanh nghiệp, tương đương 10% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Những con số đó nói lên tất cả sự thành công và nỗ lực tiến gần hơn tới các SME của VPBank, cho thấy chúng tôi là một trong những địa chỉ hỗ trợ nguồn vốn tích cực dành cho các SME.
Cuối cùng, theo ông các SME nếu muốn tiếp cận với vốn vay ngân hàng thì trước hết họ phải làm gì?
Với một doanh nghiệp cần phải tiếp cận vốn ngân hàng thì điều kiện cốt lõi nhất là doanh nghiệp đó càng minh bạch càng tốt trong hoạt động kinh doanh của mình. Điều kiện thứ 2 là doanh nghiệp đó đang hoạt động và có tăng trưởng trong ngành của mình. Thứ 3 là doanh nghiệp đó cần chuẩn bị và làm quen với điều kiện ngân hàng về sự đồng nhất, chuẩn chỉnh của số liệu tài chính. Vì khi đi vay tức là lấy vốn của người khác, mình phải chứng minh cho người khác thấy hoạt động kinh doanh của mình ra sao.
Trong thời gian gần đây nhiều ngân hàng cũng đang nhận ra tiềm năng của phân khúc này và họ bắt đầu có cách tiếp cận mở hơn cho nhóm SME. Hy vọng thời gian tới tiếp cận vốn sẽ nhiều hơn. Nhưng các ngân hàng có mở thế nào đi chăng nữa thì vẫn có những điều kiện tín dụng và phòng ngừa rủi ro nhất định phải đáp ứng.
P.V