“Tết này, các địa phương nghiên cứu tổ chức dịch vụ chuyên chở đưa đón công nhân về quê vui Tết cùng gia đình, thay cho việc họ tự đi xe gắn máy, gây ùn tắc và TNGT. Kiềm chế, ngăn chặn không để xảy ra TNGT là món quà Tết ý nghĩa nhất đối với người dân”.

Không để xảy ra TNGT là món quà Tết ý nghĩa nhất với người dân

Anh Đủ | 29/12/2019, 17:58

“Tết này, các địa phương nghiên cứu tổ chức dịch vụ chuyên chở đưa đón công nhân về quê vui Tết cùng gia đình, thay cho việc họ tự đi xe gắn máy, gây ùn tắc và TNGT. Kiềm chế, ngăn chặn không để xảy ra TNGT là món quà Tết ý nghĩa nhất đối với người dân”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm ATGT năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Đề cập đến nhiệm vụ năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh 8 trọng tâm và đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, nghiêm túc thực hiện.

Một là,năm 2020, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông. Đặc biệt năm 2020 là năm cả nước tổ chức lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nên cần phải lồng ghép mục tiêu và các giải pháp chiến lược về bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông vào các quy hoạch. Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tập trung xây dựng Luật Giao thông đường bộ mới, thay thế cho Luật 2008; sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu của nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hai là,tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban ATGTQG, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; tiếp tục tổ chức vận động cán bộ, đảng viên, công chức nêu gương cùng toàn dân thực hiện: “Đã uống rượu, bia không lái xe”, yêu cầu sự tham gia của cả những đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền đến thực hiện những quy định, chế tài xử phạt mới được Chính phủ quy định trong Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt mà Thủ tướng vừa ký ban hành.

“Nhằm nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, các công ty sản xuất và kinh doanh rượu bia phải tham gia các hoạt động xã hội như tặng mũ bảo hiểm, vận động và tuyên truyền về tác hại của uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông, tạo sự lan tỏa nhằm bảo đảm ATGT”, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị.

Ba là,nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT và hiệu lực, hiệu quả tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Về quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng đề nghị ngành GTVT, ngành xây dựng và các ngành có liên quan tập trung cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng. Đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Chính phủ sắp ký ban hành.

Đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT như vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý và tốc độ; quan tâm xử lý vi phạm về sử dụng điện thoại khi lái xe và không thắt dây bảo hiểm khi ngồi trên xe ô tô.

Bốn là,tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu và bảo vệ hành lang ATGT. Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các dự án trên tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các công trình trọng điểm khác. Bộ GTVT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội khẩn trương đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác; Bộ GTVT cũng cần sớm sửa chữa, bảo đảm ATGT cho tuyến cao tốc TPHCM -Trung Lương trong năm 2020…

Các Bộ: GTVT, Công an kiên quyết không cho phương tiện thô sơ, xe gắn máy đi vào tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương…

Năm là,tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng nâng cao thị phần vận tải thuỷ và vận tải ven biển để giảm lưu lượng vận tải hàng hóa bằng xe tải trên đường bộ. Bộ GTVT tập trung chỉ đạo việc chuyển đổi mô hình các tuyến vận tải hành khách cố định kết nối giữa TPHCM, Hà Nội với các tỉnh xung quanh thành dịch vụ xe buýt, với tần suất, chất lượng ổn định để người dân có thể đi lại thay thế cho mô tô, xe máy trong cự ly dưới 100 km.

Sáu là,đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT và bảo đảm TTATGT. Đề nghị Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí xử phạt để mua sắm, lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát, hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và bảo đảm an ninh trật tự đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng dữ liệu hình ảnh do người dân cung cấp để làm căn cứ xử phạt theo quy định.

Đề nghị Bộ GTVT tập trung chỉ đạo khẩn trương thực hiện hai việc: Kết nối liên thông để ngành Công an sử dụng chung dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô; đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý giao thông vận tải đảm bảo liên thông quyền truy cập cao nhất để lực lượng công an, ngành tài chính sử dụng chung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, ANTT và chống gian lận, trốn thuế….

Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.

UBND thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện kiểm tra khí thải đối với mô tô xe máy theo chỉ đạo của Thủ tướng; có phương án thu hồi, đổi để loại bỏ phương tiện cũ nát, không đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Việc Hà Nội có phương án giảm lượng xe tải lưu thông trong nội đô là tích cực. Đề nghị thành phố có báo cáo đánh giá hiệu quả để có thể nhân rộng.

Tám là, tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông động và giao thông tĩnh và vận tải công cộng...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết năm 2019 dù nhu cầu giao thông và số phương tiện tiếp tục gia tăng nhanh chóng, tạo thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm TTATGT nhưng lần đầu tiên kể từ năm 2014, số người chết do TNGT đã giảm trên mức 5% (cụ thể là giảm 7,15%), số vụ TNGT, số người bị thương cũng giảm trên 5% so với năm 2018. Số vụ TNGT do xe ô tô chở khách và thương vong đối với hành khách giảm sâu…

Đạt được kết quả nêu trên là do sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, kịp thời đối với công tác này. Ngay từ đầu năm Ban Bí thư đã sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 18 và ban hành Kết luận số 45; Chính phủ đã ra Nghị quyết số 12; Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBATGTQG thường xuyên nắm tình hình, chỉ đạo ngay, sát thực tiễn; Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về TTATGT 6 tháng đầu năm và chỉ đạo trọng tâm nhiệm vụ các tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Đồng thời, chúng ta đã kiên trì, tập trung và duy trì thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với những nhóm hành vi có nguy cơ gây TNGT cao. Năm nay, lực lượng công an đã tập trung xử lý vi phạm về ma tuý và nồng độ cồn mà trọng tâm là nhóm lái xe kinh doanh vận tải và mô tô, xe máy… Ưu tiên làm tốt công tác bảo đảm ATGT cho kết cấu hạ tầng, tập trung xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ; thu hẹp, xoá lối đi tự mở qua đường sắt…

Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ cả nước đã nỗ lực rất lớn trong việc cứu chữa kéo giảm thiệt hại về người do các vụ TNGT. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hoá giao thông được tiến hành thường xuyên. Nhiều sự kiện truyền thông trực tiếp với quy mô lớn, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong xã hội được tổ chức cũng đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tham gia giao thông của người dân.

Theo VGP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để xảy ra TNGT là món quà Tết ý nghĩa nhất với người dân