“Chuyển đổi hộ cá thể sang doanh nghiệp phải tạo điều kiện tốt nhất, không làm khó. Chúng ta sẽ làm từng bước và hết sức thận trọng, không để bà con hoang mang khi chuyển từ cá thể sang doanh nghiệp”.

Không để bà con hoang mang khi chuyển lên doanh nghiệp

Phan Diệu | 06/04/2017, 20:16

“Chuyển đổi hộ cá thể sang doanh nghiệp phải tạo điều kiện tốt nhất, không làm khó. Chúng ta sẽ làm từng bước và hết sức thận trọng, không để bà con hoang mang khi chuyển từ cá thể sang doanh nghiệp”.

Trên đây là khẳng định của ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại hội nghị bàn về kế hoạch phát triển 60.000 doanh nghiệp năm 2017 và 500.000 doanh nghiệp trong năm 2020 diễn ra ngày 5.4.

Giảm 30% cuộc họp để đi thực tế

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Duy Minh, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có khoảng 20.000 hộ kinh doanh có thể vận động chuyển đổi thành doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhằm hỗ trợ các hộ cá thể lên thành doanh nghiệp, ngành thuế sẽ hỗ trợ hệ thống website hướng dẫn chính sách, thủ tục thuế ban đầu, đảm bảo doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các dịch vụ điện tử, các gói hỗ trợ liên quan chính sách thuế.

Với tiềm năng trên, ông Lê Duy Minh cho rằng khi chuyển lên thành doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của các hộ cá thể này sẽ thuận lợi hơn. Doanh nghiệp sẽ được quyền tự do kinh doanh, được tự xuất hóa đơn, độ tin cậy, tín nhiệm với khách hàng cao hơn. Chưa kể, nếu làm ăn lỗ thì doanh nghiệp sẽ không phải đóng thuế.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Bình MinhPhó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM nhận định việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ giúp các hộ có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn.

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng minh bạch, bà Minh đánh giá việc chuyển đổi từ hình thức hộ kinh doanh cá thể sang hình thức doanh nghiệp đang là xu hướng quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.

Theo bà, hiện nay ngoài vận động, tuyên truyền các hộ lớn chuyển lên doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hỗ trợ toàn bộ lệ phí mà hộ kinh doanh phải nộp khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp…

Ngoài ra, TP còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp tại thị trường trong nước cũng như ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.

“Việc nâng cao các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đang hoạt động là rất cần thiết vì sẽ giảm được số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững và sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả phát triển kinh tế”, bànói.

Còn việc để đạt mục tiêu 60.000 doanh nghiệp trong năm nay, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết các sở ngành, quận huyện sẽ giảm 30% các cuộc họp để dành thời gian đi thực tế, nắm bắt kiến nghị của doanh nghiệp, cắt giảm chi phí thủ tục hành chính nhằm đạt mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Liêm cho rằng TP.HCM sẽ không chạy theo số lượng mà quên đi việc nâng cao chất lượng doanh nghiệp - Ảnh: P.D

Không chạy theo số lượng

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cho rằng việc TP đưa ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển 500.000 doanh nghiệp rất khả thi khi đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển bền vững, Hiệp hội này mong muốn các sở ngành quan tâm, hỗ trợ và củng cố hiệp hội ngành nghề. Các quận huyện cũng cần hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp, nhất là khi các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá việc phát triển doanh nghiệp là quan trọng, thế nhưng TP sẽ không vì mục tiêu phát triển số lượng mà quên mất việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hiện có.

Do đó, ông Lê Thanh Liêm đề nghị các sở ngành, quận huyện cần xây dựng lộ trình, bước đi thích hợp trong việc phát triển doanh nghiệp, nhất là việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp phải tạo được sự đồng thuận. Đặc biệt, ông Liêm nói rằng chính quyền TP sẽ làm việc với từng quận huyện, sở, ngành để thực hiện được mục tiêu trên.

“Chuyển đổi hộ cá thể sang doanh nghiệp phải tạo điều kiện tốt nhất, không làm khó. Chúng ta sẽ làm từng bước và hết sức thận trọng. Trong quá trình làm, hàng tháng, các đơn vị phải báo cáo riêng về tình hình chuyển đổi hộ cá thể sang doanh nghiệp. Chúng ta không được chủ quan và không để bà con hoang mang khi chuyển từ cá thể sang doanh nghiệp”, ông Liêm khẳng định.

Theo ông Liêm, muốn quý 2 và quý 3/2017 đạt chỉ tiêu thì còn nhiều việc phải làm, cho nên ôngđề nghị các quận cụ thể hóa quyết định của mình; đồng thờiđẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tham mưu cho UBND TP về việc thành lập trung tâm khởi nghiệp và ban hành hệ sinh thái khởi nghiệp cho TP.HCM.

Hiện TP.HCM có khoảng302.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian tới, TP sẽ tập trung vừa phát triển thêm số lượng doanh nghiệp mới, vừa tạo chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng và tính bền vững của các doanh nghiệp hiện hữu.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để bà con hoang mang khi chuyển lên doanh nghiệp