Người vẽ muốn ai đứng thì đứng, ai quỳ thì quỳ nhưng nhân vật quỳ không phải vua Quang Trung. Bởi lẽ vua Quang Trung chưa bao giờ đặt chân đến đất Thanh, chưa bao giờ tới Nhiệt Hà gặp Càn Long thì làm sao có chuyện quỳ để vẽ tranh như vậy.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về bài báo công bố những tấm ảnh về vua Quang Trung. Đáng chú ý, bài báo nói trong bộ Thập toàn phu tảo, vua Quang Trung xuất hiện trong bức tranh có tên "An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang", vẽ hình vua Quang Trung và hai bồi thần (tức Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở) vào triều kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà.
Bức tranh và ghi chú này khiến nhiều người vô cùng bức xúc vì chúng ta tin rằng Quang Trung không thể nào lại chịu sang Nhiệt Hà và quỳ lạy Càn Long như vậy, nhất là sau khi Quang Trung vừa đánh tan đạo quân hàng chục vạn của nhà Thanh. Trên thực tế, tấm tranh kia chỉ là do họa sỹ Trung Quốc vẽ lại cảnh một vở kịch. Người vẽ muốn ai đứng thì đứng, ai quỳ thì quỳ nhưng nhân vật quỳ không phải vua Quang Trung. Bởi lẽ vua Quang Trung chưa bao giờ đặt chân đến đất Thanh, chưa bao giờ tới Nhiệt Hà gặp Càn Long thì làm sao có chuyện quỳ để vẽ tranh như vậy.
Sau khi Quang Trung thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu thì nhà Thanh vừa lo vừa ngại. Càn Long năm đó gần 80, rất trọng sĩ diện nên không dễ dàng nghe 2 chữ thất bại một nước nhỏ hơn. Đó là lý do vì sao Càn Long gọi Tôn Sĩ Nghị về kinh hỏi tội, lại phái Phúc An Khang (sủng thần được đồn là con ngoài giá thú của Càn Long) xuống “bình định phía nam”. Sau khi được phong làm tổng đốc Lưỡng Quảng, Phúc An Khang cũng ngại quân Tây Sơn nên án binh bất động. Để giải quyết bài toán của mình, Phúc An Khang báo với Càn Long rằng thất bại là tại Lê Chiêu Thống bỏ nước chạy trước là nguyên nhân chính khiến quân Thanh rút theo. Từ đó, Phúc An Khang không có trách nhiệm phải đánh giành lại nước hộ Chiêu Thống khi vị vua này đánh mất cả ấn tín. Thực ra Chiêu Thống thấy Tôn Sĩ Nghị thua nên hoảng quá chạy theo sang đất Thanh nhưng rốt cuộc lại bị đổ tội thất bại.
Phúc An Khang cũng báo cho Càn Long rằng họ Lê hết phúc và ngụ ý Nguyễn Huệ sẵn sàng thần phục, nguyên văn là “Lê duy kỳ khí quốc nhi đào, thiên triều đoạn bất phục dĩ an nam tí chi". Sở dĩ Phúc An Khang đưa ra kiến giải này cũng muốn khỏi phải động binh đao mà Càn Long lại lấy được thể diện. Toan tính của Phúc An Khang phù hợp với tính toán của triều đình Quang Trung khi ấy. Quang Trung lúc này còn nhiều việc phải giải quyết trong nước nên chấp nhận việc tìm kiếm hòa bình với nhà Thanh và giao toàn bộ việc này cho Ngô Văn Sở và Phan Huy Ích xử lý: “Tiện nghi xử trí, thị vô quan khẩn bất tất bẩm báo”.
Càn Long vốn tín nhiệm Phúc An Khang nên chuẩn tấu nhưng yêu cầu triều đình Quang Trung phải cử người sang “triều cống, tạ tội”. Quang Trung phái một người cháu là Nguyễn Quang Hiển là “tuy đại do thân” (tuy thay mặt nhưng là chính mình) và viên quan là Võ Huy Tấn (tự Tự Chiêu, người Mộ Trạch đời Tây Sơn làm thị lang bộ Công, phong tước Hạo Trạch Hầu) sang triều cống nhà Thanh.
Vua Càn Long thấy vậy rất vui mừng, đích thân gặp mặt Quang Hiển và công nhận Nguyễn Quang Bình (tức vua Quang Trung) làm An Nam quốc vương và xúc tiến các thủ tục bình thường hoá ngoại giao. Sau đó, nhà Thanh lại muốn đưa ra yêu cầu khắt khe hơn là đòi Quang Trung đích thân vào chầu vào đúng dịp Càn Long mừng Bát tuần khánh tự (năm 1790) để tỏ lòng thành thực. Đồng thời cũng là dịp Càn Long khoe khoang với các nước khác việc 4 phương quy thuận.
Vua Quang Trung không muốn sang nhà Thanh một chút nào. Thứ nhất, Quang Trung còn quá nhiều việc phải lo lắng trong buổi đầu dựng triều đại. Thứ hai, Quang Trung sợ nhà Thanh dùng kế điệu hổ ly sơn, muốn dụ ông rời khỏi nước rồi lại mang quân đưa Chiêu Thống về nước thì hỏng việc. Đó là chưa kể Quang Trung vẫn còn mối lo Nguyễn Ánh ở phía Nam. Chính vì vậy, vua Quang Trung đã nhiều lần tìm cớ thoái thác nhưng Phúc An Khang lại nài nỉ vua Quang Trung phải sang cho Càn Long vui thì con đường quan lộ của y cũng hanh thông hơn.
Cuối cùng Quang Trung theo kế của Ngô Thời Nhậm tìm người đóng giả mình để sang sứ nhà Thanh dịp bát tuần của Càn Long. Theo Việt Nam Sử Lược, người đóng Nguyễn Huệ tên là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu; theo Đại Nam chính biên liệt truyện thì người đó là tướng Nguyễn Quang Thực người Nghệ An. Phái đoàn 150 người gồm cả Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Võ Huy Tấn, Võ Danh Tiêu , Nguyễn Tiến Lộc , Đỗ Văn Công tháp tùng vua giả.
Phúc An Khang có biết việc Quang Trung cử người đóng giả hay không? Có lẽ là biết nhưng cũng nhắm mắt làm ngơ vì y biết rằng cũng chỉ có cách đó là làm Càn Long vui lòng. Quả nhiên, Càn Long rất vui, trọng đãi sứ đoàn của triều đình Quang Trung từ đón tiếp, làm thơ, vẽ tranh... Theo "Đại Thanh thực lục", nhà Thanh chi phí cho sứ đoàn mỗi ngày hết 4.000 lạng bạc (tổng cộng lên đến 800.000 tính cho tới khi sứ đoàn về).
Quan viên nhà Thanh cũng có người đoán đó là vua giả nhưng không dám nói vì sợ mất mặt Càn Long. Sách nhà Thanh có chép: “Sự thực thượng, Thanh triều các địa đích quan viên đô tri đạo giá cái sở vị đích Nguyễn Huệ thị giả đích, đan do ô Càn Long đế hảo đại hỉ công, một hữu nhất cái quan viên cảm tróc xuyên giá cái hoang ngôn” ý là: “Trên thực tế, các quan viên Thanh triều đều biết trong chuyện này Nguyễn Huệ là giả, nhưng bởi vì vua Càn Long đang vui chuyện mừng công, không có một quan viên dám vạch chuyện giả dối này”. Thanh sử cảo cũng khẳng định việc Quang Trung sai người giả đến Nhiệt Hà với ghi chép: "Ngũ thập ngũ niên, Nguyễn Quang Bình lai triều chúc ly, đồ thứ phong kỳ trường tử Nguyễn Quang Toản vi thế tử. Thất nguyệt, nhập cận Nhiệt hà sơn trang, ban thứ thân vương hạ, quận vương thượng, tứ ngự chế thi chương, thụ quán đái quy. Kỳ thực Quang Bình sử kỳ đệ mạo danh lai, Quang Bình vị cảm thân đáo dã, kỳ quyệt trá như thử". Như thế đủ thấy không có chuyện vua Quang Trung sang Nhiệt Hà rồi quỳ lạy Càn Long.
Anh Tú