Đến thời vua Gia Long nhà Nguyễn thì nước ta đã thành công trong việc vứt bỏ nốt được chữ An Nam trong các văn bản ngoại giao với triều đình nhà Thanh. Đáng ra chữ An Nam khi đó phải được khai tử hoàn toàn, vậy mà một số cuốn sách ngày nay vẫn 'ngây thơ' dùng chữ An Nam.

Xin đừng tự gọi nước mình là An Nam

27/12/2017, 14:30

Đến thời vua Gia Long nhà Nguyễn thì nước ta đã thành công trong việc vứt bỏ nốt được chữ An Nam trong các văn bản ngoại giao với triều đình nhà Thanh. Đáng ra chữ An Nam khi đó phải được khai tử hoàn toàn, vậy mà một số cuốn sách ngày nay vẫn 'ngây thơ' dùng chữ An Nam.

Ảnh: Internet

>>Cuốn sách lịch sử với các chi tiết sai trái về chủ quyền Biển Đông

>> Sẽ thu hồi toàn bộ sách nếu đưa sai trái về chủ quyền Biển Đông

>>Các nhà sách vẫn rao bán cuốn sách sai trái về chủ quyền Biển Đông

>>Cục xuất bản chính thức thu hồi cuốn sách đưa thông tin sai trái về biển Đông

Sau khi báo điện tử Một Thế Giới phanh phui cuốn sách “Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc” tập 3 phần nhà Minh, nhà Thanh đưa thông tin sai trái, xuyên tạc lịch sử về chủ quyền Biển Đông của Việt Nam, Cục xuất bản đã chính thức ra quyết định thu hồi cuốn sách này.

Trong quá trình tìm hiểu cuốn sách, chúng tôi nhận thấy rằng các ghi chú trong phần bản đồ dùng những từ ngữ thiếu chuẩn mực. Chúng tôi muốn nêu vấn đề này ra để hy vọng trong các ấn phẩm về lịch sử sau này khi dùng từ liên quan đến nước ta cần có thái độ tự tôn và chuẩn mực.

Việc tất cả bản đồ trong 3 cuốn sách Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc ghi Biển Đông là Nam Hải là điều khó chấp nhận được. Nam Hải là cách ghi của người Trung Quốc còn khi ghi trên sách cho người Việt Nam cần ghi rõ là Biển Đông. Nếu tác giả muốn giữ tính nguyên bản của tài liệu thì có thể ghi Nam Hải vào phần chua hay chú thích mà thôi.

Đến phần ghi tên nước thì trong các bản đồ từ thời Đường, trải qua Ngũ đại thập lục quốc, rồi Bắc Tống, Nam Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều ghi nước ta là An Nam. Việc ghi tên nước mình như vậy trên một cuốn sách bằng chữ quốc ngữ thì chúng tôi cho rằng đó là thái độ thiếu tự tôn.

Trong lịch sử nước ta, ông cha chúng ta chưa bao giờ tự xưng là nhà nước hay triều đình An Nam cả. Thời Hùng Vương xa xưa thì chính sử khi là nhà nước Văn Lang rồi sau là Âu Lạc. Khi Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán thì sử ta chép nước ta xưng là Lĩnh Nam (có thể hiểu là thống lĩnh phương nam). Lý Nam Đế đánh đuổi quân Lương thì lập nhà nước Vạn Xuân.

Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, đặt tên hiệu nước là Đại Cồ Việt. "Đại" theo nghĩa chữ Hán là lớn, "Cồ" là âm Việt cổ của từ Cự hay Cừ cũng là lớn. Về sau, Cồ viết theo chữ Nôm gồm 2 chữ Hán là Đại ở trên và Cù ở dưới. Đinh Tiên Hoàng muốn ghép hai chữ để khẳng định nước Việt là nước lớn.

Năm 1054, vua Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt thì trong đó cũng thể hiện tự tôn dân tộc rất cao. Năm 1400, Hồ Quý Ly đổi tên nước là Đại Ngu. Chữ “Ngu” trong quốc hiệu “Đại Ngu” của nhà Hồ có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình". “Đại Ngu” có thể hiểu là ước vọng về một sự bình yên rộng lớn trên khắp cõi giang sơn. Nhưng cũng có thuyết nói Hồ Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Đến 1428, khi Lê Thái Tổ giành được độc lập từ nhà Minh thì đã đổi lại tên nước về Đại Việt. Đến thời nhà Nguyễn thì sử dụng quốc hiệu Việt Nam rồi Đại Nam.

Bản đồ với những chú thích sai trái trong cuốn sách Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc vừa bị thu hồi

Còn chữ An Nam bắt nguồn từ đâu? Tháng 8 năm Điều Lộ thứ nhất (679), nhà Đường đổi Giao Châu tổng quản phủ (lập năm 622) thành An Nam đô hộ phủ. Thời nhà Đường lập các đô hộ phủ (gồm cả An Đông, An Tây), có thể hiểu đô hộ phủ là cơ quan quản lý khu vực mà các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm chiếm nước khác bằng vũ lực. An Nam đô hộ phủ không được xem ngang hàng như các "quân" - đơn vị hành chính ở Trung Quốc đương thời. Cho tới năm 866, Đường Ý Tông theo thỉnh cầu của Cao Biền, thăng An Nam đô hộ phủ làm Tĩnh Hải quân.

Không chỉ chữ đô hộ phủ mà bản thân chữ An cũng có vấn đề. Chữ An là gồm chữ Nữ (con gái) ghép chữ Miên (mái nhà) ý nghĩa chiết tự là con gái sống dưới mái nhà thì mới là an. Ý nghĩa cái tên An Nam hay An Đông (đô hộ phủ) mà nhà Đường đặt là mong các vùng đất mà chúng chiếm đóng không nổi dậy đòi độc lập.

Rõ ràng, cái tên An Nam chẳng hay ho gì với người Việt có tinh thần tự tôn dân tộc, nên khi giành được độc lập thì không triều đại nào dùng nó làm quốc hiệu cả. Tuy nhiên, trong thời điểm nước ta cần hòa bình thì khi quan hệ với triều đình phương Bắc, ta vẫn miễn cưỡng dùng chữ An Nam trong chiếu thư. Còn trong chiếu thư dùng trong nước cũng như trong các quan hệ với nước khác thì ta không dùng mấy chữ An Nam.

Việc người phong kiến phương Bắc bất chấp nước ta đổi quốc hiệu kiểu gì vẫn ngạo mạn gọi nước ta là An Nam cũng phần nào cho thấy dã tâm muốn biến nước ta trở lại thành "đô hộ phủ" như trước. Về sau, các thương nhân và các nhà truyền giáo phương Tây đến nước ta do làm ăn với người Trung Quốc cũng bị nhiễm cách gọi An Nam, đó là điều đáng tiếc.

Đến thời vua Gia Long nhà Nguyễn thì ta đã thành công khi vứt bỏ nốt được chữ An Nam trong các văn bản ngoại giao với triều đình nhà Thanh. Đáng ra chữ An Nam khi đó phải được khai tử hoàn toàn, vậy mà một số cuốn sách ngày nay vẫn ngây thơ dùng chữ An Nam.

Cần nhớ khi xưa, các cụ nhà ta ghi chép các cuốn chính sử nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư hay Đại Việt thông sử cũng đã đề cao tinh thần Đại Việt ngay trong tên sách. Riêng cuốn An Nam chí lược thì không cần nói đến vì Lê Tắc vốn là một kẻ Việt gian, theo chân phương Bắc để cầu vinh hoa.

Chính vì thế mà việc NXB Văn hóa-Thông tin và công ty liên kết dịch nguyên xi và xuất bản cuốn sách "Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc" của tác giả Trung Quốc Cát Kiếm Hùng với các thông tin sai trái, xuyên tác lịch sử về chủ quyền Biển Đông không chỉ đáng phê phán vì nó tiếp tay cho việc phổ biến quan điểm sai trái về chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc mà ngay Tòa trọng tài quốc tế (PCA) đã bác bỏ, việc làm ấy (dù vô tình, do thiếu hiểu biết, hay cố ý) còn là sự xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc của con dân đất Việt.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin đừng tự gọi nước mình là An Nam