Cô Trương Thị Lan, giáo viên trường mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lặng người khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm dạy học. Sự buồn tủi, ngậm ngùi của cô Lan được các đồng nghiệp chia sẻ lên mạng xã hội trong những ngày qua.

Khóc nghẹn khi nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm dạy học

Quang Cường | 30/10/2017, 14:36

Cô Trương Thị Lan, giáo viên trường mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lặng người khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm dạy học. Sự buồn tủi, ngậm ngùi của cô Lan được các đồng nghiệp chia sẻ lên mạng xã hội trong những ngày qua.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Lê Duẩn, người chia sẻ câu chuyện của cô Lan lên mạng xã hội, nói với phóng viên: “Khi nhận quyết định, cô Lan khóc không thành tiếng, đứng không vững, cứ ôm lấy tôi mà khóc. Mức lương ấy đối với hoàn cảnh gia đình chị Lan thì quả là một thách thức lớn cho cuộc sống sắp tới”.

“Không biết sống thế nào với lương hưu 1,3 triệu đồng”

Khi đến nhà cô Trương Thị Lan, chúng tôi mới biết nguyên nhân vì sao cô chết lặng khi nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng.

Cô Lan cho biết, vợ chồng cô có 4 người con (2 trai, 2 gái), một đứa đã lấy chồng, một đứa làm tận miền Nam nhưng công việc đều không ổn định. Còn đứa con trai út học xong cấp 3 vì thấy gia đình khó khăn nên không thi đại học mà ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng.

Chồng cô là ông Nguyễn Đình Toàn (60 tuổi) từng đi bộ đội, xuất ngũ không có lương hay chế độ gì, về già thì sức khỏe yếu dần, một mắt bị mù và tai bị điếc, đau ốm liên miên nên không còn khả năng lao động.

Quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng của cô Lan

Kể lại quãng thời gian 37 năm đi dạy mầm non, cô Lan cho biết, năm 1980, cô bắt đầu dạy trẻ ở trường mầm non Cẩm Duệ (nay là trường mầm non Lê Duẩn). Thời kỳ đó lương được nhận bằng thóc, gạo của phụ huynh đóng góp. Mặc dù cuộc sống khó khăn, thu nhập không đủ nuôi gia đình và con cái ăn học, nhưng vì tình yêu trẻ nên cô luôn cố gắng bám nghề.

Năm 1986, cô Lan được cử đi học nghiệp vụ sư phạm, rồi 2 năm sau đó cô lại được đi học lên trung cấp mầm non theo hệ vừa học, vừa làm.

Từ năm 1995, giáo viên mầm non được nhận lương bằng tiền, với số tiền 450.000 đồng/tháng và tăng dần theo các năm. Năm 2003, giáo viên bắt đầu phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Để đảm bảo điều kiện nhận lương hưu, phía bảo hiểm xã hội đã có chính sách cho giáo viên đóng bù 8 năm bảo hiểm (từ năm 1995 - 2003) để đủ thời gian tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu. Cô Lan phải vay ngân hàng để đóng cho đủ, với mong muốn cuộc sống về già đỡ vất vả.

Từ năm 2014, cô Lan chính thức vào biên chế, tiền lương được tính theo hệ 3,46 nên mỗi tháng cô nhận được hơn 5 triệu đồng. Nhưng tháng 9 vừa rồi, cô nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.

“Từ khi nhận quyết định nghỉ hưu, tôi không ngủ được. Cứ nghĩ đến cuộc sống sắp tới không biết lấy gì để trang trải là tôi lại nằm ôm gối khóc, không dám khóc to vì sợ chồng và con lo lắng. Rồi đây, gia đình tôi không biết sống thế nào với mức lương ấy”, cô Lan sụt sùi chia sẻ.

Cô Trương Thị Lan nghẹn ngào chia sẻ sự khó khăn

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Lê Duẩn cho biết: “Mức lương hưu như vậy đúng với quy định chung, nhưng thực sự quá ít với quãng thời gian họ đóng góp. Giáo viên mầm non trường làng khó khăn hơn rất nhiều những nơi khác. Mong các cơ quan có thẩm quyền thấu hiểu khó khăn của các giáo viên và sớm có sự điều chỉnh mức lương phù hợp hơn để các cô yên tâm công tác”.

Hà Tĩnh có hàng trăm giáo viên nhận lương hưu thấp như cô Lan

Phóng viên đã có cuộc làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnhHà Tĩnh để tìm hiểu rõ cách thức tính lương hưu với trường hợp cô giáo Trương Thị Lan.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lam, Trưởng phòng chế độ BHXH cho biết, sau khi câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng của cô Lan được chia sẻ trên mạng xã hội được sự quan tâm của dư luận, lãnh đạo cơ quan này đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn làm báo cáo cụ thể về vấn đề bảo hiểm của cô Lan.

Theo báo cáo của Phòng chế độ BHXH, cô Trương Thị Lan có quá trình công tác đóng BHXH từ tháng 1.1995 đến tháng 8.2017 (22 năm 8 tháng).

Theo quy định của luật BHXH, cô Lan vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sở hữu lao động quyết định. Vì vậy, khi tính tiền lương bình quân tháng đóng BHXH chung, trong đó thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhànướcquy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 điều 26 Luật BHXH.

Cụ thể, từ tháng 1.1995 đến tháng 12.2012 đóng BHXH theo mức tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (đóng BHXH theo mức tối thiểu theo từng thời kỳ), tổng thời gian là 216 tháng với tổng số tiền là 249.818.200 đồng. Từ tháng 1.2013 đến 8.2017, tổng số 56 tháng với mức lương bình quân của các tháng đóng BHXH theo hệ số tiền lương do nhà nước quy định cộng với thâm niên nghành là 247.728.260 đồng.

Mức lương bình quân của các giai đoạn này là (249.818.200 + 247.728.260 chia cho 216 + 56) bằng 1.829.215 đồng.

Tính tỉ lệ lương hưu theo khoản 1, điều 56 Luật BHXH: 15 năm đóng được tính bằng 45% sau đó cứ thêm 1 năm đượctính bằng 2% đối với nam, 3% đối với nữ. Cô Lan đóng BHXH 22 năm 8 tháng được tính như sau: 15 năm tính 45%, thêm 7 năm tính bằng 21%, 8 tháng được tính bằng 1 năm bằng 3%. Mức lương hưu hằng tháng là 45 + 21 + 3 = 69%.

Như vậy, mức lương hưu hằng tháng của cô Lan là 1.829.215 x 69% = 1.262.158 đồng, được nhà nước bù thêm cho bằng mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng.

Theo trưởng phòng chế độ BHXH, căn cứ theo các quy định của nhà nước thì BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu đối với bà Trương Thị Lan là hoàn toàn đúng quy định.

Trường mầm non Lê Duẩn, nơi cô Trương Thị Lan dạy học 37 năm

Bà Lam chobiết, so với mặt bằng chung ngành viên chức, giáo dục mầm non hiện là ngành có mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội thấp nhất.

Tính đến năm 2016, Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả bảo hiểm cho hơn 270 giáo viên mầm non trong toàn tỉnh với mức lương tối thiểu như trường hợp cô Lan.

“Chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năngthấu hiểu sự cống hiến của những người giáo viên mầm non để điều chỉnh chế độ phù hợp hơn đối với họ”, bà Lam nói.

Quang Cường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khóc nghẹn khi nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm dạy học