Dưới tác động của dịch COVID-19, tính đến ngày 29.5, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% năm 2018.

Khó cho vay vốn, tín dụng tăng trưởng rất thấp

06/06/2020, 07:28

Dưới tác động của dịch COVID-19, tính đến ngày 29.5, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% năm 2018.

Tăng trưởng tín dụng thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Thông tin này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tại cuộc họp thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng những tháng cuối năm 2020 tổ chức chiều 5.6.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, dưới tác động của dịch COVID-19, tính đến ngày 29.5, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% năm 2018. Đáng chú ý, trước đó, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 đạt 1,42% nhưng sang trung tuần tháng 5/2020 lại giảm xuống còn 1,2%. Như vậy, tín dụng đã bắt đầu bật tăng trở lại trong 2 tuần cuối tháng 5 nhưng vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân, bà Hồng cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn nên vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Tới thời điểm hiện tại, dù Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh nhưng diễn biến trên thế giới vẫn rất phức tạp. Trong khi đó, độ mở nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn nên khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Phó thống đốc cũng nói rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động hệ thống ngân hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ luôn bám sát để đạt được các mục tiêu trên.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng nếu đáp ứng được một số điều kiện như đảm bảo được sức khỏe tài chính, đưa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Còn về mặt bằng lãi suất cho vay, mức lãi suất hiện nay so với khu vực thì không cao. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

“Hiện tại, tăng trưởng tín dụng đang rất thấp do nhu cầu vay mới chưa nhiều. Tuy nhiên, khi đại dịch kết thúc thì hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho doanh nghiệp và người dân trở lại hoạt động bình thường”, Phó thống đốc khẳng định.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 25.5, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224.000 khách hàng với dư nợ gần 152.000 tỉ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỉ đồng. Còn cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt 767.607 tỉ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.

Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng với dư nợ 3.813,5 tỉ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567,6 tỉ đồng; cho vay mới đối với 680.031 khách hàng với dư nợ 25.756,5 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này còn giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó cho vay vốn, tín dụng tăng trưởng rất thấp