Không phải chỉ riêng tôi, nhiều người lâu nay vẫn thường quan niệm cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền mà có "gốc gác" từ công an chuyển ra, trong công việc sẽ rất nguyên tắc và có phần "cứng", ít người có được phong cách mềm dẻo, thông thoáng. Chuyện ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội hôm mới đây cho thấy cách nhìn của tôi trong trường hợp này là chưa đúng.

Khi tướng công an đề nghị nới lệnh giới nghiêm

28/08/2016, 05:59

Không phải chỉ riêng tôi, nhiều người lâu nay vẫn thường quan niệm cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền mà có "gốc gác" từ công an chuyển ra, trong công việc sẽ rất nguyên tắc và có phần "cứng", ít người có được phong cách mềm dẻo, thông thoáng. Chuyện ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội hôm mới đây cho thấy cách nhìn của tôi trong trường hợp này là chưa đúng.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội.

Đó là việc chính Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chứ không phải ai khác đứng ra thuyết phục lãnh đạo Hà Nội cho "nới" lệnh giới nghiêm sau 24 giờ đối với quận Hoàn Kiếm để tạo điều kiện cho ngành du lịch thủ đô phát triển tốt hơn khi mà tiềm năng thì có nhưng rào cản lại rất lớn. Đây là chuyện lạ, bởi làm như vậy sẽ thêm phần vất vả cho lực lượng công an nói chung và chẳng may, nếu có chuyện gì không hay, ông cũng là người đứng đầu (lại là người đề xuất chuyện này) sẽ bị ảnh hưởng theo. Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông tin vào những đồng đội trước đó đã cùng ông kề vai sát cách đấu tranh với các tệ nạn xã hội, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân thủ đô.

Tư duy và tầm nhìn của người lãnh đạo, theo tôi là hết sức quan trọng với bất cứ cương vị nào dù lớn hay nhỏ. Người "thuyền trưởng" này sẽ góp phần rất lớn đưa địa phương phát triển nhanh hay chậm, tiến bộ hay thụt lùi.

Tôi có biết một câu chuyện, cũng của một trung tướng công an được luân chuyển về Quảng Ninh làm Bí thư Tỉnh ủy khi đang làm thứ trưởng Bộ Công an và đã trúng vào Trung ương (khoá 2011-2016). Tôi có được gặp ông và được nghe ông nói về địa phương mình khi về nhận nhiệm vụ được nửa nhiệm kỳ.

Quảng Ninh vốn là tỉnh có địa lý đa dạng, đa dân tộc, có biên giới đất liền, có biển và đảo nhiều vô kể. Quảng Ninh là một tỉnh công nghiệp thuộc loại lớn về khai thác khoáng sản, nhưng mảnh đất này cũng quá nhiều tiềm năng để khai thác du lịch và được xem là thế mạnh không dễ có đối với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước khi có di sản Vịnh Hạ Long kỳ vĩ. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất khá phức tạp vì có đường biên giới giáp Trung Quốc.

Với tư duy của một vị tướng an ninh nhiều kinh nghiệm, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính đã có cách nhìn rất... "nghiệp vụ". Ông tâm sự cùng chúng tôi, đại thể:

Đường biên giới giáp với Trung Quốc của Quảng Ninh khá dài. Cùng với chủ trương nhất quán xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh và hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách tích cực, chủ động, tỉnh cũng phải đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng; vận động di, giãn dân định canh, định cư ở những vùng giáp biên và hải đảo; phát triển cơ sở hạ tầng khu vực biên giới và vùng ven biển...

Ông bày tỏ: "Bảo vệ biên giới không có nghĩa là không giao lưu, không quan hệ. Ở một tỉnh giáp biên, khi hai bên chỉ cách nhau con suối nhỏ, nếu trong quá trình giao lưu, tình yêu nảy nở với nhau rồi lấy nhau thì cũng đâu có sao. Chúng ta nên nhìn câu chuyện này một cách nhẹ nhàng hơn, tránh cực đoan, bởi sống ở vùng biên thì như thế, làm sao ta cấm họ được?".

"Việc xử lý những khúc mắc nảy sinh ở biên giới cũng vậy, ta không nên quá cứng nhắc, đành rằng trong cả một giai đoạn dài, nó có thể có lúc này lúc khác. Song chúng ta cần mềm dẻo, kiên trì vận động, hết sức tránh va chạm để giữ gìn đoàn kết, hữu nghị. Chỉ có vậy thì mới làm ăn tốt được. Một khi căng thẳng, bất ổn quá thì dân chịu chứ còn ai chịu vào đây?".

Bí thư Phạm Minh Chính cũng chia sẻ thật lòng: "Những lúc giáp hạt, một số thôn bản hẻo lánh còn thiếu ăn. Chúng ta đã xây dựng thành công một thế trận lòng dân bảo vệ biên giới và có thể rất yên tâm. Song chúng ta đừng chủ quan mà để dân đói. Bảo dân "ôm" cột mốc biên giới nhưng để họ thiếu ăn, uống nước suối thì không được đâu!"...

"Ở vùng biên giới, hải đảo mà chúng ta áp đặt chính sách dân số quá chặt như vùng đồng bằng cũng không ổn bởi nếu không, lại phải có chính sách di dân lên đó. Như vậy có khi lại phát sinh nhiều thứ tốn hơn. Tóm lại, củng cố thế trận lòng dân rất cần có những chính sách phù hợp với đồng bào ở biên giới...".

Quay trở lại chuyện của thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Anh hùng LLVTND. Hẳn nhiều người dân thủ đô còn nhớ những chiến công của lực lượng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội khi phá các vụ trọng án nhiều năm qua. Với chức trách của mình, từ khi ông còn là đội phó thuộc phòng CS hình sự cho đến sau này ở cương vị Giám đốc Công an thành phố, ông Chung đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng của người chỉ huy. Có lẽ ông cũng hiểu hơn ai hết, khi đã nhận thêm việc cũng tức là trách nhiệm thêm nặng nề hơn. Nếu người lãnh đạo muốn an nhàn, tôi nghĩ khi trở thành người đứng đầu chính quyền Hà Nội, người ấy sẽ "thiết quân luật" kỹ càng hơn để "an toàn" hơn.

Qua việc mà ông vừa làm hôm 24.8 là thuyết phục lãnh đạo Hà Nội cho phép "nới" giờ giới nghiêm sau 24 giờ với quận Hoàn Kiếm, có thể thêm 2 giờ nữa cho một số ngành hàng dịch vụ vào 3 ngày cuối tuần, thành phố sẽ có điều kiện phát triển du lịch tốt hơn. Đó là một cách nhìn rất thoáng nhờ có một tư duy mới, nhất là với một vị tướng công an như ông. Qua việc thí điểm trên sẽ rút kinh nghiệm mở rộng hơn cho sau này nếu thấy tốt. Đây là việc đã được ông Chung trình bày tại Hội nghị Du lịch toàn quốc hôm 9.8 khiến nhiều người rất quan tâm...

Phải nói rằng, 6 tháng vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Song nếu so với Thái Lan và ngay cả với Lào và Campuchia cạnh ta, con số tăng trưởng vẫn thua họ. Một trong nhiều nguyên do là còn khá nhiều rào cản, ví dụ như với Hà Nội chúng ta giới nghiêm lúc 24 giờ là hơi sớm so với các nước. Phải chăng đây chính là điều mà Chủ tịch Hà Nội đã cảm nhận được khi bản thân ông đã trải qua 2 vai trò lãnh đạo, trước là công an, nay quản lý tất cả các mặt, trong đó có kinh tế, du lịch của thủ đô?

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi tướng công an đề nghị nới lệnh giới nghiêm