Dù năm 2016 mới trôi qua được gần 3 tháng, nhưng có lẽ đã có thể nhận định được đâu là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong toàn bộ năm nay. Đó không gì khác ngoài tình hình hạn hán và xâm mặn được đánh giá là có quy mô lớn nhất trong vòng 100 năm qua đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Khi Trung Quốc coi sông Mekong là con bài với láng giềng

28/03/2016, 15:20

Dù năm 2016 mới trôi qua được gần 3 tháng, nhưng có lẽ đã có thể nhận định được đâu là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong toàn bộ năm nay. Đó không gì khác ngoài tình hình hạn hán và xâm mặn được đánh giá là có quy mô lớn nhất trong vòng 100 năm qua đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tình trạng nguy kịch của sản xuất nông nghiệp tại khu vực được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong quý I chỉ đạt mức 5,46% - thấp hơn nhiều so với dự kiến. Và thậm chí nó còn có thể kéo tụt tăng trưởng GDP của cả năm từ mức 6,7-6,9% xuống còn 5,45%. Sự kiện bi thảm và đang tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam này một phần là do thiên tai, nhưng phần lớn lại đến từ “nhân tai”, khi mà Trung Quốc đang ngày càng xiết chặt thòng lọng vào dòng sông Mekong và vào chính Việt Nam.
Tình trạng hạn hán và xâm mặn kỷ lục hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, khi đã có tới 8/13 tỉnh thành đã phải tuyên bố tình trạng thiên tai, như nhiều phương tiện đã đưa tin, bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chủ đạo: sự biến đổi khí hậu do hiện tượng El Nino dẫn đến lượng mưa sụt giảm, và việc dòng Mekong bị các con đập trên thượng nguồn chủ yếu là ở Trung Quốc chặn dòng khiến cho lượng nước ở hạ nguồn bị sụt giảm nghiêm trọng.
Cùng với tác động của El Nino khiến lượng nước mưa trung bình đã giảm khoảng 40%, hàng loạt các con đập chặn dòng Mekong từ thượng nguồn của Trung Quốc cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm cho đợt thiên tai được đánh giá là khủng khiếp nhất trong vòng 100 năm qua tại Thái Lan, Lào, Campuchia và nhất là Việt Nam – quốc gia ở hạ nguồn và phải hứng chịu nhiều tác động nhất.

Ấy vậy mà, trong hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ nhất, cũng như trong bản tuyên bố của thủ tướng Trung Quốc là Lý Khắc Cường trên hãng thông tấn Tân Hoa Xã về vấn đề khắc phục các hậu quả do thiên tai ở hạ nguồn Mekong, nội dung các giải pháp mà Trung Quốc – nước phải chịu phần lớn trách nhiệm – đưa ra lại gần như cực kỳ hạn chế. Thay vì đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng khan hiếm nước tại các quốc gia hạ nguồn sông Mekong do các con đập khổng lồ của Trung Quốc gây ra, thì Bắc Kinh lại hô hào bỏ tiền vào hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các nước trong vùng với khoản cho vay hứa hẹn 11,5 tỉ USD. Đây vốn là điều mà Trung Quốc đang nhắm đến thông qua dự án Con đường Tơ lụa mà nước này đề xuất từ lâu. Nó đang cho thấy, Trung Quốc không thực sự chủ tâm hỗ trợ các nước xử lý hậu quả do chính nước này gây ra, mà chỉ đang mượn cớ thu lợi riêng theo cách của mình mà thôi.

Đề xuất duy nhất về danh nghĩa có hiệu quả thực tế của Trung Quốc là đề xuất thành lập một trung tâm hợp tác tài nguyên nước và môi trường nhằm thúc đẩy trao đổi công nghệ, nguồn nhân lực và thông tin. Tuy nhiên, tác dụng trên thực tế của đề xuất này là cực kỳ đáng ngờ. Về lý thuyết, đề xuất này có vẻ như lời đề nghị hợp tác giữa các nước có chung dòng Mekong chảy qua để điều tiết lượng nước của dòng sông này một cách hiệu quả nhất. Nhưng thực tế là chính Trung Quốc đã từ chối tham gia vào Ủy hội sông Mekong bao gồm các quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam được thành lập từ năm 1995 nhằm hợp tác để điều tiết dòng chảy một cách hài hòa nhất với lợi ích của tất cả các quốc gia.
Bằng việc từ chối tham gia Ủy hội nhằm , Trung Quốc đã gây ra tình trạng mất cân bằng lưu lượng nước vốn là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng hạn hán lớn hiện nay. Và đến thời điểm này, nước này vẫn đang tiếp tục từ chối tham gia, thay vào đó lại dựng nên đề xuất thành lập trung tâm hợp tác rất mơ hồ, và do Trung Quốc cầm đầu. Nếu Trung Quốc thực sự có thiện chí muốn cùng các nước ở hạ nguồn cùng nhau hợp tác điều tiết dòng chảy theo cách có lợi nhất cho tất cả, thì nước này chỉ cần gia nhập Hiệp hội các quốc gia sông Mekong là xong. Nhưng lại một lần nữa Trung Quốc đã không làm thế.

Có thể thấy, tất cả những gì Trung Quốc đang làm là không thực chất và nước này chỉ đang tiếp tục siết chặt hơn chiếc thòng lọng vào cổ các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong. Giờ đây, để xử lý các hậu quả trầm trọng do các con đập của Trung Quốc gây nên, các quốc gia ở hạ nguồn sẽ phải tốn hàng tỷ USD để xây dựng các hồ chứa và các công trình thủy lợi, nếu không nó sẽ dẫn đến những thảm kịch khó lường đối với ngành nông nghiệp cũng như sự ổn định xã hội do thiếu hụt nguồn nước có thể gây ra tại các nước này.

Trong số tất cả các nước ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam đang là nước chịu tác động lớn nhất của thảm kịch này. Theo dự báo của các chuyên gia, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến những con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn không khác gì những thứ vũ khí chết người đối với Việt Nam. Khi El Nino diễn ra, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô như những gì đang diễn ra, kéo theo sự xâm mặn phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của đất nước. Còn khi El Nina diễn ra (một hiện tượng luôn song hành của El Nino có khi là diễn ra gần như cùng lúc), Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa, khi lượng mưa tăng lên trong khi nước ở thượng nguồn lại đổ về lớn hơn mọi khi do Trung Quốc xả đập để tránh nguy hiểm.

Việc tình trạng hạn hán và xâm mặn nghiêm trọng hiện nay đang đe dọa tác động quá lớn đến nền kinh tế đất nước (có thể kéo tụt tăng trưởng GDP của cả nước gần tới 1,5% mỗi năm), rõ ràng là vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam buộc phải giải quyết càng sớm càng tốt. Và chắc chắn là chúng ta không thể đặt nhiều hy vọng vào sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc, khi mà nước này đã làm ngơ trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô và chỉ xả nước khi được yêu cầu, và xả một lượng không đáng kể.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Trung Quốc coi sông Mekong là con bài với láng giềng