Philippines đã bác bỏ đề xuất cấm TikTok, nói rằng việc quản lý ứng dụng video ngắn phổ biến và các nền tảng truyền thông xã hội khác là chìa khóa để giải quyết những lo ngại về gián điệp có thể xảy ra.
Thế giới số

Khi Mỹ đe dọa cấm TikTok, Philippines quản lý để giải quyết mối lo về gián điệp

Sơn Vân 17:45 28/05/2024

Philippines đã bác bỏ đề xuất cấm TikTok, nói rằng việc quản lý ứng dụng video ngắn phổ biến và các nền tảng truyền thông xã hội khác là chìa khóa để giải quyết những lo ngại về gián điệp có thể xảy ra.

Theo trang SCMP, nhà làm luật Bienvenido Abante đã đệ trình một dự luật vào tuần trước tại Hạ viện Philippines để cấm các ứng dụng “do đối thủ nước ngoài kiểm soát”, lấy TikTok làm ví dụ.

Bienvenido Abante tuyên bố TikTok “có thể dễ dàng truyền dữ liệu thu thập được từ người dùng đến chính phủ Trung Quốc”.

Ông cho biết biện pháp được đề xuất nhằm mục đích ngăn chặn “các quốc gia đối địch nước ngoài xâm nhập vào cơ sở hạ tầng truyền thông của chúng ta, chế giễu các biện pháp an ninh mạng và tình báo của chúng ta”.

Thế nhưng, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines thông báo ủng hộ việc giám sát và quản lý các trang web mua sắm trực tuyến lẫn ứng dụng nhắn tin.

Jeffrey Ian Dy, Thứ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ quy định về OTT và các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt trong việc tuân thủ các quy tắc của chúng tôi về quyền riêng tư, an ninh mạng và bảo mật máy tính”.

OTT (over-the-top) là thuật ngữ dùng để chỉ dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người dùng cuối thông qua internet, bỏ qua các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình truyền thống như cáp, vệ tinh hay truyền hình mặt đất.

Thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), TikTok ngày càng bị giám sát chặt chẽ vì lo ngại về an ninh. Một số quốc gia gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và Pháp đã cấm ứng dụng này trên thiết bị do chính phủ cấp.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước đã ký ban hành luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi các hoạt động của TikTok tại Mỹ trong 270 ngày nếu không ứng dụng này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.

Tuy nhiên, ông Jeffrey Ian Dy cho biết việc cấm một ứng dụng sẽ là lựa chọn cuối cùng trong những trường hợp nghiêm trọng và có thể áp dụng cho tất cả nền tảng, không chỉ TikTok.

Ông nói: “Tất nhiên nếu bạn quản lý họ và họ không tuân theo bạn, thì bước tiếp theo hoặc tối đa là cấm”.

Jeffrey Ian Dy cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định với các ứng dụng nhắn tin và truyền thông xã hội để hạn chế các hành vi lừa đảo cùng thông tin sai lệch.

Vào năm 2022, Philippines đã triển khai luật đăng ký thẻ SIM để hạn chế tin nhắn rác và lừa đảo dựa trên văn bản, nhưng quy định này dường như không mang lại kết quả như mong muốn. Điển là là hàng tá thẻ SIM đã bị thu giữ trong cuộc đột kích của cảnh sát Philippines vào một công ty trò chơi trực tuyến hồi tháng 3.

“Ai đó phải đóng vai trò là người kiểm soát, hành động vì lợi ích của công chúng. Chính phủ có thể thực hiện vai trò này thông qua việc ban hành các quy định”, Jeffrey Ian Dy nói.

Ông nói thêm rằng Facebook và nền tảng nhắn tin Telegram sẽ được giám sát chặt chẽ sau khi chúng được sử dụng để bán trẻ em và dữ liệu nhạy cảm hack được từ các trang web của chính phủ, trang ABS-CBN đưa tin.

Trang web cá nhân của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr, các trang truyền thông xã hội của lực lượng cảnh sát biển và hệ thống dữ liệu hậu cần vũ khí của cảnh sát quốc gia Philippines đều được cho bị xâm phạm những tháng gần đây, khiến chính phủ phải triển khai kế hoạch 6 năm để tăng cường an ninh mạng.

Jeffrey Ian Dy cho biết việc hợp lý hóa phòng thủ kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu và hơn 200 cơ quan chính phủ Philippines sẽ được liên kết với trung tâm hoạt động an ninh mạng quốc gia để chống lại các mối đe dọa một cách hiệu quả.

khi-my-de-doa-cam-tiktok-philippines-tuyen-bo-quy-dinh-la-chia-khoa.jpg
Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines bác bỏ đề xuất cấm TikTok, nói rằng việc quản lý ứng dụng này là chìa khóa để giải quyết những lo ngại về gián điệp có thể xảy ra - Ảnh: Internet

Tại Mỹ, Bộ Tư pháp và TikTok đã yêu cầu tòa án phúc thẩm đặt ra lịch trình nhanh chóng để xem xét các thách thức pháp lý với luật mới yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trước ngày 19.1.2025 hoặc đối mặt với lệnh cấm ứng dụng này.

TikTok, ByteDance và một nhóm người sáng tạo nội dung TikTok đã tham gia cùng Bộ Tư pháp để yêu cầu Tòa án phúc thẩm Mỹ ở quận Columbia (bang Washington) ra phán quyết trước ngày 6.12.2024, để có thể yêu cầu Tòa án tối cao xem xét nếu cần thiết trước thời hạn 19.1.2025.

Hôm 14.5, một nhóm người sáng tạo TikTok đã đệ đơn kiện để ngăn chặn luật có thể cấm ứng dụng được 170 triệu người Mỹ sử dụng, nói rằng lệnh này “ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người Mỹ”.

Ngày 7.5, TikTok và công ty mẹ ByteDance đã đệ đơn kiện tương tự, cho rằng luật này vi phạm Hiến pháp Mỹ vì một số lý do, gồm cả việc vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất.

Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.

Bộ Tư pháp Mỹ và những người khởi kiện vì TikTok cho biết: “Trước số lượng lớn người dùng nền tảng TikTok, công chúng nói chung có mối quan tâm đáng kể đến việc giải quyết nhanh chóng vấn đề này”.

TikTok cho biết, với lịch trình nhanh chóng, họ tin rằng thách thức pháp lý có thể được giải quyết mà không cần phải yêu cầu tòa án ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn luật có hiệu lực trong thời gian chờ đợi phán quyết cuối cùng.

Nhà Trắng cho biết muốn thấy quyền sở hữu TikTok của người Trung Quốc chấm dứt vì lý do an ninh quốc gia, nhưng không muốn cấm ứng dụng này.

Các bên liên quan yêu cầu tòa án đưa vụ việc ra tranh luận bằng miệng càng sớm càng tốt trong lịch xét xử vụ án vào tháng 9.2024. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết có thể gửi tài liệu mật để hỗ trợ các biện minh về an ninh quốc gia một cách bí mật cho tòa án.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết luật liên quan đến TikTok “giải quyết các mối lo ngại quan trọng về an ninh quốc gia theo cách phù hợp với Tu chính án thứ nhất và các giới hạn hiến pháp khác”.

Luật cấm các cửa hàng ứng dụng như Apple App Store và Google Play Store cung cấp TikTok, đồng thời ngăn các dịch vụ lưu trữ internet hỗ trợ TikTok, trừ khi ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ.

Do nhiều nhà làm luật Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu về người Mỹ hoặc theo dõi họ bằng TikTok, dự luật đã được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo chỉ vài tuần sau khi được giới thiệu.

TikTok cũng đang tiến hành một cuộc chiến pháp lý ở Montana (Mỹ) để ngăn chặn luật của bang cấm nền tảng này.

Hôm 14.5, TikTok, người dùng ở Montana và bang này đã đồng ý tạm hoãn một vụ kiện từ công ty Trung Quốc thách thức tính hợp hiến của lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video đầu tiên trên toàn bang Montana, trong khi các vụ kiện liên bang được giải quyết.

Luật của bang Montana sẽ bị vô hiệu nếu một công ty không có trụ sở tại một quốc gia được chỉ định là đối thủ nước ngoài của Mỹ mua lại TikTok. Trước đó, luật này tạm thời bị toà án Mỹ chặn lại trước khi có hiệu lực vào ngày 1.1.2025.

Theo 4 nguồn tin của Reuters, ByteDance muốn đóng cửa TikTok thay vì bán nó nếu sử dụng hết mọi lựa chọn pháp lý nhưng không thể chống lại luật cấm nền tảng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này trên các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.

Các thuật toán mà TikTok dựa vào để vận hành được coi là cốt lõi với hoạt động tổng thể của ByteDance, điều đó sẽ khiến việc bán ứng dụng này với thuật toán rất khó xảy ra.

Reuters đưa tin TikTok chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và số người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance, vì vậy tập đoàn Trung Quốc thà đóng cửa ứng dụng này ở Mỹ trong trường hợp xấu nhất còn hơn là bán nó cho một người mua tiềm năng ở Mỹ.

Các nguồn tin của Reuters từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông. Họ cho biết việc TikTok ngừng hoạt động ở Mỹ sẽ có tác động hạn chế đến hoạt động kinh doanh của ByteDance và công ty sẽ không phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình.

ByteDance không tiết lộ công khai hiệu quả hoặc chi tiết tài chính bất kỳ đơn vị nào của mình. Các nguồn tin của Reuters cho biết ByteDance kiếm phần lớn tiền ở Trung Quốc, chủ yếu từ các ứng dụng khác, gồm cả Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc).

Theo một nguồn tin của Reuters, Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của TikTok vào năm ngoái.

Reuters đã phỏng vấn hơn nửa tá chủ ngân hàng đầu tư. Họ cho biết rất khó định giá TikTok là bao nhiêu so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Facebook của Meta Platforms và Snap, vì tình hình tài chính của TikTok không được phổ biến rộng rãi cũng như không dễ truy cập.

Theo 2 trong số 4 nguồn tin của Reuters, doanh thu năm 2023 của ByteDance đã tăng lên gần 120 tỉ USD từ mức 80 tỉ USD hồi 2022. Một trong những nguồn tin cho biết số người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) của TikTok ở Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% DAU của ByteDance trên toàn thế giới.

Ba nguồn tin tiết lộ TikTok chia sẻ các thuật toán cốt lõi tương tự với những ứng dụng nội địa của ByteDance như Douyin. Một trong số họ cho biết thuật toán của TikTok được đánh giá là tốt hơn so với các đối thủ ByteDance như Tencent và Xiaohongshu.

Theo Reuters, sẽ không thể loại bỏ TikTok khỏi các thuật toán này vì giấy phép sở hữu trí tuệ của họ được đăng ký theo ByteDance ở Trung Quốc và do đó khó tách khỏi công ty mẹ.

Hơn nữa, việc tách các thuật toán khỏi tài sản của TikTok tại Mỹ sẽ là thủ tục cực kỳ phức tạp và ByteDance khó có thể xem xét lựa chọn đó, Reuters cho biết thêm.

4 nguồn tin tiết lộ ByteDance sẽ không đồng ý bán một trong những tài sản có giá trị nhất của mình (thuật toán TikTok) cho các đối thủ cạnh tranh.

Năm 2020, chính quyền Trump tìm cách cấm TikTok và WeChat do Trung Quốc sở hữu nhưng bị tòa án ngăn chặn.

Cũng trong năm 2020, Trung Quốc đã công bố Luật Kiểm soát Xuất khẩu và văn bản cuối cùng đã mở rộng định nghĩa về “các mặt hàng bị kiểm soát” từ các dự thảo trước đó. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, việc sửa đổi đảm bảo rằng việc xuất khẩu thuật toán, mã nguồn và dữ liệu tương tự phải tuân theo quy trình phê duyệt.

Ngoài thuật toán, tài sản chính của TikTok gồm dữ liệu người dùng cũng như hoạt động và quản lý sản phẩm.

Bài liên quan
Người Trung Quốc bán hàng xuyên biên giới đối mặt tương lai u ám nếu TikTok bị cấm ở Mỹ
Điều hành một số cửa hàng sinh lời trên TikTok cho công ty thương mại điện tử Uebezz, Luo Ziyan từng khiến các nhà buôn khác ở Nghĩa Ô, trung tâm xuất khẩu phía nam Thượng Hải (Trung Quốc) phải ghen tị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Mỹ đe dọa cấm TikTok, Philippines quản lý để giải quyết mối lo về gián điệp