Trước năm 1975 ở Sài Gòn hầu như mọi người đều ít nhất một lần nghe giọng hát của Khánh Ly. Nhưng một lần đó, giọng hát Khánh Ly như một thứ “ma túy” đã làm cho người ta ghiền lúc nào không biết. Điều này có thể giải thích được hiện tượng băng đĩa của Khánh Ly tràn ngập thị trường âm nhạc Sài Gòn và cả miền Nam. Hồi ấy vào bất cứ quán cà phê nào từ bình dân đến sang trọng cũng đều nghe giọng hát Khánh Ly.

Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 1)

Một Thế Giới | 17/01/2015, 21:07

Trước năm 1975 ở Sài Gòn hầu như mọi người đều ít nhất một lần nghe giọng hát của Khánh Ly. Nhưng một lần đó, giọng hát Khánh Ly như một thứ “ma túy” đã làm cho người ta ghiền lúc nào không biết. Điều này có thể giải thích được hiện tượng băng đĩa của Khánh Ly tràn ngập thị trường âm nhạc Sài Gòn và cả miền Nam. Hồi ấy vào bất cứ quán cà phê nào từ bình dân đến sang trọng cũng đều nghe giọng hát Khánh Ly.

Ra đi và trở về 
Không chỉ ở các thành phố lớn mà địa bàn nông thôn cũng thế, có thể nói giọng ca Khánh Ly không kén người nghe, cô không chọn khán giả mà chính khán giả đã chọn cô. Họ gồm đủ thành phần, nông dân, lao động, trí thức thuộc mọi lửa tuổi, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.
Khánh Ly hát rất nhiều loại nhạc, của nhiều nhạc sĩ từ “sến sến” đến tiền chiến được cho là “sang trọng”. Nhưng hẳn không ai phủ nhận Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn thì khó có người vượt qua, dường như Khánh Ly sinh ra là để hát nhạc Trịnh Công Sơn và Trịnh Công Sơn tuy không ca sĩ để hát nhạc mình nhưng thực tế gần như Trịnh công Sơn sinh ra là để sáng tác nhạc cho Khánh Ly hát. 
Chính vì thế nên nói đến ca sĩ Khánh Ly mà không nói đến nhạc sĩ Trịnh Công sơn sẽ là một thiếu sót lớn giống như một người đi hai chân không đồng đều, bước thấp, bước cao khập khiễng. Và không ai khác, chính ca sĩ Khánh Ly đã từng nói cô và Trịnh Công Sơn như hình với bóng.
Khánh Ly rời Việt Nam định cư ở Mỹ sau năm 1975. Ở hải ngoại cô vẫn đi hát liên tục theo thời gian từ tuổi thanh xuân cho đến nay đã ở ngưỡng gần thất thập, thuộc lứa tuổi “xưa nay hiếm”. 
Nhưng giọng ca của chị vẫn không thay đổi nhiều, không khỏe, vang xa, đầy nội lực không cần cả micro như ngày xưa trên sân cỏ hội quán Văn trong sân trường đại học Văn Khoa Sài Gòn nhưng vẫn còn khá thu hút và người ta nghe Khánh Ly hát bây giờ không phải để phân biệt Khánh Ly trẻ hay già, mà chính là nghe giọng hát của kỷ niệm. 
Và kỳ thực, đó không phải là giọng ca của “một thời vang bóng” mà là giọng ca đang tiếp diễn…vẫn có ma lực làm cho người nghe “say” và “ghiền” giống như Một thứ hương thơm, một thứ mùi vị rất quen thuộc của người tình xưa bỗng hiện về sau những tháng năm xa cách.
Thời gian gần đây ca sĩ Khánh Ly đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn ký quyết định cho phép về Việt Nam biểu diễn. Đây là một tin vui không chỉ cho ca sĩ Khánh Ly mà cho cả khán thính giả ở quê nhà đã từng hâm mộ giọng ca rất đặc biệt, không lẫn lộn của nữ ca sĩ này. Khánh Ly đã và đang về Việt Nam thường xuyên hơn để thực hiện những chương trình riêng do công ty Đồng Dao tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và tới đây ở Bình Dương.
Con chim sơn ca ở thành phố sương mù
Ca sĩ Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6-3-1945 là người gốc miền Bắc. Vào năm 1954, khi đó cô bé Lệ Mai mới 9 tuổi, do có năng khiếu ca hát bẩm sinh đã được gia đình cho tham dự một cuộc thi tuyển lựa “ca sĩ nhí” ở Hà Nội. Cô bé 9 tuổi Lệ Mai lần đầu tiên bước lên một sân khấu lớn, phía dưới rất đông khán giả nhưng vẫn không run sợ mà vẫn mạnh dạn cất cao giọng hát chưa qua trường lớp đào tạo nào, vẫn còn nguyên chất trẻ con, hồn nhiên, trong sáng mà cô bé đã học lóm được từ băng nhạc phát ra tại các cửa hàng trên phố Hàng Bông. Lệ Mai hát bài “Thơ Ngây” để dự thi và… không được giải gì cả, khi đó gia đình và bé Lệ Mai đi thi chủ yếu vui là chính.
Sau cuộc thi, Lệ Mai theo gia đình di cư vào Nam và tới TP. Đà Lạt sinh sống. Năm 1956, Lệ Mai được 11 tuổi vừa xong bậc tiểu học, nhưng với ước mơ được lên sân khấu thể hiện giọng hát thiên phú của mình, một lần nữa gia đình lại động viên, khuyến khích cô con gái sớm mê nghề ca hát này tham dự cuộc tuyển lựa “tiếng hát nhi đồng” do đài phát thanh Pháp-Á tổ chức tại rạp Norodom ở Sài Gòn. 
Cô bé Lệ Mai được gia đình gửi đi nhờ xe hàng chở rau cải về Sài gòn để ghi danh dự thi. Lần này Lệ Mai hát bài “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy và chiếm giải nhì, năm đó thần đồng Quốc Thắng chiếm giải nhất. thế là ước mơ của cô bé 11 tuổi với giấc mộng ca sĩ đã trở thành sự thật.
Khi bước lên bậc Trung học Thổ thông, ở tuổi mới lớn, cô nữ sinh Lệ Mai đã nổi tiếng trong trường với giọng ca khá đặc biệt của mình, một giọng ca khàn đục, ngọt ngào như xoáy vào tận tâm can người nghe. Thế là năm 1962, lúc đó vừa 17 tuổi Lệ Mai quyết định rời Đà Lạt về Sài Gòn thực hiện giấc mơ của mình. 
Không giống như một số ca sĩ cùng trang lứa, được đào tạo qua các lò luyện ca sĩ thời bấy giờ, với giọng ca đã được khẳng định, Lệ Mai bước thẳng lên sân khấu của phòng trà Anh Vũ , một phòng trà nổi tiếng của thế giới giải trí về đêm lúc bấy giờ nằm trên đường Bùi Viện, Sài Gòn và lập tức thu hút sự chú ý của khán thính giả trẻ lẫn tuổi trung niên.
Phòng trà Anh Vũ lúc đó đã có những giọng ca nổi tiếng khác, cùng trang lứa như: Lệ Thu, Minh Hiếu, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Phương Dung… nhưng giọng hát Lệ Mai vẫn nổi bật lên trong hàng ngũ những “giọng ca vàng” thời đó.
Nhưng dù đất Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn đông” lúc ấy có đủ điều kiện để giọng ca Lệ Mai cất lên và con đường danh vọng trải bằng thảm hoa hồng nhưng con chim sơn ca của núi rừng Đà Lạt vẫn không quên mặt nước hồ Xuân Hương mờ ảo trong sương sớm, những đồi thông bạt ngàn, những ngôi nhà có mimosa vàng và những con phố thoải dốc đầy một màu hoa dại, trong đó có loài hoa trâm ổi ngũ sắc đưa hương thơm tới tận những bước chân lang thang khi dạo phố buổi chiều. 
Nhớ quá Đà Lạt của một thời thiếu nữ nhiều ước mơ và lãng mạn, thế là nhân có lời mời của một Night Club mới khai trương ở thành phố sương mù, Lệ Mai quyết định rời sân khấu phòng trà Anh Vũ, bỏ Sài Gòn ở lại sau lưng quay về Đà Lạt hát ở Night Club này với cương vị ca sĩ chính. Đó là vào cuối năm 1962.
Cuộc gặp định mệnh với nhạc sĩ họ Trịnh
Chính ở câu lạc bộ ca nhạc này, 2 năm sau đó, tức là vào năm 1964, ông thầy giáo, và là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bỏ dạy học ở Bảo Lộc làm một cuộc lãng du lên Đà Lạt tới Night Club uống cà phê vào một đêm mưa gió đầy trời Đà Lạt, nghe cô ca sĩ có chất giọng khàn đục, đặc trưng và… gây nghiện như “ma túy” này hát đã “kết mô đen” Lệ Mai và làm quen. Hai người nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết như đã quen nhau từ kiếp trước. Lúc ấy chàng nhạc sĩ họ Trịnh chưa nổi tiếng, chỉ mới có vài bản nhạc đầu tay như “Ước Mi”, “Thương một người”, “Diễm xưa”… và rất nghèo. Khi tình bạn đã trở nên gắn bó, Trịnh Công Sơn mở lời mời Khánh Ly về Sài Gòn đi hát với anh và họ đã trở thành thành một cặp đôi “hoàn hảo”, người đàn, người hát, thỉnh thoảng phụ họa hay song ca. 
Đây là mô hình ca nhạc của thập niên 1960 trở về sau mà người sành điệu thưởng thức ca nhạc Sài Gòn thường thấy như: Trầm Tử Thiêng-Thanh Lan, Lê Uyên-Phương, Từ Dung-Từ Công Phụng… và họ đã trở thành những “cặp đôi hát” rất máu lửa làm say mê giới sinh viên, học sinh một thời.
Trước lời đề nghị tha thiết của Trịnh Công Sơn, ca sĩ Lệ Mai khéo léo từ chối vì con chim sơn ca của núi đồi Đà Lạt không thể dứt áo bỏ Đà Lạt ra đi một lần nữa bởi thành phố sương mù này có quá nhiều kỷ niệm với cô. Lệ Mai có cả một thời thơ ấu ở đây, và bây giờ là một thời con gái với những bước chân in đậm trên những dốc hoa vàng khi mùa dã quỳ nở rộ. 
Thành phố này không chỉ đẹp, lãng mạn mà còn cho cô ca sĩ những phút giây bình yên sau những đêm đi hát chứ không như Sài Gòn lúc nào cũng nhộn nhịp, đua chen đến khó thở và thường làm cho người ta phải mất ngủ. Nhưng đã là định mệnh thì không thể khác được, không gặp lúc này cũng gặp lúc khác.
 Và vào năm 1967, trong một dịp về lại Sài Gòn, ca sĩ Lệ Mai tình cờ gặp nhạc sĩ họ Trịnh lang thang trên phố trong lúc Lệ Mai cũng đang đi dạo phố. Họ gặp nhau trên đường Lê Thánh Tôn vào một buổi chiều nắng đẹp và êm ã rất hiếm hoi của Sài Gòn. Lúc đó Trịnh Công Sơn là một trong những thành viên sáng lập ra Hội quán Văn, gọi tắt là quán Văn.
Quán Văn, tất nhiên được hiểu là nơi sinh hoạt văn nghệ có bán cà phê dành cho mọi người, nhưng đông nhất vẫn là cánh học sinh-sinh viên, văn nghệ sĩ thành phố. Quán nằm sau lưng Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ngay góc đường Lê Thánh Tôn-Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) Q1. 
Quán được hình thành bởi sáng kiến của một nhóm anh em, bằng hữu gồm: Hà Tường Cát, Phan Văn Phùng, Phạm Phú Minh là những người phụ trách Chương trình phát triển sinh hoạt thanh niên học đường (CPS) một tổ chức quy tụ thanh niên, sinh viên, học sinh có tinh thần phụng sự xã hội, nên được Bộ Giáo dục chế độ cũ giao cho quản lý luôn khu đất trống đầy cỏ dại nằm phía sau lưng Trường đại học Văn Khoa mới vừa xây xong. 
Và chính Phạm Phú Minh là người có sáng kiến thành lập Hội quán Văn, biến khu đất trống đầy cỏ dại này thành nơi sinh hoạt cho thanh niên mà quán cà phê Văn làm nòng cốt.
Lúc ấy Hoàng Xuân Sơn được giao nhiệm vụ coi sóc quán Văn, trong nhóm CPS này gồm có: anh em Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang, Nguyễn Huỳnh, Ngô Vương Toại, Cao Sơn, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn… Họ gắn bó, sinh hoạt với nhau như anh em một nhà, cùng xây dựng quán Văn và thường ăn ngủ tại đó. Trịnh Công Sơn là bằng hữu của nhóm này và sau những ngày tháng lãng du, chàng nhạc sĩ họ Trịnh đã về “đóng đô” tại đây, nghiễm nhiên được xem là một thành viên sáng lập quán Văn.
Để có kinh phí “nuôi quân”, quán Văn bán cà phê phục vụ sinh viên học sinh và khách vãn lai. Vào mỗi tối cuối tuần thứ bảy, chủ nhật có sân khấu để trình diễn văn nghệ. Nói sân khấu chứ thật ra chỉ là một bãi cỏ trong khoảng sân rộng trước quán cà phê Văn. Người viết còn nhớ quán Văn xây dựng rất sơ sài, mái lợp tôn, vách bằng cót ép, bàn ghế thấp, trang trí cũng rất văn nghệ. 
Vị trí đẹp nhất của quán là quầy thu tiền có cô thu ngân xin đẹp Nhuệ Giang mặc áo dài màu vàng ngồi trên ghế cao, trước mặt luôn có một bình hoa màu tím được thay hàng đêm, nhưng dù hoa gì cũng duy nhất một màu tím. 
Cô thủ quỹ xinh đẹp này có rất đông anh chàng tới uống cà phê để “trồng cây si”, trong số đó có nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (đã mất), tác giả của những tập truyện ngắn nổi tiếng như “Cô bé treo mùng”, “Thư về đường Sơn Cúc”… và chính Nhuệ Giang là nhân vật trong truyện ngắn “Ở một nơi ai cũng quan nhau” lấy bối cảnh từ quán cà phê Văn khá dễ thương của Hoàng Ngọc Tuấn.
(còn tiếp)
Nhà văn Từ Kế Tường 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 1)