Ngành y tế cần đưa ra những lời giải thích rõ ràng về các trường hợp tử vong sau khi tiêm Quinvaxem và có những hành động thiết thực để lấy lại niềm tin từ người dân vào chất lượng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Khan hiếm vắc xin thể hiện sự yếu kém, thiếu minh bạch của ngành y tế

Một Thế Giới | 29/12/2015, 14:06

Ngành y tế cần đưa ra những lời giải thích rõ ràng về các trường hợp tử vong sau khi tiêm Quinvaxem và có những hành động thiết thực để lấy lại niềm tin từ người dân vào chất lượng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Một Thế Giới về việc người dân lo ngại khi vắc xin dịch vụ Pentaxim ngày càng khan hiếm mà vắc xin Quinvaxem lại khá nhiều rủi ro, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) đã chỉ ra những vấn đề còn nhức nhối trong ngành y tế hiện nay.
Chào ông, là một chuyên gia trong ngành y tế, ông có suy nghĩ gì khi thấy người dân quay lưng lại với chương trình tiêm chủng mở rộng mà chỉ tin tưởng vào các loại vắc xin dịch vụ?
Ông Nguyễn Trọng An: Trong suốt 30 năm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên toàn quốc, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là điểm sáng về tiêm chủng, sớm đạt mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm miễn phí 11 loại vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ.
Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, tác động của thông tin về phản ứng sau tiêm chủng, nhất là sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng và lòng tin của người dân đối với công tác tiêm chủng. Đa số người dân mất niềm tin vào vắc xin Quinvaxem toàn tế bào, cụ thể là mất niềm tin vào TCMR. Hơn 40 trẻ bị tử vong có liên quan đến vắc xin Quinvaxem khiến người dân lo ngại về chất lượng của loại vắc xin này.
Dù thế nào, phụ huynh vẫn đặt sự an toàn của con em mình lên trên hết, cho dù ngành y tế có giải thích đó là an toàn, có trích dẫn lời nói của Tổ chức Y tế thế giới đi chăng nữa thì việc nhìn nhận thực tế các trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin khiến các phụ huynh nghi ngờ là hoàn toàn có thật. 
vac xin, dich vu, tiem vac xin, Quinvaxem, Pentaxim, khan hiem
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH).
Họ mong chờ một sản phẩm tốt hơn, chính vì thế khi ngành y tế đưa ra tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim thì các bậc phụ huynh đã tìm mọi cách để con em mình được tiêm những mũi thuốc đó. Mặc dù đắt đỏ, khó khăn hay tốn kém, nhưng ít nhất họ không phải nhìn thấy cảnh tượng con em họ bỗng nhiên "đột tử".
Vậy theo ông, tại sao nhu cầu về vắc xin dịch vụ của người dân lại cao đến như vậy trong thời điểm này?
Vấn đề thứ nhất, chúng ta không có bằng chứng trong việc liệu có hay không lợi ích nhóm của tình trạng khan hiếm vắc xin, nhưng có thể nhìn thấy rõ trên thế giới có nhiều loại vắc xin nhưng tại sao ở Việt Nam lại chỉ nhập có vài loại. Dù ngành y tế đã lý giải rằng, nhập như vậy để giảm chi phí hay là do Tổ chức Y tế thế giới viện trợ (nhưng theo tôi biết là họ viện trợ bằng vắc xin chứ không phải bằng số tiền 38,5 triệu USD), rồi Hàn Quốc sản xuất, hỗ trợ chi phí... nhưng cũng có thể nhìn thấy vấn đề nổi cộm này.
Vấn đề thứ hai là tại sao chúng ta không có kế hoạch lựa chọn vắc xin để sử dụng cho trẻ em, cho chính con em chúng ta?
Vấn đề thứ ba đó chính là sự thiếu minh bạch, không có kế hoạch, yếu kém về quản lý của ngành y tế khi để xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin. Bộ Y tế vừa cho phép tiêm chủng dịch vụ lại vừa phổ biến tiêm chủng mở rộng một cách rộng rãi. Rõ ràng là có sự lẫn lộn khi cho phép song song 2 hệ thống tiêm chủng.
Ngay tại điểm tiêm chủng ở 182 Lương Thế Vinh là ví dụ điển hình. Nơi đó rõ ràng là một trung tâm nghiên cứu về vắc xin, nhiệm vụ của họ là nghiên cứu về vắc xin để người dân nhìn thấy nó an toàn hay không? Đúng sai điểm nào? Nhưng chính trung tâm này lại đi... nhận tiêm vắc xin dịch vụ dẫn đến tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy nhau để mong có được một mũi tiêm cho con em mình.
Phụ huynh mất niềm tin vào vắc xin miễn phí; nhiều người dân nghi ngại việc nhập khẩu, phân phối loại vắc xin này đang gây ra sự độc quyền dẫn đến việc khan hiếm nguồn vắc xin trong thời gian qua. Ngành y tế không đáp ứng được, nhiều gia đình đã đưa con đi nước ngoài với hy vọng có thể tiêm được cho con mình vắc xin dịch vụ, tránh những tai biến không đáng có có thể xảy ra với con em mình. Đó là lẽ tất yếu.
Vậy theo ông, ngành y tế cần phải làm gì để giảm bớt sự lo lắng của phụ huynh cũng như không còn trình trạng khan hiếm vắc xin, để trẻ em được hưởng tối đa nhất quyền lợi của mình?
Thực ra không thể phủ nhận TCMR trong 30 năm qua đã giúp hơn 30 triệu trẻ thoát khỏi các bệnh nguy hiểm như bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván... Tuy nhiên, việc xảy ra tình trạng như báo cáo của ngành y tế khi có 40 em bé tử vong là do "đột tử trẻ sơ sinh" đó là sự đổ lỗi trong bế tắc của ngành y tế. Một luận điệu không thể tin được nếu như ai đó có nghiên cứu rõ ràng về khoa học. Những người nghiên cứu về vắc xin cho trẻ em lại nói trẻ em không chết vì vắc xin là không đúng, ngụy khoa học.
Người dân không được học hành cao như các bác sĩ, các giáo sư, các nhà nghiên cứu, nhưng họ thấy rõ ràng, sau khi tiêm vắc xin xong, con họ đã chết. Dù có giải thích gì đi chăng nữa cũng nhìn thấy việc trước mắt - quyền sống của trẻ em mới là quan trọng. Vắc xin nếu đã nguy hiểm đối với mạng sống của trẻ em thì phải dừng lại ngay. Còn về vấn đề giải thích thì chúng ta đều có thể hiểu rằng trong quá trình vận chuyển, bảo quản vắc xin hay lúc tiêm, chỉ cần một chút sai sót cũng có thể dẫn đến tình trạng hỏng vắc xin.
Lý giải như Bộ Y tế khi con cái họ đang khỏe mạnh, sau khi tiêm tử vong thì nói là "đột tử trẻ sơ sinh" thì người dân nghi ngờ, quay lưng với TCMR cũng là điều dễ hiểu. Phụ huynh sẽ tìm mọi cách để tránh rủi ro cho con em mình như tiêm từng mũi đơn lẻ hay tìm những loại vắc xin dịch vụ an toàn hơn.
Và tôi cũng xin nhắc lại, không có một nước nào trên thế giới lại cho phép tiêm song song 2 hệ thống tiêm phòng, lẫn lộn giữa công và tư như ở nước ta. Mọi hệ thống tiêm phòng cho trẻ em phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngành y tế đã lúng túng, không xác định, không tính toán được giữa cung vượt quá cầu nên đã để xảy ra tình trạng hỗn loạn. 
Ngành y tế cần thống nhất giữa hệ thống tiêm chủng một cách an toàn nhất cho trẻ em, để cho phụ huynh tiếp cận dịch vụ y tế theo đúng luật chăm sóc sức khỏe nhân dân, ghi danh bằng sổ, tạo cơ hội tốt nhất để phục vụ trẻ em. Sự yếu kém của ngành y tế đến đây, có lẽ cũng đã vượt quá sự đánh giá rồi.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Minh Khuê
Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khan hiếm vắc xin thể hiện sự yếu kém, thiếu minh bạch của ngành y tế