Lần theo trục xoay chuyển của thời gian, đi qua các mùa để tiếp cận Nhật Bản, tập du kí của Nguyễn Chí Linh không chỉ đưa người đọc đến với những địa danh nổi tiếng mà còn đào sâu vào lịch sử, văn hóa để kể cho người đọc câu chuyện của một đất nước. Kèm theo đó, là lời giải cho câu hỏi chung của rất nhiều người: Vì sao nước Nhật, người Nhật lại được cả thế giới kính trọng?

Khám phá nước Nhật - Bài 1: Chất men say của 'Chủ nghĩa bản thân'

04/02/2019, 08:39

Lần theo trục xoay chuyển của thời gian, đi qua các mùa để tiếp cận Nhật Bản, tập du kí của Nguyễn Chí Linh không chỉ đưa người đọc đến với những địa danh nổi tiếng mà còn đào sâu vào lịch sử, văn hóa để kể cho người đọc câu chuyện của một đất nước. Kèm theo đó, là lời giải cho câu hỏi chung của rất nhiều người: Vì sao nước Nhật, người Nhật lại được cả thế giới kính trọng?

Mỗi khi sang Việt Nam vào những ngày cuối năm, Fujita thường mua một cặp rượu Sake trong đó một chai để tặng tôi và một chai để hai anh em chén thù chén tạc trong ngày Noel lạnh giá.

Fujita cho biết người Nhật ngày nay không thích uống rượu Sake bởi cho rằng hương vị của nó quá nhạt nhẽo nên họ thường dùng bia hoặc các loại rượu Whisky có vị đậm đà hơn. Cuộc sống vốn quá muộn phiền, đầy lo âu nên người ta muốn quên đi những thứ không cần nhớ. Uống rượu Sake biết đến bao giờ mới xỉn mà ngủ cho quên? Vậy nên rượu Sake chỉ được những người có tuổi ở các vùng nông thôn ưa chuộng khi mang đến cảm giác lâng lâng vừa ủ. Và nó cũng là thứ không thể thiếu trong mâm lễ cúng bái tổ tiên.

Một ai đó đã nói với tôi, khi say người ta sẽ nói thật mọi điều đang chất chứa trong lòng và ngà ngà trong hương rượu Sake, Fujita đã tâm sự một cách thành thật. Dù là nền kinh tế lớn trên thế giới, có xu hướng cởi mở nhưng những gì tồn tại trong lòng nước Nhật vẫn là một văn hóa phương Đông xen lẫn với những tàn dư phong kiến còn sót lại. Fujita vô cùng khó chịu trước những câu hỏi của đồng nghiệp trong bữa tiệc tất niên cuối năm: “Bao giờ cho chúng tôi nâng rượu chúc mừng?”. Và trong những ngày trở về nhà thăm cha mẹ ngày Tết, bao giờ Fujita cũng nhận được tiếng thở dài của ấng sinh thành: “Con nhà người ta như thế này, thế nọ…”. Cách tốt nhất để tránh những lời dị nghị, đàm tiếu đó là sắp xếp đi công tác bởi trong dịp đó.

Đi công tác còn là cách để Fujita chứng minh với các sếp rằng anh là người có tinh thần cầu tiến, mê việc hơn mọi thứ khác. Trong nền kinh tế mở, người Nhật sống thực dụng hơn khi nhận ra rằng “tiền có thể giải quyết mọi vấn đề”, chưa kể việc sống quá lâu trong thời Nhật hoàng khiến các cô gái Nhật trở nên “khác lạ” hơn trong thời đại mới. Trước mắt, Fujita cần được các sếp đánh giá là người được việc để cân nhắc lên một vị trí mới mà quyền lợi sẽ được theo cùng. Bên cạnh đó, nếu muốn được bạn gái yêu chân thành và đi đến một kết thúc đẹp, Fujita cần phải áp ứng một số tiêu chí nhất định. Các cô gái Nhật ngày nay sống rất thực dụng và họ chỉ nhắm đến các anh Tây hơn là quan tâm đến người bản địa bởi họ nhận ra rằng, các chàng trai Nhật vẫn còn khá nặng tư tưởng gia trưởng, độc tài, trọng nam khinh nữ,…

Các cô gái Nhật yêu chuộng “chủ nghĩa bản thân” bằng việc đi du lịch, mua sắm những món hàng hiệu xa xỉ, làm đẹp,… hơn là trách nhiệm làm vợ làm mẹ vun vén cho gia đình. Họ thích những mối tình chóng vánh hơn là sự gắn bó bền lâu để rồi cuộc sống thêm phần phức tạp do cãi vã vì bất đồng quan điểm. Những bãi biển nổi tiếng trên thế giới đều lưu lại dấu chân của các cô gái Nhật thượng lưu tận hưởng cuộc sống. Việc đàn ông Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia,… phải chọn vợ từ các quốc gia khác phần nào phản ánh khía cạnh hiện thực của xã hội khi tất cả các quốc gia đều lao vào nền kinh tế mở. Chi phí cho một đám cưới ở Nhật ít nhất là 50.000 USD - một khoản tiền không nhỏ chút nào. Việc cực nhọc mưu sinh đi cùng với những điều kiện “cần có” của đôi bên khiến lớp trẻ Nhật không thích lập gia đình dẫn đến dân số ngày càng già đi, quỹ phúc lợi xã hội của đất nước ngày càng thâm hụt do không có sự tái tạo. Fujita thích được bay vòng với điểm quá cảnh ở Bangkok và đến Sài Gòn lúc tối mịt thay vì chọn những chuyến bay thẳng bởi tiếp viên hàng không quốc gia Nhật Bản vốn ít chiều chuộng hành khách trong nước.

Ngày đó, thủ tục visa du lịch vào Nhật rất phức tạp bởi xứ Phù Tang chỉ ưu ái cho những ai đến với mục đích kinh tế, nào là phải có thư mời, sự xác nhận của Bộ Nội vụ Nhật Bản về hiện trạng kinh tế của công ty hay tập đoàn đó, lịch trình những ngày ở Nhật, rồi công ty Việt Nam phải trình hợp đồng mua bán với đối tác Nhật, tính hợp pháp của công ty Việt Nam bằng văn bản pháp lý, quyết định đi công tác theo thư mời,…

Không chỉ giúp tôi có visa vào Nhật, anh bạn Tsubota trẻ tuổi xuất hiện với tính cách mà tôi cho rằng khá hợp với mình trong thời tuổi trẻ sôi nổi. Tsubota là người thay thế Fujita để phụ trách thị trường Việt Nam trước khi chuyển đến thị trường châu Đại dương gồm Úc và New Zealand. Tsubota có tất cả những gì người khác mơ ước: con nhà giàu, học hành tử tế, cao ráo đẹp trai, thông minh,… Nhưng có lẽ tôi thích sự dí dỏm, hài hước một cách trẻ con của Tsubota để những chặng di chuyển đường xa ầy ắp tiếng cười thay cho những cái ngáp dài mệt mỏi và buồn ngủ. Ngày đầu gặp nhau công tác, Tsubota có chút ngại ngùng khi biết tôi biết nói tiếng Nhật và cũng thuộc dạng… thông minh không kém gì anh.

Cũng giống như Fujita, Tsubota vẫn cùng tôi rong ruổi trên những nẻo đường miền Tây khi gió đông se lạnh tràn về. Không còn những chai rượu Sake, thay vào đó là những chiếc bánh gạo dẻo truyền thống của nước Nhật để tôi và Tsubota đối ẩm trong ngày Noel. Chơi với Tsubota, tôi chợt nhận ra rằng kết luận của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hành vi con người thật đúng: người thông minh thường là người hài hước. Tsubota nhập cuộc rất nhanh khi phán đoán một vấn đề và cách anh diễn trò thường làm tôi cười ra nước mắt. Biểu cảm trẻ con của anh khi kể lại những điều từng nhìn thấy qua các vùng đất khác nhau khiến tôi thích thú đến bất ngờ. Anh luôn chốt hạ câu cuối cùng khi thấy vẻ nghi ngờ trên khuôn mặt tôi: “Không tin à, sau này đi qua vùng đất đó thì biết!”.

Một lần, Tsubota hỏi tôi: “Linh bắt đầu đi từ lúc nào? Tại sao Linh phải đi và thu hoạch được những gì sau chuyến đi ấy?”. Tôi hỏi lại: “Thế Tsubota có thích đi vòng quanh thế giới không và nếu có thì mục đích của những chuyến đi là gì?”. “Được ngắm nhìn hay sờ vào những cảnh vật mà mình chỉ được nhìn thấy qua hình ảnh là trải nghiệm ‘rất đã’. Những chuyến đi giúp mình thư giãn, để cho đầu óc... trống rỗng sau một núi công việc bộn bề. Sau những chuyến đi ấy, tôi có thể hiểu thêm được văn hóa các nước để rồi ‘nhập gia tùy tục’ khi các tập đoàn kinh tế Nhật Bản có mặt khắp nơi”, Tsubota chia sẻ.

Tôi kể lại mơ ước một lần được đặt chân đến xứ Phù Tang và Tsubota đã giúp tôi thực hiện nó bằng việc viết thư mời bảo lãnh với tư cách cá nhân bởi anh sinh ra trong một gia đình khá giả. Tôi ghẹo Tsubota trong lúc làm thủ tục visa: “An tâm nhé bạn hiền, tôi không trốn ở lại đâu. Tôi chỉ muốn tận mắt nhìn thấy đất nước của bạn cũng như để hiểu tại sao người ta thường nói rằng văn hóa của đất nước Mặt trời mọc rất lạ kỳ và người Nhật thì thâm trầm, nhẹ nhàng, tinh tế đến sâu kín như vậy!”. Và Tsubota chỉ ngắn gọn phúc đáp: “Năng lực của Linh có thể ở lại Tokyo làm việc cho Nihon Nohyaku nên Tsubota không cần phải lo!”. Tôi đến Nhật lần đầu vào những ngày hoa anh đào đang bung cánh trong gió xuân mơn mởn năm 2007.

Trích sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám phá nước Nhật - Bài 1: Chất men say của 'Chủ nghĩa bản thân'