Việc du lịch khám phá những cánh đồng saffron (nghệ tây) trong mùa thu hoạch, thường bắt đầu vào đầu tháng 11, mang đến cho du khách trải nghiệm đầy mê hoặc có một không hai.
Kiến thức - Học thuật

Khám phá nghề trồng saffron đắt như vàng ở Trung Đông

Anh Tú30/12/2023 21:11

Việc du lịch khám phá những cánh đồng saffron (nghệ tây) trong mùa thu hoạch, thường bắt đầu vào đầu tháng 11, mang đến cho du khách trải nghiệm đầy mê hoặc có một không hai.

saffron.jpg
Du khách ghé thăm đồng nghệ tây

Vì sao nghệ tây quý như vàng?

Khi mặt trời ló dạng, những người nông dân trong trang phục truyền thống tỉ mỉ hái từng bông hoa nghệ tây mỏng manh, một công việc được truyền qua nhiều thế hệ. Đó là bức tranh khắc họa sự cần cù và khéo léo để trồng được loại cây quý giá được coi quý như vàng.

Người ta thường ví nhụy hoa nghệ tây là “vàng đỏ” vì để có được nguyên liệu này đòi hỏi rất nhiều công sức - cần tới 170.000 bông hoa mới sản xuất được 1kg nghệ tây.

Việc thu hoạch nghệ tây không chỉ đơn thuần là thu thập những sợi nhụy mỏng manh; đó là sự tôn vinh đất nước, văn hóa và truyền thống. Bầu không khí tràn ngập âm nhạc truyền thống, kèm theo tiếng cười nói mọi người, tạo nên một khung cảnh vui tươi, ấm áp, thân thiện.

Nghệ tây của Iran, một sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, có chất lượng vượt trội và được xuất khẩu sang 1/3 các quốc gia trên thế giới, mang lại cho nó những danh hiệu như “bông hoa của sức khỏe”, “vua của các loại gia vị” và nghe sang hơn cả là “vàng đỏ”.

Được đánh giá cao trong ẩm thực Ba Tư nhờ mùi thơm, màu sắc và hương vị đặc biệt, loại “vàng đỏ” từ Iran này đã có mặt ở 65 quốc gia trên thế giới. Năm điểm đến hàng đầu của nghệ tây Iran hiện nay gồm Trung Quốc, UAE, Tây Ban Nha, Qatar và Afghanistan.

Theo các nhà cung cấp, giá nghệ tây đã tăng gấp đôi kể từ năm ngoái, lên tới 1.400 USD/kg tại thị trường nội địa Iran và lên tới 1.800 USD/kg ở thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, nghệ tây còn được sử dụng như một chất tạo màu tự nhiên được phép sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Riêng ở Iran, đó là truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước khi nghệ tây đã được sử dụng trong các món ăn và đồ ngọt để đãi khách quý.

Công dụng kép của nghệ tây

Nghệ tây rất được coi trọng trong văn hóa Ba Tư bởi vì nó không chỉ có vị trí trong nền ẩm thực mà còn cả trong y học (giúp cho cả thể chất lẫn tinh thần). Các chuyên gia địa phương luôn sẵn sàng kể lại những câu chuyện về lịch sử và công dụng chữa bệnh của nghệ tây, tiết lộ tác dụng của nó trong các bài thuốc dân gian và tiềm năng của nó trong việc nâng cao sức khỏe.

Loại thảo mộc quý giá này được người Iran giới thiệu có đặc tính phòng ngừa các bệnh như bệnh Alzheimer và Parkinson, đồng thời điều trị nhiều tình trạng khác nhau, gồm cả cảm lạnh, viêm gan, tiểu đường và các vấn đề về tiêu hóa.

Các bác sĩ nổi tiếng người Iran như Zakaria Raazi, Abu Ali Sina và Abu Reyhan Birooni đã sử dụng nghệ tây cho mục đích y học, một truyền thống đã tồn tại trong nhiều thế kỷ

Ngày nay, nghệ tây còn được phát hiện thêm có tác dụng giải độc gan và thận, thanh lọc máu, hỗ trợ chữa lành vết thương và đóng vai trò như một chất chống oxy hóa mạnh, giàu vitamin B1, B2, B6 và C. Đặc tính chống trầm cảm của nó có liên quan đến chuyển hóa serotonin, giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và các rối loạn tâm thần khác.

Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã công nhận nghệ tây là thực phẩm an toàn có thể sử dụng với mọi độ tuổi. Với trẻ em, người nội trợ có thể sử dụng nhụy hoa nghệ tây dạng bột hoặc 1-2 sợi trong đồ ăn dặm để tạo màu sắc đẹp tự nhiên, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Vẫn cần nghe chuyên gia

Tuy nhiên, đùng một lượng lớn nghệ tây là không an toàn. Khi dùng liều cao từ 4 - 5g trở lên có thể gây ngộ độc. Lượng nghệ tây được khuyến nghị là 1,5g mỗi ngày (tiêu thụ 30mg để có kết quả tốt nhất). Quá nhiều nghệ tây (hơn 5g) có hại cho sức khỏe.

Những người bị dị ứng với các loại thực vật như các loài thực vật Lolium, Olea và Salsola phải tránh dùng nhụy hoa nghệ tây.
Phụ nữ mang thai, bệnh nhân sắp trải qua phẫu thuật không nên dùng nghệ tây. Khi mang thai, một lượng lớn nghệ tây có thể gây sảy thai do co bóp tử cung.

Người đã lên lịch phẫu thuật không nên tiêu thụ nghệ tây hoặc ngừng tiêu thụ trước 3 - 5 tuần sau khi phẫu thuật. Đó là bởi vì nó làm chậm hệ thống thần kinh trung ương, gây mê và các loại thuốc khác có thể không mang lại kết quả hiệu quả.

Tốt hơn là nên tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống.

Đối mặt với biến đổi khí hậu

Với di sản có niên đại hơn 3.000 năm, Iran tập trung những nhà sản xuất nghệ tây chất lượng nhất thế giới. Torbat-e Heydariyeh ở tỉnh Khorasan Razavi thường được ví là thủ đô sản xuất nghệ tây toàn cầu.

Ngoài các tỉnh Khorasan Razavi, Bắc Khorasan và Nam Khorasan, đóng vai trò là trung tâm chính trồng nghệ tây, các khu vực như Chaharmahal-Bakhtiari và Khuzestan cũng tham gia sản xuất. Khả năng phát triển mạnh với lượng nước tiêu thụ tối thiểu cho phép trồng nghệ tây ở nhiều vùng khác nhau.

Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất và thương mại, việc biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu nước đang có tác động mạnh mẽ đến ngành hàng này, dẫn đến sản lượng giảm đáng kể, đẩy giá loại gia vị đắt nhất thế giới lên mức cao mới.

Theo Mojtaba Payam-Asgari, người đứng đầu sàn giao dịch nghệ tây Torbat-e Jam, mùa đông thì lạnh giá, sau đó là mùa xuân khô hạn và nhiệt độ mùa hè lên tới đỉnh điểm 50 độ C đã tàn phá cây trồng. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi tất cả 2.000 giếng tại đây dùng để tưới tiêu đã cạn kiệt hoàn toàn.

Ông Ali Shariati-Moghaddam, Giám đốc điều hành của Novin Saffron, nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu của Iran, dự báo: “Tổng sản lượng dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 170 tấn từ mức gần 400 tấn vào năm ngoái”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám phá nghề trồng saffron đắt như vàng ở Trung Đông