Ngày 9.12, HĐND TP.Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Theo dòng thời sự

Khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TP.Hà Nội khóa 16

Lam Thanh 09/12/2024 13:26

Ngày 9.12, HĐND TP.Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội (TP) Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết đây là kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025; xem xét, ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để kịp thời cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh thủ đô và đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều nhiệm vụ rất quan trọng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm là đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Kỳ họp này dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày để xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 nghị quyết. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm nên có khối lượng công việc lớn, rất nhiều nội dung quan trọng, vì vậy, Thường trực HĐND TP tiếp tục đổi mới chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, bố trí nhiều thời gian thảo luận tại các tổ và hội trường; dành 1 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

tuan-1.jpg
HĐND TP.Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 20

TP.Hà Nội dự kiến cơ bản hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế xã hội; tăng trưởng GRDP dự kiến tăng 6,52%; thu ngân sách ước đạt 492.309 tỉ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng trưởng ổn định. Du lịch và lượng khách quốc tế tăng trưởng cao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt khoảng 2 tỉ USD. Công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị được đẩy nhanh tiến độ. Nông thôn mới tiếp tục đạt nhiều kết quả, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, việc cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh tiếp tục được xác định là khâu đột phá và tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa…

Về triển khai thi hành Luật Thủ đô, theo ông Tuấn, Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Thường trực HĐND TP đã thống nhất với UBND TP và ban hành Kế hoạch số 11 ngày 11.9.2024, theo đó đã rà soát 89 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND TP để cụ thể hóa các quy định của luật.

Tại kỳ họp này, HĐND TP tiếp tục xem xét 6 nội dung quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về hoạt động của Khu công nghệ cao Hòa Lạc; quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm; quy định điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Thành phố để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường …

"Đây là nhóm chính sách mới, quan trọng, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo các ban của HĐND TP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chuẩn bị nội dung và triển khai các bước thẩm tra đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để HĐND TP thảo luận và quyết định, bảo đảm hiệu lực thi hành cùng với Luật Thủ đô từ ngày 1.1.2025", ông Tuấn nhấn mạnh.

tuan-2.jpg
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn

Ông Tuấn cũng cho hay HĐND TP xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, các cơ chế, chính sách để kịp thời đảm bảo công tác điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của TP, trong đó nhiều nội dung quan trọng như: Danh mục thu hồi đất, tổng biên chế hành chính sự nghiệp; thành lập thôn, tổ dân phố; giá dịch vụ khám chữa bệnh, phí thăm quan; thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công; các nội dung, mức chi trong các lĩnh vực công nghiệp, đối ngoại, tư pháp, giáo dục, đào tạo; hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công; mức hỗ trợ cho lực lượng thuộc công an TP.

Về hoạt động giám sát, HĐND TP sẽ thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND TP thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn.

Thường trực HĐND TP dự kiến 2 nhóm vấn đề: Thứ nhất, tái chất vấn về việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND TP đã đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả; thứ hai, chất vấn kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng, nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP.

"Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND TP trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND theo quy định của luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, góp phần vào sự thành công của kỳ họp", Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị.

Bài liên quan
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên 40, xem xét nhiều nội dung quan trọng
Sáng 10.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTBQH) khai mạc phiên họp thứ 40 nhằm xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TP.Hà Nội khóa 16