Reuters kể chuyện cứ đến giữa mỗi năm, các sĩ quan cấp cao, điệp viên và những nhà buôn vũ khí của các nước lại kề cận nhau ở khu tiền sảnh của Khách sạn Shangri-La ở đảo quốc Singapore, nơi hàng năm diễn ra Hội nghị An ninh châu Á.
Hội nghị có tên Diễn đàn Đối thoại Shangri La (SLD) do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở tại Anh) tổ chức tại khách sạn trên.
Ngoài ra, SLD còn có các nhà tài trợ gồm các công ty quốc phòng lớn-như Boeing, Airbus, BAE Systems, Lockheed Martin và Raytheon - như phản ánh khu vực châu Á đang tăng cao khoản chi quốc phòng.
Theo Reuters, còn có tin đồn tại một khách sạn khác, điệp viên của các cơ quan tình báo phương tây và châu Á gặp nhau và trao đổi thông tin. Nhưng hãng tin Anh không thể xác minh.
Chủ đề diễn đàn SLD 2018 tập trung vào những thay đổi chiến lược làm châu Á rúng động, từ nỗ lực ngoại giao của CHDCND Triều Tiên cho đến tính chất thù địch gia tăng nhanh chóng giữa Ấn Độ với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu khai mạc SLD ngày 1.6, Thủ tướng Ấn Narendra Modi trình bày tầm nhìn “trật tự dựa theo luật” cho châu Á. Ngày 2.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis giải thích rõ cơ chế “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Đó là những quan điểm mà các quan chức Trung Quốc cáu, nhận định Mỹ-Ấn âm mưu kiềm chế Trung Quốc, theo Reuters.
Nhưng ở khu tiền sảnh khách sạn Shangri-La, chủ đề đối thoại rất sống động,nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12.6 tới.
Theo Reuters, trong 3 ngày diễn ra SLD 2018, các cựu quan chức tình báo châu Á và phương tây đều có mặt ở khách sạn Shangri-La. Hãng tin Anh còn ghi nhận: một sĩ quan Việt Nam mặc Âu phục tự giới thiệu với một sĩ quan hải quân Mỹ, trong khi một sĩ quan Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đi phớt qua.
Hoặc một đại diện quân sự Lào tập vụt gậy golf, trong lúc một nhóm thiếu niên chân trần chạy từ hồ bơi vào khu tiền sảnh, hoàn toàn không biết sự căng thẳng chiến lược đang phủ lên khu vực này. Bên ngoài, cảnh sát Singapore vũ trang hạng nặng, trực gác ở cổng khách sạn.
Trong khi các học giả IISS tổ chức nhiều chủ đề đối thoại về những điểm nóng của châu Á, các nhà ngoại giao thu xếp các cuộc gặp không chính thức cho những bộ trưởng quốc phòng nước mình, thì ở những phòng phụ, quầy bar và cà phê diễn ra những cuộc thỏa thuận làm ăn bí mật, cùng các cuộc trao đổi thông tin.
Thiếu tướng Sahibzada Isfandiyar, một cựu sĩ quan tình báo quân đội Pakistan, nói trong lúc ông dự một dạ tiệc chiêu đãi hôm 1.6: “Đây là một sự kiện tốt. Vì tính chất không chính thức, mọi người có thể nói chuyện tự do, trao đổi quan điểm, tư tưởng, nên người ta có thể thoát khỏi những quan điểm nói chuyện chính thức. Đây là một sự kiện có giá trị về bối cảnh quân sự và dĩ nhiên là về một khu vực đang có nhiều thay đổi”.
Các tùy viên quân sự của các nước trong khu vực nói: SLD là một điểm tuyển chọn “huyền thoại”, là nơi mà các sĩ quan và các nhà ngoại giao tiếp xúc với các học giả, doanh nhân và đôi khi cả với những hoạt động ngầm.
Đối với giới báo chí, SLD là cơ hội lớn để họ “lẻn” vào các hành lang để gặp các quan chức quốc phòng, sĩ quan cao cấp, vốn là những người dễ gặp được ở nước họ.
Nhưng giới báo chí được mời chính thức dự SLD cũng có cơ hội nghe các quan chức cấp cao phát biểu và sẵn sàng trả lời các câu hỏi.
Bích Ngọc (theo Reuters)