Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh yêu cầu đối với các đồng minh bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản mở rộng hơn các hạn chế với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn, nỗ lực gây tranh cãi và đang nhận phản đối từ một số quốc gia, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Thế giới số

Kêu gọi Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật thắt chặt hạn chế chip với Trung Quốc, Mỹ bị 2 đồng minh phản đối

Sơn Vân 07/03/2024 11:10

Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh yêu cầu đối với các đồng minh bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản mở rộng hơn các hạn chế với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn, nỗ lực gây tranh cãi và đang nhận phản đối từ một số quốc gia, theo những người quen thuộc với vấn đề này.

Những nỗ lực mới nhất từ chính quyền Biden nhằm mục đích lấp đầy những lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ đã áp dụng hai năm qua và hạn chế sự tiến bộ của Trung Quốc về phát triển năng lực chip nội địa, theo hai nguồn tin của trang Bloomberg.

Ví dụ, Mỹ đang thúc giục Hà Lan ngăn chặn ASML bảo trì và sửa chữa các thiết bị sản xuất chip nhạy cảm mà khách hàng Trung Quốc đã mua trước khi việc hạn chế bán các thiết bị đó được áp dụng trong năm 2024, một nguồn tin của Bloomberg cho biết.

ASML thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản, sử dụng tia laser để giúp tạo ra mạch điện tử. Công ty Hà Lan độc quyền về các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến - không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất, đồng thời cung cấp những máy quang khắc cực tím sâu (DUV) cần thiết để tạo ra chất bán dẫn hoàn thiện hơn.

Mỹ cũng muốn các công ty Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các hóa chất chuyên dụng quan trọng cho sản xuất chip, gồm cả chất quang điện. Nhật Bản là quê hương của nhiều nhà sản xuất chất quang dẫn hàng đầu, trong đó có JSR và Shin-Etsu Chemical.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Nhật Bản và Hà Lan đã phản ứng "lạnh lùng" trước đề xuất mới nhất từ Mỹ, lập luận rằng họ muốn đánh giá tác động của các biện pháp hạn chế hiện tại trước khi xem xét những biện pháp chặt chẽ hơn. Theo một nguồn tin, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã nêu vấn đề này tại Tokyo (thủ đô Nhật Bản) trong cuộc họp về kiểm soát xuất khẩu vào tháng 2.

Đại diện ASML, Bộ thương mại Hà Lan và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từ chối bình luận. Tại Washington, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Thương mại Mỹ cũng từ chối bình luận.

capture.jpg
Chính quyền Biden đang thúc giục các đồng minh thắt chặt các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc - Ảnh: AP

Chính quyền Biden đã nhắm vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc kể từ năm 2022, áp đặt các biện pháp kiểm soát sâu rộng với việc xuất khẩu máy sản xuất chip tiên tiến và chip phức tạp như loại dùng để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Nhật Bản và Hà Lan, hai quốc gia quan trọng phát triển thiết bị sản xuất chip, đã tham gia nỗ lực của Mỹ vào năm ngoái.

Song vẫn còn những lỗ hổng, đặc biệt là ở khả năng của các kỹ sư Nhật Bản và Hà Lan trong việc tiếp tục sửa chữa một số thiết bị và cung cấp linh kiện thay thế được sử dụng trong thiết bị sản xuất bán dẫn.

Các quan chức Mỹ bất ngờ khi Huawei vào tháng 8.2023 trình làng smartphone Mate 60 Pro, được trang bị chip Kirin 9000s hỗ trợ 5G được SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) chế tạo theo tiến trình 7 nanomet, vượt xa một thế hệ so với thời điểm Mỹ tìm cách ngăn chặn sự phát triển chip của quốc gia châu Á này.

Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tuyên bố sẽ thực hiện hành động “mạnh nhất có thể” sau bước đột phá của Huawei, trong khi các nhà làm luật đảng Cộng hòa kêu gọi ngăn chặn hoàn toàn Huawei và cùng đối tác sản xuất chip của họ là SMIC tiếp cận công nghệ Mỹ.

Động thái mới nhất của Mỹ gồm cả nỗ lực thắt chặt các giới hạn hiện có. Theo nguồn tin của Bloomberg, ASML cần giấy phép để bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị bị hạn chế ở Trung Quốc, nhưng Hà Lan có phần lỏng lẻo trong việc phê duyệt. Vì thế, Mỹ muốn Hà Lan có cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn.

Mỹ cũng muốn lôi kéo thêm nhiều quốc gia vào vòng phong tỏa kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc. Chính quyền Biden đang cố gắng đưa Đức và Hàn Quốc vào thỏa thuận đã có Nhật Bản và Hà Lan, vì cả 4 quốc gia này đều là nơi đặt trụ sở của các công ty chủ chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Với Đức, một trong những công ty quan trọng là Carl Zeiss, nhà sản xuất kính chuyên dụng cung cấp cho ASML các thành phần quang học cần thiết để sản xuất chip tiên tiến. Mỹ muốn Đức yêu cầu Carl Zeiss ngừng vận chuyển những linh kiện như vậy sang Trung Quốc.

Theo Bloomberg, giới chức Hà Lan cũng hy vọng Đức sẽ tham gia nhóm kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc và chính quyền Biden đang thúc đẩy một thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6.

Vào năm ngoái, Đức đã cân nhắc xem có nên hạn chế xuất khẩu hóa chất chip sang Trung Quốc hay không, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz (dự kiến ​​đến thăm Trung Quốc vào tháng 4) vẫn chưa đưa ra lập trường về vấn đề này. Trong khi đó, cấp phó của ông Olaf Scholz là Robert Habeck sẽ đến Mỹ trong tuần này và sẽ gặp bà Gina Raimondo trong chuyến đi.

Ngoài ra, Mỹ đã tiến hành đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề kiểm soát xuất khẩu chip, do nước này đóng vai trò dẫn đầu trong sản xuất chip nhớ và cung cấp phụ tùng cho thiết bị sản xuất chip.

Theo một số nguồn tin của Bloomberg, hai nước này đã tiến hành một cuộc đối thoại có cấu trúc vào tháng 2 sau khi các quan chức Mỹ đề nghị những người đồng cấp của họ ở Hàn Quốc tham gia nhóm đa phương vào năm ngoái.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kêu gọi Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật thắt chặt hạn chế chip với Trung Quốc, Mỹ bị 2 đồng minh phản đối