Chính phủ Kenya vừa thông qua một đạo luật cho phép xử tù tới 4 năm với tất cả người làm, bán hoặc nhập khẩu túi nhựa, đây là lệnh cấm túi nhựa nặng nhất toàn cầu hiện nay.

Kenya: Xử tù 4 năm hành vi kinh doanh túi nhựa

29/08/2017, 18:03

Chính phủ Kenya vừa thông qua một đạo luật cho phép xử tù tới 4 năm với tất cả người làm, bán hoặc nhập khẩu túi nhựa, đây là lệnh cấm túi nhựa nặng nhất toàn cầu hiện nay.

Mỗi năm người Kenya dùng tới 100 triệu túi nhựa

Túi nhựa được xem là rác thải nguy hại nhất cho môi trường do nó không thể phân hủy và quá mỏng để có thể tái chế. Hàng triệu tấn túi nhựa đang làm ô nhiễm đại dương cũng như giết chết nhiều sinh vật biển do ăn phải chúng.

Đạo luật mới được đưa ra hồi tháng 3, nhưng chính thức có hiệu lực từ ngày 28.8 đồng nghĩa với việc cấm tiệt hoàn toàn sử dụng túi nhựa tại Kenya. Kenya cùng với khoảng 40 quốc gia gồm cả Trung Quốc, Hà Lan và Pháp đã đưa ra các biện pháp hạn chế hoặc cấm sử dụng túi nhựa.

Tại Rwanda, túi nhựa là bất hợp pháp và du khách bị kiểm tra an ninh khi nhập cảnh vào nước này xem có đem theo túi nhựa hay không. Anh thì vẫn cho phép dùng túi nhựa nhưng đánh thuế mạnh từ năm 2015 và nhanh chóng làm sụt giảm số lượng túi nhựa sử dụng ở nước này xuống chỉ còn 20% so với trước.

Tại Mỹ, một số bang như California và Hawaii có lệnh cấm túi nhựa không thể phân hủy, dù vậy hoàn toàn không có bất cứ chế tài nào ở cấp độ quốc gia trong việc này.

Theo Liên Hợp Quốc, trước khi có lệnh cấm, mỗi năm Kenya tiêu thụ khoảng 100 triệu túi nhựa các loại và lệnh cấm mới khiến một số người dân ở thủ đô Nairobi lo ngại.

Những người bán trái cây và rau củ nói rằng họ bị thua lỗ vì giảm doanh thu và một số người dân thì lầm tưởng nhà chức trách sẽ phạt luôn cả người tiêu dùng sử dụng túi nhựa.

Chưa hết, trong một số khu ổ chuột của Kenya, túi nhựa được dùng là "nhà vệ sinh di động" chứa chất thải của người do không có hệ thống nhà vệ sinh hợp yêu cầu.

Judy Wakhungu, Bộ trưởng Môi trường Kenya đã nhanh chóng trấn an dư luận khi cho biết đạo luật mới chỉ nhắm vào các nhà sản xuất và phân phối túi nhựa. "Người dân thường sẽ không bị ảnh hưởng" bà Judy Wakhungu nói với Reuters.

Kenya từng nhiều lần cố gắng cấm sử dụng túi nhựa trong năm 2007, 2011 nhưng tất cả nỗ lực này đều không thành công. Quy định mới sẽ phạt người sản xuất, nhập khẩu, bán túi nhựa từ 19.000USD đến 38.000USD hoặc 4 năm tù.

Người Kenya đã có vài tháng để thích nghi với đạo luật mới, các chuỗi siêu thị lớn tại nước này chuyển sang dùng túi giấy hoặc bán túi vải cho người mua hàng.

Tuần trước, Tòa án Tối cao nước này đã bác một đơn kiện của hai nhà nhập khẩu túi nhựa do chính quyền niêm phong lô hàng của họ, tòa lập luận rằng lợi ích cho môi trường là quan trọng hơn lợi ích kinh doanh của những công ty này.

Trước khi lệnh cấm có hiệu lực, Chege Kariuki, Chủ tịch của Hiệp hội Quản lý Chất thải và Môi trường Kenya tuyên bố rằng những người thu gom rác sẽ không thể làm việc khi không có túi nhựa để đựng rác thải. "Tất cả các công ty xử lý rác thải ở Nairobi sẽ không thể làm việc được", ông Kariuki nói với một tờ báo địa phương.

Samuel Matonda, phát ngôn viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất Kenya thì cho biết quy định mới này sẽ làm mất tới 60.000 việc làm. "Nó thậm chí còn ảnh hưởng mạnh tới những người phụ nữ bán rau ở chợ - khách hàng của họ sẽ lấy gì để đựng rau mang về nhà", ông Matonda nói.

Ái Vi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kenya: Xử tù 4 năm hành vi kinh doanh túi nhựa