Hàng chục ngàn dân thường Iraq tại thành phố Falluja nằm dưới sự kiểm soát các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) và đang bị liên quân chống khủng bố vây hãm, đang phải đối mặt với nạn đói và thiếu thuốc men gây ra nhiều cái chết.
Quân đội chính phủ Iraq và các tay súng người Shiite được Iran chống lưng, dưới sự yểm trợ của không lực liên quân do Mỹ dẫn đầu, từ cuối năm 2015 đã vây hãm thành phố Falluja, nằm cách thủ đô Baghdad 50km và đang bị IS chiếm đóng, khiến cư dân tại đây phải đối mặt nạn đói, thiếu thuốc men và nhiên liệu, theo thông tin do cư dân và quan chức địa phương cung cấp cho Reuters.
Báo chí đưa tin đã có tới 10 người người dân Iraq chết do đói và tình trạng y tế nghèo nàn. Tuy nhiên, nguồn tin này khó được kiểm chứng do tình hình thiếu an ninh và liên lạc khó khăn tại Falluja.
Ông Falih al-Essawi, Phó chủ tịch Hội đồng vùng Anbar, cho biết bọn khủng bố IS đã biến Falluja thành một trại giam lỏng khổng lồ và cảnh báo về một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra tại đây.
Một bác sĩ trong thành phố nói chỉ còn rất ít thuốc men và nhu yếu phẩm, đặc biệt là dành cho săn sóc hậu sản.
Thông tin từ bên trong Falluja cho biết giá lương thực tại đây đã tăng vọt và người dân phải mua bánh mì theo khẩu phần. Cư dân tại đây còn cho biết nhiên liệu trở nên khan hiếm vào mùa đông khi nhiệt độ giảm xuống gần 0 độ C. Lần cuối cùng IS phân phát lương thực cho người dân là cách nay vài tuần trước.
Ông Sohaib al-Rawi, Thống đốc vùng Anbar (nơi có thành phố Falluja) cho biết nhóm IS tại Falluja đang lấy dân thường ra để làm lá chắn. Chiến thuật này cũng đã được các nhóm khủng bố áp dụng tại Ramadi nhằm làm chậm bước tiến của quân chính phủ Iraq.
Falluja là nơi tập trung nhiều tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni, và cũng là thành phố đầu tiên của Iraq rơi vào tay IS tháng 1.2014, trước khi nhóm này mở rộng vùng chiếm đóng của mình ra các nơi khác tại Iraq và nước láng giềng Syria.
Chính quyền Iraq vẫn chưa đưa ra kế hoạch giải phóng Falluja, sau khi đã chiếm lại được thành phố Ramadi, cách đó 50km về phía tây, từ tay quân khủng bố vào tháng trước. Trong lúc đó, một phần lớn quân lực của chính phủ đã chuyển hướng tiến sang Mosul, một thành phố khác cũng bị IS chiếm đóng.
Ông Sohaib al-Rawi đã kêu gọi liên quân gửi cứu trợ nhân đạo bằng máy bay xuống cho người dân đang bị mắc kẹt tại đây. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ak-Hadath hôm 1.1, ông cho biết đó là cách duy nhất để giúp người dân tại đây, do các cửa ngõ của thành phố đã bị quân khủng bố IS đặt mìn và phong tỏa.
Vào năm 2014, liên quân đã từng dùng máy bay để tiếp viện lương thực cho những người thiểu số Yazidi trên đỉnh Sinjar bị quân IS bao vây, sau một cuộc thảm sát do bọn khủng bố thực hiện khiến ít nhất 2.000 người chết.
Một phát ngôn viên của liên quân tại Baghdad nói không loại trừ một kế hoạch cứu trợ nhân đạo tương tự dành cho Falluja, tuy nhiên việc thành phố này đang bị IS chiếm đóng gây ra không ít trở ngại cho kế hoạch.
“Vấn đề của việc thả hàng cứu trợ nhân đạo từ máy bay là rất khó kiểm soát những gói hàng cứu trợ đó sẽ rơi vào tay ai”, đại tá Steve Warren của quân đội Mỹ cho biết. “Một trong những điều kiện cần thiết để có thể tiến hành một chiến dịch cứu trợ theo cách này là phải biết chắc được hàng cứu trợ sẽ đến đúng tay người đang cần. Ở Falluja, điều này có vẻ gần như là không tưởng”.
Falluja, còn được biết dưới tên gọi “thành phố của các tòa tháp và nhà thờ Hồi giáo”, là trung tâm của những người theo dòng Hồi giáo Sunni tại Iraq, nước có đa số người dân theo dòng Shiite. Thành phố đã bị hư hại nghiêm trọng bởi hai đợt tấn công của quân đội Mỹ nhắm vào nhóm khủng bố al Qaeda năm 2004, sau khi Mỹ đã đưa quân sang Iraq để hạ bệ Saddam Hussein.
Bà Maria Fantappie, chuyên gia phân tích về Iraq của một tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cho biết Falluja sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt nhân đạo cho dù chiến dịch vây hãm có chấm dứt, do cơ sở hạ tầng tại đây đã bị tàn phá trong lúc giao tranh.
Liên Hợp Quốc hôm 31.1 cũng kêu gọi các quốc gia đóng góp 861 triệu USD để giúp Iraq thực hiện kế hoạch khẩn cấp giải quyết khủng hoảng nhân đạo do cuộc chiến với IS gây ra, khiến 10 triệu người rơi vào cảnh khốn đốn, cần được cứu trợ.
Liên quân do Mỹ dẫn đầu ước tính có khoảng 400 tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni đang đóng quân trong Falluja. Một số nhà phân tích quân sự thì lại cho rằng con số này có thể lên tới gần 1.000.
Phía quân đội chính phủ Iraq, cảnh sát và các tay súng người Shiite đang vây hãm Falluja hiện vẫn chưa đưa ra bình luận nào về tình trạng khẩn cấp bên trong thành phố.