Israel và những nước khác ở Trung Đông, gồm Iran lúc này hẳn đã nhận thấy các cơn bão bụi ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Kiến thức - Học thuật

Iran và Israel có kẻ thù chung cần hợp tác đối phó: Nhỏ nhưng nguy hiểm

Anh Tú 16:53 05/05/2024

Israel và những nước khác ở Trung Đông, gồm Iran lúc này hẳn đã nhận thấy các cơn bão bụi ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

bao-bui.jpg
Bão bụi tại Trung Đông

Các nhà khoa học ở Thụy Điển báo cáo rằng biến đổi khí hậu đang biến các cơn bão bụi—một hiện tượng tự nhiên ở phía đông Địa Trung Hải—thành mối đe dọa ngày càng thường xuyên và lan rộng hơn đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế trong toàn khu vực.

Bụi ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu

Mức độ bụi đã tăng lên ở nhiều nơi ở Trung Đông, chủ yếu là do sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, Giáo sư Zahra Kalantari, chuyên gia về khoa học địa chất kỹ thuật và môi trường vì sự bền vững tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, cho biết các hoạt động khác của con người cũng góp phần vào đó. Bà Kalantari đổ lỗi cho các yếu tố như khai thác dầu, xung đột quân sự và thiếu sự phối hợp xuyên biên giới trong quản lý nước.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tổng hợp Khoa học về Môi trường với tiêu đề “Tương tác giữa bụi và khí hậu ở Trung Đông: Phân tích không gian-thời gian về độ sâu quang học của sol khí và các biến đổi khí hậu”, lập bản đồ sự lan truyền của sol khí và chỉ ra chính xác những nơi mà xu hướng về lượng mưa và nước bốc hơi đang thay đổi theo hướng tồi tệ hơn – mà cả Israel và Iran đều nằm ở giữa xu hướng đó.

Sau khi phân tích nhiều bộ dữ liệu trong bốn thập niên qua, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ bụi tăng lên ở Ả Rập Saudi, Iraq, Yemen, một phần của Iran và Ai Cập cũng như các quốc gia xung quanh Vịnh Ba Tư, trong khi mức độ bụi đã giảm ở miền bắc Iran và tây nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Khu vực giữa sông Tigris và Euphrates ở phía bắc Iraq và dọc biên giới Syria-Iraq được cho là có mật độ bụi cao nhất trong khu vực, phản ánh đúng xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong 20 năm qua.

Mặc dù không đề cập rõ ràng đến Israel trong nghiên cứu được công bố, bà Kalantari lưu ý rằng các cơn bão bụi có nhiều khả năng xảy ra ở Jordan, các khu vực xung quanh và phía bắc bán đảo Ả Rập mà Israel nằm lọt thỏm ở giữa.

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về lượng mưa ở miền bắc Iraq, Syria, tây nam Iran và miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Các yếu tố như nạn phá rừng, xung đột quân sự, xây đập, tưới tiêu quá mức và khai thác nước đã làm tăng thêm những tác động tự nhiên của khí hậu khô cằn và nóng bức trong khu vực. Bà Kalantari cho biết các yếu tố tổng hòa từ độ ẩm của đất và độ che phủ của thảm thực vật... có tác dụng giảm mức độ bụi. Do vậy, khi nước bị mất dù với nguyên nhân nào thì bão bụi sẽ chỉ có tăng chứ không giảm.

Bà Kalantari cho biết các hậu quả về môi trường do tình trạng bụi hoành hành trực quan nhất là tình trạng xói mòn đất, mất đa dạng sinh học và sa mạc hóa. Tiếp theo có thể xảy ra thiệt hại kinh tế do cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, nông nghiệp bị đình đốn và du lịch giảm sút. Bà nói thêm rằng bão bụi cũng có thể gây ra đình trệ hoạt động xã hội và những nhóm dân cư dễ bị tổn thương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cần hợp tác đa quốc gia

Giáo sư Kalantari tuyên bố rằng hợp tác khu vực là rất quan trọng để giải quyết các yếu tố phức tạp và thực hiện các biện pháp kiểm soát bụi hiệu quả. Đáng tiếc, đây lại là điều không phổ biến ở Trung Đông.

Các chiến lược toàn diện là bắt buộc để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe, sinh thái và phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, nếu các quốc gia không hợp tác thì sẽ không thể chiến thắng kẻ thù chung là bụi.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi “một chiến lược toàn diện tập trung vào quản lý môi trường và cải cách chính sách”. Các biện pháp mang tính ràng buộc gồm trồng rừng, bảo tồn đất, bảo tồn nước, hợp tác khu vực, quy hoạch đô thị bền vững, hệ thống giám sát tiên tiến, chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và các biện pháp thích ứng với khí hậu.

Bà kết luận: “Những nỗ lực này, kết hợp với nghiên cứu và hợp tác xuyên biên giới, là điều cần thiết cho một môi trường bền vững, có khả năng chống chọi với bão bụi trong khu vực”.

Hồi cuối năm ngoái Phái đoàn của Iran tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP28) đã rời khỏi địa điểm diễn ra sự kiện quốc tế tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để phản đối sự hiện diện của đại diện Israel và cuộc chiến ở Dải Gaza.

Phái đoàn Iran, do Bộ trưởng Năng lượng Ali Akbar Mehrabian dẫn đầu, đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc tại Dubai do sự hiện diện của tổng thống Israel Isaac Herzog.

Năm 2018, Chuẩn tướng Gholam Reza Jalali, người đứng đầu Tổ chức Phòng vệ Dân sự Iran, cho biết: “Khí hậu thay đổi ở Iran là điều đáng nghi ngờ”. Tướng Jalali nghi ngờ rằng "sự can thiệp của nước ngoài" có vai trò trong biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định kết quả từ một nghiên cứu khoa học của Iran “xác nhận” tuyên bố này.

Ông cũng cáo buộc: “Israel và một quốc gia khác trong khu vực bắt tay nhau để ngăn các đám mây không thể bay vào bầu trời Iran tạo mưa”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Iran và Israel có kẻ thù chung cần hợp tác đối phó: Nhỏ nhưng nguy hiểm