Iran ngày 21.6 đưa ra danh sách gồm 15 yêu cầu để cải thiện quan hệ với Mỹ, trong đó đáng chú ý có đề nghị Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 mà nước này vừa rút khỏi. Đây là động thái đáp trả danh sách yêu cầu mà Mỹ đưa ra vào tháng trước.

Iran ra yêu cầu để cải thiện quan hệ với Mỹ

Cẩm Bình | 22/06/2018, 17:53

Iran ngày 21.6 đưa ra danh sách gồm 15 yêu cầu để cải thiện quan hệ với Mỹ, trong đó đáng chú ý có đề nghị Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 mà nước này vừa rút khỏi. Đây là động thái đáp trả danh sách yêu cầu mà Mỹ đưa ra vào tháng trước.

Danh sách được Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif công bố còn yêu cầu Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho “những kẻ xâm lược Yemen” (ý chỉ Ả Rập Saudi) cũng như ngừng phản đối chuyện giải trừ hạt nhân của Israel.

Ngày 8.5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), do nước này cùng các cường quốc Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đạt được với Iran hồi năm 2015. Theo đó, nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì chính quyền Tehran đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt tài chính - kinh tế.

Trong bài phát biểu nhằm làm rõ chiến lược tiếp cận Iran của Washington sau khi rút khỏi thỏa thuận, Ngoại trưởng Mike Pompeo đe dọa áp đặt “những trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử”, bằng kinh tế lẫn quân sự, nếu quốc gia Trung Đông không đáp ứng danh sách yêu cầu do họ đưa ra.

Danh sách này gồm 12 yêu cầu, bao gồm đề nghị Iran phải công bố toàn bộ quá trình phát triển vũ khí hạt nhân trong quá khứ, dừng tất cả hoạt động làm giàu uranium, dừng việc phóng tên lửa đạn đạo mang được đầu đạn hạt nhân, ngừng hỗ trợ các nhóm Hamas, Hezbollah, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad) và phiến quân Houthi ở Yemen, rút mọi lực lượng quân đội khỏi Syria.

Các cường quốc châu Âu tham gia ký kết JCPOA xem thỏa thuận này có vai trò quan trọng trong ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, vì vậy đang tìm cách cứu vãn bằng cách tìm kiếm các biện pháp nhằm duy trì thương mại với Tehran.

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đề xuất thiết lập những kênh thanh toán và tín dụng mới cho Iran, gia tăng hợp tác năng lượng và áp dụng luật cho phép các doanh nghiệp EU không phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.

Chính quyền Tehran ngày 5.6 tuyên bố bắt đầu quá trình sản xuất nguyên liệu cho các máy ly tâm dùng để làm giàu uranium. Quốc gia Trung Đông khẳng định đã gửi thư thông báo đến Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về động thái này.

Cẩm Bình (theo The Washington Post, Reuters)
Bài liên quan
Tỷ phú Elon Musk thành cầu nối ‘độc nhất vô nhị’ giữa hai thế lực đối lập Mỹ - Iran
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục chìm trong căng thẳng, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã bất ngờ xuất hiện như một cầu nối tiềm năng, mở ra cánh cửa đối thoại mới giữa hai quốc gia đối đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Iran ra yêu cầu để cải thiện quan hệ với Mỹ