Iran ngày 7.7 tuyên bố nước này sẵn sàng làm giàu uranium ở bất cứ mức độ và bất cứ số lượng nào.
Theo phát ngôn viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (IAEO) Behrouz Kamalvandi: “Vài giờ nữa quy trình kỹ thuật sẽ kết thúc và hoạt động làm giàu trên mức 3,67% bắt đầu. Khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lấy mẫu vào sáng mai thì chúng đã vượt quá mức”.
Người phát ngôn Kamalvandi cho biết, trước mắt họ làm giàu uranium đến mức 5% để sử dụng cho nhà máy điện Bushehr, nhưng quốc gia Trung Đông chuẩn bị đầy đủ cho việc làm giàu ở bất cứ mức độ và bất cứ số lượng nào.
Trước tuyên bố trên, IAEA cam kết thanh sát viên đang có mặt ở Iran của tổ chức sẽ báo cáo kịp thời một khi mức độ làm giàu vượt mức quy định. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án quyết định từ phía chính quyền Tehran, trước đó ông cảnh báo hành động phá bỏ điều khoản trong thỏa thuật hạt nhân 2015 phải hứng chịu hậu quả.
Động thái mới nhất được xác định nhằm mục đích gây áp lực với các nước châu Âu - những bên ký kết phản đối Mỹ rút khỏi thỏa thuận nhưng chẳng có hành động cứu vãn thiết thực.
Thỏa thuận hạt nhân 2015 quy định mức độ tinh khiết mà Iran có thể làm giàu uranium ở 3,67% - thấp hơn mức 20% quốc gia Trung Đông này đạt được trước khi ký thỏa thuận và thua xa mức dùng làm vũ khí là 90%.
Nếu bất cứ bên nào trong thỏa thuận xác định rằng bên ký kết khác không tuân thủ cam kết, họ có thể đưa vấn đề lên Ủy ban hỗn hợp bao gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, EU (Mỹ rút khỏi thỏa thuận nên cũng từ bỏ tư cách thành viên ủy ban).
Nếu Ủy ban hỗn hợp không thể giải quyết, vấn đề có khả năng được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hội đồng Bảo an sau khi nhận khiếu nại thì trong vòng 30 ngày phải tổ chức bỏ phiếu về nghị quyết tiếp tục miễn trừ trừng phạt cho Iran. Nghị quyết cần 9 phiếu thuận, không có phủ quyết từ 5 ủy viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung, Anh, Pháp).
Nếu nghị quyết trong 30 ngày không được thông qua, mọi biện pháp trừng phạt sẽ khôi phục.
Cẩm Bình (theo Reuters)