Lãnh đạo UBND huyện Cái Nước khẳng định, chủ trương chung là luôn đảm bảo cuộc sống của người dân từ bằng đến tốt hơn trước khi dự án được triển khai. Do đó, việc bồi hoàn được địa phương áp dụng đúng theo quy định pháp luật.

Huyện nói gì về dự án thu hồi đất ở Cà Mau gây bức xúc trong dân?

Trần Khải | 22/05/2022, 23:25

Lãnh đạo UBND huyện Cái Nước khẳng định, chủ trương chung là luôn đảm bảo cuộc sống của người dân từ bằng đến tốt hơn trước khi dự án được triển khai. Do đó, việc bồi hoàn được địa phương áp dụng đúng theo quy định pháp luật.

Người dân chưa hài lòng vì còn nhiều khúc mắc

Liên quan đến bài viết “Cà Mau: Dân bức xúc bởi đất bị thu hồi trong dự án “nhập nhèm”?” mà Một Thế Giới đã phản ánh, ngày 22.5, PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Cái Nước xung quanh những bức xúc của người dân về việc thu hồi đất để xây dựng Khu công nghiệp Hoà Trung nhưng lại có một phần chồng vào Dự án xây dựng tuyến đường tránh QL1A (đoạn qua TP.Cà Mau).

anh-1-cac-ho-dan-buc-xuc-vi-dat-mat-tien-tuyen-tranh-bi-thu-hoi-boi-du-an-khu-cong-nghiep-hoa-trung.jpg
Các hộ dân bức xúc vì đất mặt tiền tuyến tránh bị thu hồi bởi dự án khu công nghiệp Hoà Trung

Như Một Thế Giới đã thông tin, nhiều hộ dân ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau), có đất bị ảnh hưởng bởi điểm cuối của tuyến đường tránh QL1A (đoạn qua TP.Cà Mau) rất bức xúc phản ánh, từ khi tuyến đường tránh đi qua, phần đất của họ trở thành mặt tiền nhưng lại không được hưởng lợi trên phần đất ấy.

Lý do là đất mặt tiền được chính quyền địa phương thu hồi để triển khai xây dựng Khu công nghiệp Hòa Trung. Tuy nhiên, điều mà người dân không hài lòng bởi nếu thu hồi đất thì thu hồi hết, chứ tại sao chỉ thu hồi một phần và chỉ thu hồi ở những vị trí đất mặt tiền?

Nguyện vọng của người là muốn địa phương tách bạch ra từng dự án để thu hồi nhưng chính quyền địa phương không chấp nhận. Bởi dự án xây dựng Khu công nghiệp Hoà Trung đã phê duyệt từ trước, nếu bây giờ chấp nhận chia nhỏ thì những hộ dân đồng tình giao đất trước đó sẽ quay lại khiếu kiện.

Theo ông Nguyễn Chí Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Phát triển qũy đất tỉnh Cà Mau, người dân muốn tách ra GPMB xây dựng tuyến tránh trước, còn khu công nghiệp từ từ tính sau. Việc này là rất khó cho địa phương, bởi hiện phương án đã phê duyệt và quỹ đất sạch đã lên đến hàng chục ha.

“Giờ nếu không khéo tách phương án ra, phần còn lại sau này lập phương án lại, giá bồi hoàn khi đó sẽ khác nên cũng khó”, ông Nhẫn nói.

Ông Huỳnh Quốc Thắng (51 tuổi, ngụ ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) nói: “Tôi rất bất bình, bởi việc bồi hoàn, GPMB khu vực có tuyến đường tránh đi qua là chưa rõ ràng và còn mập mờ chưa được sáng tỏ. Tôi thấy việc áp giá đền bù là chưa thoả đáng, họ kiểm đếm chưa đúng, không đủ hết các tài sản của tôi và được áp với một mức giá rẻ bèo.

Khi đối thoại, tôi có hỏi lãnh đạo xã, huyện cơ sở nào để đưa ra mức giá bồi hoàn thì họ không trả lời. Tôi mong cơ quan chức năng áp giá bồi hoàn đất và tài sản trên đất cần đúng với thực tế, khu vực đó người dân bán đất giá bao nhiêu thì nên quy ra giá đó để đền bù cho tôi. Chứ bồi hoàn mà tôi chỉ đủ tiền cất nữa căn nhà thì sao ở được”.

Anh Dương Thanh Tâm (35 tuổi, ngụ ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) bức xúc: “Họ mời tôi lên làm việc nhiều lần, nhưng biên bản chỉ ghi nội dung là khu công nghiệp, trong khi tuyến tránh đã làm tới đất gia đình tôi. Tôi chấp nhận đồng ý nhận giá bồi thấp để được hưởng lợi tuyến tránh. Tôi muốn chính quyền tách riêng tuyến tránh ra, giá bồi hoàn bao nhiêu tôi nhận hết, bởi tài sản gia đình tôi chỉ có bấy nhiêu để sản xuất và nuôi con cái ăn học mà giờ lấy hết thì mất sinh kế.

Bản thân tôi, cũng như những người dân ở đây muốn được giải quyết thoả đáng. Chúng tôi chấp nhận giao đất nếu như địa phương thu hồi một bên mặt tiền và để lại một bên mặt tiền để chúng tôi lo sinh kế cho gia đình, chứ có đâu hai bên mặt tiền lấy hết là thiệt thòi cho chúng tôi”.

Huyện khẳng định thực hiện đúng chủ trương

Ông Huỳnh Hùng Em, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Nước khẳng định, Dự án bồi thường, GPMB tạo quỹ đất sạch khu công nghiệp Hòa Trung đã có trước khi Bộ GTVT có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường tránh QL1.

“Từ năm 2017 – 2018 UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo huyện lập phương án thu hồi đất rồi. Đến năm 2020 – 2021 Bộ GTVT mới có chủ trương xây dựng tuyến đường tránh, về hướng tuyến của tuyến tránh Quốc lộ 1 thì UBND tỉnh thống nhất với Bộ GTVT.

Dự án bồi thường, GPMB tạo quỹ đất sạch khu công nghiệp Hòa Trung đã triển khai thực hiện từ trước, nếu không có tuyến tránh Quốc lộ 1 thì dự án tạo quỹ đất sạch khu công nghiệp Hòa Trung vẫn tiếp tục thực hiện”, ông Hùng Em cho hay.

Theo ông Hùng Em, việc bà con yêu cầu tách riêng từng dự án để thu hồi là không tách được. Bởi dự án Khu công nghiệp Hòa Trung có trước đó đã lâu. “Việc lấy đất mặt tiền, còn mặt hậu không lấy là do người dân nói thôi. Dự án Khu công nghiệp Hòa Trung được phê duyệt bao nhiêu thì thực hiện GPMB bấy nhiêu chứ đâu làm khác được. Không có chuyện làm như vậy để lấy đất của người dân đâu”, ông Hùng Em khẳng định.

Riêng vấn đề người dân đặt ra là đất của dự án tại sao vẫn bán được và ký giáp ranh? Việc này, ông Hùng Em cho biết, đất đã được thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai thì không được chuyển quyền; việc ký giáp ranh là bình thường, chỉ xác nhận ranh đất của người này với người kia.

anh-2-doan-cuoi-tuyen-tranh-ql1a-qua-tp-ca-mau-dang-gap-kho-do-vuong-gpmb.jpg
Công tác GPMB ở đoạn cuối tuyến đường tránh QL1A qua TP.Cà Mau đang gặp khó vì người dân không chịu giao đất

“Còn mãnh đất đó, anh muốn làm gì tôi không biết, nhưng nhờ tôi ký giáp ranh thì tôi sẽ ký bình thường. Quan trọng nhất là việc sang bán đó có được địa phương xác nhận hay không, có được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không”, vị lãnh đạo UBND huyện Cái Nước cho hay.

Vấn đề tái định cư, theo lãnh đạo UBND huyện Cái Nước, số hộ bị ảnh hưởng của dự án đủ điều kiện tái định cư là hơn 20 hộ. UBND tỉnh Cà Mau trước đây đã có chủ trương, đối với trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện bố trí tái định cư theo quy định sẽ được bố trí vào Khu tái định cư (Hợp phần 3) thuộc Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP.Cà Mau.

Đối với trường hợp có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư theo quy định, phải di dời nhà ở và không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn xã, thị trấn có đất thu hồi thì UBND sẽ làm đầu mối phối hợp với Công ty Thương mại Địa ốc Hoàng Tâm hoặc Chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh để hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tái định cư được lựa chọn; hộ gia đình, cá nhân được giao nền phải thanh toán tiền mặt, trả chậm qua hệ thống ngân hàng…; ngân sách nhà nước không bố trí cho nội dung này.

Tuy nhiên, qua triển khai thì người dân có nguyện vọng là muốn tái định cư tại chỗ. Do vậy, việc này người dân phải chờ thêm một thời gian. Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu dịch vụ - dân cư Khu công nghiệp Hòa Trung đã được UBND tỉnh phê duyệt với hơn 75 ha. Trong đó, có khu tái định cư, hiện UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương giao huyện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Khu tái định cư khoảng 10 ha trên địa bàn xã Lương Thế Trân và UBND huyện Cái Nước đang khẩn trương thực hiện.

Trước những bức xúc của người dân địa phương cho rằng việc áp giá bồi hoàn quá thấp, PV đặt ra câu hỏi liệu việc thu hồi đất nói trên có hài hoà lợi ích giữa Nhà nước với người dân hay chưa? Vấn đề này, ông Hùng Em cho rằng, chủ trương chung là luôn đảm bảo cuộc sống của người dân từ bằng đến tốt hơn trước khi dự án được triển khai. Do đó, việc bồi hoàn được địa phương áp dụng đúng theo quy định pháp luật. Đồng thời, vận dụng tối đa các chính sách đảm bảo theo quy định để người dân ổn định cuộc sống.

Trước câu hỏi của PV về việc khi có tuyến đường tránh đi qua nhưng người dân có đất bị ảnh hưởng lại không được hưởng lợi, vậy có thiệt thòi cho dân không? Vấn đề này, ông Hùng Em cho biết: “Dự án bồi thường, GPMB tạo quỹ đất sạch khu công nghiệp Hòa Trung đã triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm 2017 – 2018, các chính sách được thực hiện đúng theo quy đinh. Tuy nhiên, phần lớn người dân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Đến năm 2020, năm 2021 tuyến tránh Quốc lộ 1 triển khai thực hiện có hướng tuyến trùng vào tuyến đường trục chính của Dự án khu công nghiệp Hòa Trung, các chính sách đã được thực hiện đúng theo quy định”.

Vị lãnh đạo UBND huyện Cái Nước cũng thừa nhận, địa phương đang gặp khó khăn về tiến độ GPMB, giao đất cho đơn vị thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. “Giải pháp chính hiện nay là tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quyết định thu hồi đất, nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Trong trường hợp, người dân không chấp hành quyết định thu hồi đất thì UBND huyện sẽ áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định”, ông Hùng Em cho biết thêm.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huyện nói gì về dự án thu hồi đất ở Cà Mau gây bức xúc trong dân?