Nam thanh niên đang ngồi hút thuốc lá trên xe gắn máy, bất ngờ lửa bén vào bình xăng, ngọn lửa bùng phát dữ dội, bao trùm thiêu sống nam thanh niên này khiến anh bị bỏng nặng và phải trải qua 11 lần phẫu thuật để cứu sống.
Nam thanh niêm rơi vào hoàn cảnh bi kịch trên là N.T.T (sinh năm 1995, ngụ ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).
Theo người nhà của bệnh nhân, trong lúc đang ngồi lên xe máy, T. bật quẹt đốt thuốc hút. Lúc đó, T. không để ý, bình xăng xe gắn máy đang mở, bất ngờ tàn thuốc rơi xuống trúng ngay bình xăng, lửa bốc cháy dữ dội, bệnh nhân không kịp trở tay nên bị lửa thiêu sống toàn thân.
Ngay sau đó, người nhà đã lập tức chuyển bệnh nhân đến Trung tâm y tế Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng xăng toàn thân, trong đó bỏng độ 2, 3, 4 chiếm đến 80% cơ thể, riêng bỏng độ 3, 4 chiếm đến 60% cơ thể.
Theo bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được điều trị, chăm sóc tích cực, đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, tim mạch, chống nhiễm trùng huyết và trải qua 14 lần phẫu thuật (trong đó 9 lần ghép da, 4 lần cắt lọc hoại tử và 1 lần cắt cụt 2 chân)….
“Đến nay (6.6), sau gần 4 tháng điều trị liên tục, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục, những vết sẹo bỏng đã khô ráo, bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, các chỉ số sinh tồn gần như trở lại bình thường ngoài chỉ bị di chứng sẹo đầy người. Đây là ca phỏng nặng hiếm gặp thứ 3 từ trước đến đến nay được bệnh viện cứu sống”, bác sĩ Hiệp cho biết.
Bác sĩ Hiệp cho rằng, việc cứu chữa thành công một bệnh nhân bỏng xăng rất nặng như trên là nhờ sự phối hợp của các chuyên khoa trong bệnh viện; đặc biệt là sử dụng kháng sinh phù hợp, đúng phát đồ điều trị, cộng với sử dụng phương pháp ghép da đồng loại, sử dụng da đầu nhiều lần.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là thành công bước đầu, vì hiện tại bệnh nhân đang bị sẹo co rút rất nhiều trông như một “người vượn”. Do đó, bác sĩ Hiệp cho biết bệnh nhân còn phải trải qua các đợt phẫu thuật để giải quyết sẹo co rút. Bệnh nhân phải đợi khoảng 6 tháng hoặc 1 năm cho da thực sự lành hẳn mới tính đến chuyện phẫu thuật xử lý sẹo co rút.
“Đoạn đường phía trước của bệnh nhân này còn rất gian nan, ngoài phải đối chọi với tâm lý nặng nề do mang phải một hình hài dị dạng từ sẹo co rút, 2 chân bị cắt cụt, bệnh nhân còn phảitiếp tục chữa trị như:tập vật lý trị liệu, thay chân giả, phẫu thuật giải phóng sẹo co rút…”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Hồ Quang
Ảnh: Dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫycứu sống nhưng hiện T.còn phải trải quanhiều đợt điều trị nữa, đặc biệt là phẫu thuật giải quyết sẹo co rút.