Người đàn ông 54 tuổi bị nhồi máu cơ tim và đã được bác sĩ đặt stent động mạch vành, nhưng ông này lại tiếp tục đau ngực phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân tái hẹp trong stent động mạch liên thất trước buộc phải phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Hút thuốc lá hàng chục năm, người đàn ông phải mổ động mạch vành

Hồ Quang | 11/07/2017, 16:16

Người đàn ông 54 tuổi bị nhồi máu cơ tim và đã được bác sĩ đặt stent động mạch vành, nhưng ông này lại tiếp tục đau ngực phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân tái hẹp trong stent động mạch liên thất trước buộc phải phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Hẹp động mạch vành do hút lá nhiều năm

Trong lúc đang làm việc nhà, ông Nguyễn Văn L. (54 tuổi, ngụ Tiền Giang) bất ngờ bị đau ngực dữ dội, gia đình liền đưa ông đến Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) để kiểm tra.

Tại đây, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp động mạch vành thì phát hiện bị tái hẹp trong stent động mạch liên thất trước.

PGS TS BS Nguyễn Hoàng Định – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM nhận định mặc dù đây không phải là trường hợp cấp cứu trong hội chứng vành cấp, nhưng cũng đòi hỏi phải phẫu thuật sớm cho người bệnh, vì nguy cơ tắc mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim cấp.

Theo người nhà của ông L., ông nghiện hút thuốc lá từ hàng chục năm qua nên năm ngoái ông bị nhồi máu cơ tim phải vàobệnh viện cấp cứu. Sau đó được các bác sĩ đặt stent mạch vành và phát hiện ông bị huyết áp cao cùng với rối loạn lipid máu.

Ngày 11.7, Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) cho hay lần đầu tiên bệnh viện này thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn để bắc cầu động mạch vành cho bệnh nhân L.

Bác sĩ Võ Tuấn Anh – Khoa Phẫu thuật tim mạch cho biết, thay vì phải xẻ xương ức làm đôi như phẫu thuật động mạch vành bình thường trước đây để tiếp cận với tim, thì với kỹ thuật mổ ít xâm lấn, các bác sĩ chỉ cần mở một đường mở khoảng 7cm ở phía dưới vú bệnh nhân L. Thông qua đường mở đó, các bác sĩ sử dụng bộ dụng cụ đặc biệt để lấy mạch máu làm cầu nối mạch vành cho bệnh nhân.

“Sau điều trị người bệnh ổn, thời gian nằm hồi sức và thời gian nằm viện ngắn, chỉ khoảng 7 ngày bệnh nhân đã có thể xuất viện”, bác sĩ Tuấn Anh cho biết.

Phân tích về phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vành kinh điển trước đây, bác sĩ Định cho biết khi chẻ xương ức sẽ mất xương, cần có thời gian dài để xương liền lại. Thời gian ít nhất cho xương liền phải 8 tuần, và phải mất từ 2,5 tháng đến 3 tháng bệnh nhân mới trở lại bình thường. Trong khi đó, nếu mổ bằng kỹ thuật ít xâm lấm, chỉ cần 7 ngày là bệnh nhân hồi phục, xuất viện.

Bên cạnh đó, việc chẻ xương ức nguy cơ gây nhiễm trùng xương ức, mất máu. Có khoảng 1 đến 2% bệnh nhân bị viêm xương ức, viêm lồng ngực, nguy cơ tử vong từ30% đến 40%.

Thông qua bộ dụng cụ đặc biệt này, các bác sĩ phát hiện mạch máu để bắc cầu nhằm điều trị dứt điểm tình trạng hẹp động mạch vành

Theo bác sĩ Định, kỹ thuật mổ ít xâm lấn đối với bệnh nhân hẹp động mạch vành đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như giảm chảy máu, giảm đau sau mổ, giảm thời gian thở máy, nằm viện, và có tính thẩm mỹ. Đặc biệt, chi phí không tăng lên đáng kể so với phẫu thuật bắc cầu mạch vành kinh điển và được bảo hiểm y tế thanh toán đầy đủ.

Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định đối với những trường hợp xạ trị vùng ngực, lao phổi cũ, phẫu thuật ở vùng ngực trái hoặc đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành trước đây.

1/5 dân số Việt Nam mắc các bệnh lý về tim

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định cho biết các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, ít vận động, rối loạn lipid máu... Bệnh thường gặp ở nam giới hơn nữ giới, người lớn tuổi có các nguy cơ kể trên và tỷlệ mắc bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến cùng với các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Theo dự báo của Hội tim mạch Việt Nam năm 2017, Việt Nam có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Đáng lưu ý, tỷlệ tăng huyết áp ở những người trẻ từ 25 tuổi đang gia tăng, chiếm 21,5% tổng số ca mắc bệnh. Cùng với đái tháo đường, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp là những yếu tố nguy cơ lớn cho bệnh động mạch vành.

Nguyên nhân của bệnh hẹp động mạch vành là do các mảng xơ vữa, lắng đọng của cholesterol trong mạch vành. Khi mảng xơ vữa phát triển làm cho động mạch vành hẹp lại khiến bệnh nhân thiếu máu cơ tim. Nếu chỗ hẹp bị tắt luôn thì bệnh nhân sẽ bị nhồi máu cơ tim cấp gây nguy hiểm đến tính mạng, nhẹ là suy tim, nặng là có thể đột tử.

Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnhlà đau thắt ngực - cơn đau đè ép ở giữa xương ức, lan lên cằm, vai trái và tay trái. Đau kèm khó thở, vã mồ hôi, hoảng hốt và lo sợ. Ở giai đoạn đầu, đau xuất hiện khi gắng sức. Trong những giai đoạn muộn, đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, được gọi là hội chứng động mạch vành cấp. Các dấu hiệu này có thể nhầm lẫn với thuyên tắc phổi, bóc tách động mạch chủ. Tuy nhiên, đây cũng là 2 tình trạng bệnh lý cần cấp cứu khẩn.

“Hiện nay người dân quan tâm nhiều đến bệnh ung thư, nhưng nên nhớ rằng số bệnh nhân tử vong do các bệnh lý về tim cao hơn nhiều so với bệnh nhân tử vong do các bệnh ung thư. Để ngăn ngừa các bệnh lý về tim, người dân cần tập thể dục điều độ, ăn nhạt, giảm mỡ, duy trì cân nặng lý tưởng, ngưng hút thuốc lá và khống chế tốt huyết áp, đường huyết”, bác sĩ Định khuyến cáo.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hút thuốc lá hàng chục năm, người đàn ông phải mổ động mạch vành