Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu Trung Quốc giao dữ liệu quan trọng từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19.

Hưởng ứng Mỹ, Anh nêu quan ngại về báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19

Hoàng Vũ | 16/02/2021, 10:45

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu Trung Quốc giao dữ liệu quan trọng từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19.

Johnson khẳng định ông “hoàn toàn ủng hộ” chính quyền Biden trong việc bày tỏ “những lo ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc có thể can thiệp vào cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Chúng tôi cần xem tất cả dữ liệu và tất cả các bằng chứng. Chúng ta cần biết chính xác nó đã xảy ra như thế nào”, ông Johnson nói về đại dịch, lưu ý rằng những phát hiện của WHO còn chưa rõ ràng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cũng lên tiếng đồng tình những lo ngại của Mỹ về mức độ tiếp cận đối với nhóm chuyên gia từ WHO khi đến Trung Quốc tìm hiểu nguồn gốc COVID-19.

3500.jpg
Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: Guardian

Phát biểu trước báo giới hôm 15.2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các cường quốc trên thế giới nên đạt được một hiệp ước toàn cầu về đại dịch để đảm bảo tính minh bạch thích hợp sau đợt bùng phát COVID-19 được báo cáo lần đầu tiên ở Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Anh khẳng định sẽ muốn ký một hiệp ước toàn cầu về đại dịch trong đó các quốc gia đồng ý chia sẻ dữ liệu, trong bối cảnh Anh và Mỹ lo ngại về quyền tiếp cận của nhóm chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc COVID-19.

“Tôi nghĩ rằng một trong những ý tưởng hấp dẫn mà chúng tôi quan tâm trong vài tháng qua là đề xuất về một hiệp ước toàn cầu về đại dịch, để các nước ký kết đảm bảo rằng họ đóng góp tất cả dữ liệu họ có và chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch nếu nó xảy ra thêm một lần nữa. Đó là điều hợp lý để làm”, ông nói

Khi được hỏi ai là người chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu minh bạch nào về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, ông Johnson nói: “Tôi nghĩ rằng hầu hết các bằng chứng dường như đều chỉ ra căn bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán”.

“Vì vậy, tất cả chúng ta cần phải xem xét càng nhiều càng tốt về cách mà điều đó có thể xảy ra, những nghi ngờ về động vật mà mọi người đang băn khoăn. Tôi nghĩ chúng tôi cần càng nhiều dữ liệu càng tốt”, Thủ tướng Anh nhấn mạnh.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 13.2 cho rằng báo cáo cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 của nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên độc lập và không bị chi phối bởi chính phủ Trung Quốc.

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về cách thức truyền đạt những phát hiện ban đầu của cuộc điều tra COVID-19 và các câu hỏi về quy trình được sử dụng để tiếp cận chúng. Để đảm bảo báo cáo này là độc lập thì những phát hiện của chuyên gia quốc tế phải không bị chính quyền Trung Quốc can thiệp hoặc thay đổi. Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về đại dịch này và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, Trung Quốc phải cung cấp dữ liệu của họ ngay từ những ngày đầu khi dịch bùng phát”, ông Sullivan nói.

Đáp trả cáo buộc của Mỹ về việc can thiệp điều tra nguồn gốc coronavirus, Bắc Kinh tố Washington cản trở hợp tác quốc tế, phá hoại nỗ lực đối phó COVID-19.

Trong một thông cáo đưa ra ngày 14.2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chỉ trích những gì chính quyền Washington làm những năm gần đây đã cản trở nghiêm trọng các tổ chức đa phương, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Mỹ đã làm tổn hại sâu sắc hợp tác quốc tế trong ứng phó COVID-19 nhưng lại ra vẻ như chưa có điều gì xảy ra. Họ đang đổ lỗi cho WHO cùng các nước ủng hộ cơ quan này. Với lý lịch như vậy, liệu họ có thể giành được sự tin tưởng của toàn thế giới”, thông cáo có đoạn viết.

Theo thống kê của trang Worldometers, tính tới thời điểm hiện tại thế giới ghi nhận tổng cộng gần 110 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 2,4 triệu người tử vong. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với gần 500 nghìn ca tử vong trong tổng số hơn 28 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 155 nghìn ca tử vong trong số gần 11 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với hơn 230 nghìn ca tử vong trong số gần 10 triệu bệnh nhân.

Bài liên quan
Dự án Black Walnut hé lộ điều Google hình dung về hoạt động kinh doanh quảng cáo của Apple
Apple từng không thích ngành quảng cáo. Song giờ đây, có vẻ họ đang coi trọng lĩnh vực này hơn. Vậy hoạt động kinh doanh quảng cáo của Apple có thể phát triển lớn đến mức nào?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hưởng ứng Mỹ, Anh nêu quan ngại về báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19