Trang Nikkei Asian Review cho biết khi chuyển hướng từ điện thoại thông minh sang công nghệ lưu trữ đám mây và nhiều mảng kinh doanh khác, Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) phải đối mặt với nguy cơ mới: loạt hạn chế của Mỹ hiện chỉ áp dụng đối với chip tiên tiến có thể mở rộng cho tất cả sản phẩm.

Huawei chuyển ngành cũng không thoát sự đe dọa từ Mỹ

Cẩm Bình | 04/03/2023, 16:00

Trang Nikkei Asian Review cho biết khi chuyển hướng từ điện thoại thông minh sang công nghệ lưu trữ đám mây và nhiều mảng kinh doanh khác, Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) phải đối mặt với nguy cơ mới: loạt hạn chế của Mỹ hiện chỉ áp dụng đối với chip tiên tiến có thể mở rộng cho tất cả sản phẩm.

Tại triển lãm công nghệ di động MWC 2023, gian hàng Huawei chiếm đến 9.000m2 ngay lối vào, lớn nhất trong các đơn vị tham gia. Đội ngũ nhân viên giới thiệu với khách tham quan loạt thành tựu đột phá của tập đoàn trong nỗ lực số hóa cảng biển cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác, cũng như hoạt động của tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ y tế.

Nhân viên người Anh của một công ty phát triển phần mềm cho biết bản thân chưa từng thấy các công nghệ tiên tiến mà Huawei đem đến MWC 2023.

Nhưng không hề có bóng dáng điện thoại Huawei mới như nhiều lần MWC trước. Năm nay cũng không thấy tập đoàn triển lãm thiết bị điện tử tiêu dùng, được giải thích là do loạt hạn chế thương mại Mỹ áp đặt.

huawei.jpg
Gian hàng Huawei tại MWC 2023 - Ảnh: AP

Ban đầu vào năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu với các nhà cung cấp của Huawei, viện dẫn rủi ro thiết bị viễn thông tập đoàn phân phối thu thập dữ liệu cho giới chức Trung Quốc.

Bất chấp Huawei liên tục bác bỏ, đến tháng 9.2020 Washington lại ra lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm bán dẫn được sản xuất bằng công nghệ Mỹ khiến “ông lớn” viễn thông Trung Quốc không tiếp cận được chip tiên tiến trang bị cho điện thoại thông minh dùng mạng 5G. Đây là đòn giáng mạnh vào mảng kinh doanh thiết bị di động của Huawei.

Huawei ra mắt điện thoại 5G đầu tiên vào tháng 8.2019, nhận hơn 1 triệu đơn hàng đặt trước. Nhưng một nhà bán lẻ tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) tiết lộ giờ đây không còn chiếc điện thoại 5G Huawei nào. Chỉ có điện thoại 4G được trưng bày.

Tháng 11.2020, Huawei bán đi thương hiệu bình dân Honor nhằm “lách” sự trừng phạt của Mỹ. Doanh thu năm 2020 đạt đỉnh, sau đó không ngừng sụt giảm. Năm 2021, doanh thu mảng thiết bị điện tử tiêu dùng (trong đó có điện thoại thông minh) chỉ bằng một nửa năm 2020. Đây là mảng chiếm hơn 50% tổng doanh thu.

Huawei tái tổ chức số đơn vị giao dịch doanh nghiệp (B2B) thành “công ty” nội bộ đồng thời mở rộng mảng dịch vụ lưu trữ đám mây, cung cấp linh kiện và hệ thống liên quan cho các nhà sản xuất ô tô.

Dường như đợt cải tổ đã giúp tập đoàn ngăn chặn tình trạng sụt giảm doanh thu. Doanh thu 2022 ước đạt 636,9 tỷ nhân dân tệ (92,1 tỉ USD), không thay đổi nhiều so với năm 2021. Chủ tịch Eric Xu cuối năm ngoái tự tin tuyên bố “2023 sẽ là năm đầu tiên hoạt động kinh doanh của chúng tôi trở lại bình thường dù loạt hạn chế của Mỹ vẫn còn hiệu lực. Đây là năm quan trọng”.

Tuy nhiên, Mỹ đang chuẩn bị tung ra đợt hạn chế khác. Thứ trưởng Thương mại Alan Estevez trong cuộc điều trần trước quốc hội đầu tuần qua tiết lộ một quy định cho phép chặn mọi xuất khẩu cho Huawei đang được xem xét. Hiện tại tập đoàn vẫn được mua vài mặt hàng nhất định tùy từng trường hợp cụ thể.

Truyền thông Mỹ đồn đoán chính quyền Tổng thống Joe Biden không chỉ cấm doanh nghiệp Mỹ làm ăn trực tiếp với Huawei, mà còn muốn cấm doanh nghiệp ở nước thứ 3 bán hàng cho Huawei.

Nếu đồn đoán trên trở thành hiện thực, giấy phép bán vài mặt hàng cho Huawei của doanh nghiệp Mỹ như Intel hay Qualcomm sẽ bị hủy bỏ.

Giới nghị sĩ Mỹ nhiều lần chỉ trích loạt hạn chế hiện tại tồn tại quá nhiều lỗ hổng. Vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận Mỹ cùng lo ngại Nga nhập khẩu sản phẩm bán dẫn Trung Quốc trang bị cho vũ khí dùng trong cuộc chiến tại Ukraine càng khiến chính quyền Tổng thống Biden chịu thêm sức ép siết chặt hạn chế.

Theo một nguồn thạo tin: “Nếu Mỹ áp đặt hạn chế toàn diện với Huawei, công tác đảm bảo linh kiện có thể trở nên khó khăn hơn, làm gián đoạn việc bảo trì các trạm thu phát”. Trạm thu phát là hạ tầng quan trọng của viễn thông - mảng kinh doanh trụ cột của Huawei.

Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huawei chuyển ngành cũng không thoát sự đe dọa từ Mỹ