Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông (NN-PTTN) huyện Long Phú cho biết: "Hợp tác xã Hưng Lợi ở xã Long Đức, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) là một trong những đơn vị đi đầu tham gia Đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hợp tác xã nông nghiệp đột phá từ đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

V.K.K - Lương Xuân Cao 29/07/2024 06:00

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông (NN-PTTN) huyện Long Phú cho biết: "Hợp tác xã Hưng Lợi ở xã Long Đức, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) là một trong những đơn vị đi đầu tham gia Đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hưng Lợi được thành lập và đi vào hoạt động ổn định đã gần 7 năm qua, với 538 thành viên, có hơn 609ha chuyên sản xuất lúa chất lượng cao. Khi thực hiện Đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (sau đây gọi tắt là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao), HTX Hưng Lợi được tỉnh Sóc Trăng và huyện Long Phú chọn làm mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, với diện tích là 50ha, có 46 hộ thành viên tham gia.

htxhl01.jpg
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Hưng Lợi cho biết: "Xã Long Đức nằm trong vùng đê bao thủy lợi Long Phú – Tiếp Nhựt, có hệ thống thủy lợi khép kín, đảm bảo cho việc canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm. Hưng Lợi là một trong 78 HTX trong toàn tỉnh tham gia thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao với diện tích 50ha trên tổng số diện tích 38.500ha của toàn tỉnh thực hiện đề án đến năm 2025. Để tham gia triển khai đề án này, 46 hộ nông dân là thành viên của HTX phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác từ khâu làm đất đến khi thu hoạch và sau thu hoạch, kể cả xử lý rơm rạ".

Ông Nguyễn Ngọc Hưởng, thành viên HTX Hưng Lợi (ngụ ở ấp An Hưng, xã Long Đức, chia sẻ: "Trước khi tham gia thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, chúng tôi được cán bộ khuyến nông tập huấn về quy trình canh tác. Trước khi làm đất, ruộng không để ngập nước khoảng 30 ngày, sau đó xử lý rơm rạ, 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất. Chúng tôi sử dụng giống lúa ST 25, gieo sạ chỉ từ 70 - 80kg lúa giống/ha; bón phân theo nguyên tắc quản lý dinh dưỡng theo vùng chuyên biệt và quản lý dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng. Từ khi xuống giống cho đến nay, cánh đồng 2ha lúa của tôi đã hơn 65 ngày tuổi, hiện đang trong giai đoạn làm đồng, trổ bông. Chúng tôi luôn luôn áp dụng quy trình canh tác bền vững (1 phải, 5 giảm), hiện lúa của tôi đang phát triển tốt theo từng giai đoạn".

Vụ lúa hè - thu năm nay, 46 thành viên HTX Hưng Lợi tham gia thực hiện đề án đều sử dụng giống lúa ST 25 và được Công ty Ông Thọ bao tiêu sản phẩm. Lượng giống lúa gieo sạ chỉ khoảng 70kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% hộ thành viên HTX đều áp dụng quy trình canh tác bền vững "1 phải, 5 giảm", tưới khô xen kẽ, được cấp giấy chứng nhận và cấp mã số vùng trồng.

Tại ấp An Hưng, xã Long Đức, địa điểm thực hiện mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp của HTX Hưng Lợi, ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX chia sẻ: "Tất cả diện tích trên 600ha của 538 hộ thành viên HTX nói chung, 50ha của 46 hộ tham gia mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp nói riêng, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là bước vào vụ thu hoạch. Nhờ thực hiện đồng bộ các quy trình canh tác, nên trà lúa phát triển tốt qua từng giai đoạn. Qua đánh giá sơ bộ của chúng tôi, năng suất vụ lúa hè - thu năm nay đạt trên 6,5 tấn/ha. Lúa thu hoạch sẽ được Công ty Ông Thọ bao tiêu toàn bộ và giá cả sẽ cao hơn nông dân sản xuất ở bên ngoài. Khi tham gia mô hình trình diễn này, lợi ích của HTX là từng bước mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, có thêm nguồn thu nhập bổ sung, liên kết bán vật tư; năng lực của cán bộ được nâng cao; uy tín của HTX với các thành viên được cải thiện, nhất là lợi nhuận của các thành viên sẽ được tăng cao. HTX có điều kiện thuận lợi tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nâng cao năng lực cho cán bộ và hiệu quả hoạt động của HTX".

htchl-2.jpg
Cánh đồng HTX nông nghiệp Hưng Lợi thực hiện Đề án - Ảnh: Lương Xuân cao

Theo đánh giá của ngành chức năng, khi tham gia thực hiện mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đối với HTX cơ bản thuận lợi, vì HTX có đầy đủ các phương tiện phục vụ dịch vụ nông nghiệp, từ khâu làm đất cho đến sau thu hoạch đều được cơ giới hóa 100% (HTX có máy cày, máy xới, máy bơm, máy xạ lúa, máy bón phân, máy xịt thuốc, máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm, máy sấy, máy tách hạt, kho bảo quản,…). Đặc biệt, HTX còn liên kết cho ra mắt 2 dòng sản phẩm gạo trắng ST 25 và gạo lứt ST 25.

Ông Lý Công Chức, thành viên Hội đồng quản trị HTX Hưng Lợi, có 2,4ha lúa tham gia mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ông Chức cho biết: "Khi chúng tôi tham gia vào mô hình này, lợi ích đầu tiên là được đảm bảo về dịch vụ nông nghiệp; được Nhà nước hỗ trợ vốn, hay chính công ty hỗ trợ vốn để mua vật tư nông nghiệp, cung cấp giống, phân bón và trang trải các chi phí khác; được chuyển giao công nghệ, chuyển giao kỹ năng; đảm bảo về thị trường, ổn định về giá cả. Đặc biệt, tham gia mô hình này chúng tôi còn có lợi nhuận từ rơm rạ. Theo truyền thống, sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt đồng, hay vùi rơm rạ, nhưng hiện giờ chúng tôi không đốt rơm rạ nữa. Để đảm bảo tính đa dạng sinh học và tính bền vững trong canh tác lúa, chúng tôi không vùi rơm rạ trên ruộng ngập nước nhằm giảm phát thải khí metan. Thu hoạch lúa xong, rơm rạ được máy cuốn rơm lấy hết, có hộ thì bán, có hộ để sản xuất nấm rơm, hộ thì cho bò ăn, người thì làm phân bón đều có ích".

Có thể khẳng định, 50ha mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp của HTX Hưng Lợi đã góp phần tạo nên bước đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đóng góp vào tăng trưởng xanh; góp phần thực hiện thành công Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Long Phú cho biết: "50ha lúa tham gia đề án của HTX Hưng Lợi hiện nay được hơn 60 ngày tuổi, lúa đang chuẩn bị trổ bông. Nhìn chung các xã viên HTX đã thực hiện tốt quy chuẩn của đề án, ruộng lúa phát triển rất tốt. Mỗi lần thu hoạch lúa sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm. Kết quả cuối cùng được thẩm định khi thực hiện xong 3 vụ lúa".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp tác xã nông nghiệp đột phá từ đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp