Số công trình cấp nước hoạt động kém bền vững và không hoạt động là 41,8%, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ, chiếm 1,2% dân số nông thôn.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hơn 41% công trình cấp nước không hiệu quả, ảnh hưởng đến 200.000 hộ dân

Tuyết Nhung 19:02 15/11/2024

Số công trình cấp nước hoạt động kém bền vững và không hoạt động là 41,8%, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ, chiếm 1,2% dân số nông thôn.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) ngày 15.11 cho biết, tính đến cuối năm 2023, trên toàn quốc có 74,2% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn, trong đó có 55,1% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19,1% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình.

cap-nuoc.jpg
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch - Ảnh: IT

Trong 7 vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất (91,9%) so với các vùng khác trên phạm vi toàn quốc; vùng Tây Nguyên có số hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất (39,5%).

Vùng miền núi phía bắc và vùng Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.

Mặc dù có 74,2% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, nhưng tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp trên cả nước như: Hà Giang (7,7%), Gia Lai (7,7%), Yên Bái (11,4%), Cao Bằng (12,6%), Lâm Đồng 12,8%, Điện Biên (13,5%).

Cấp nước nông thôn cũng đã góp phần vào kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước có 6.289/8.162 xã (đạt 77,1%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 2.146 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 465 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 6.512/8.162 xã (79,7%) đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm; trong đó có chỉ tiêu về nước sạch nông thôn.

Cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ gia đình nông thôn; trong đó có 32,0% công trình hoạt động bền vững; 26,3% công trình hoạt động tương đối bền vững; 27,0% công trình hoạt động kém bền vững và 14,8% công trình không hoạt động.

Số công trình cấp nước hoạt động kém bền vững và không hoạt động (41,8%), ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ (chiếm 1,2% dân số nông thôn), chủ yếu là công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô rất nhỏ, do UBND xã và cộng đồng quản lý vận hành.

Trong 2.680 công trình cấp nước không hoạt động (14,8%), trên thực tế nhiều công trình chỉ còn danh mục trên sổ sách, dữ liệu kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn. Hiện nay, theo chỉ đạo, các Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn các tỉnh đang tích cực phối hợp với Sở Tài chính thực hiện thủ tục thanh lý, hủy tài sản để đưa ra khỏi danh mục, cụ thể: tỉnh Cà Mau đang tiến hành thực hiện thủ tục hủy và thanh lý 128 công trình; tỉnh Đắk Nông đề nghị thanh lý 133 công trình; tỉnh Bắc Giang đề nghị thanh lý 31 công trình...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá: "Mục tiêu đến năm 2030 có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch là rất lớn. Trong khi nguồn lực đầu tư cho cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước lại hạn chế, nguồn lực xã hội chỉ huy động được ở khu vực đồng bằng, tập trung đông dân cư, thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực này cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa".

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao. Hay như mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng, chưa có quy định cụ thể, thống nhất. Giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động còn cao, chất lượng dịch vụ thấp.

Bài liên quan
TP.HCM đẩy nhanh các dự án phát triển mạng lưới cấp nước
Ngày 27.8, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo về việc triển khai thực hiện kết luận tại Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 4.2024 theo chỉ đạo của HĐND TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 41% công trình cấp nước không hiệu quả, ảnh hưởng đến 200.000 hộ dân