Theo tổ chức đồng quản lý chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu, COVAX đã phân phối 1 tỉ liều vắc xin COVID-19, nhưng đến nay hơn 40% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm liều nào.

Hơn 40% dân số thế giới chưa được tiêm vắc xin COVID-19, Omicron giết chết 3 người Iran

Sơn Vân | 16/01/2022, 09:49

Theo tổ chức đồng quản lý chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu, COVAX đã phân phối 1 tỉ liều vắc xin COVID-19, nhưng đến nay hơn 40% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm liều nào.

Nguồn cung cho các quốc gia nghèo từ lâu đã rất hạn chế vì thiếu vắc xin, khi các nước giàu hơn đã đảm bảo có được hầu hết các liều vắc xin ban đầu từ tháng 12.2020.

Thế nhưng trong quý 4/2021, các lô vắc xin COVID-19 đã tăng theo cấp số nhân, cho phép COVAX đạt mốc 1 tỉ liều được vận chuyển đến 144 quốc gia. Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), đồng lãnh đạo chương trình COVAX cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vừa cho biết thông tin trên.

COVAX được ra mắt vào năm 2020 với mục tiêu cung cấp 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2021, nhưng đã bị chậm lại do việc tích trữ thuốc ban đầu của các nước giàu hơn. Trong đó bao gồm việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thời bùng phát dịch COVID-19 hồi tháng 4-5.2021 và những thay đổi thường xuyên trong tổ chức của COVAX.

COVAX bắt đầu cung cấp các liều vắc xin từ tháng 2.2021. Khoảng 1/3 trong 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 đó được các nước giàu quyên góp, bất chấp kế hoạch ban đầu của COVAX là chỉ phân phối vắc xin từ chương trình mua trực tiếp với ngân sách hơn 10 tỉ USD trong quỹ của các nhà tài trợ.

Việc thay đổi chiến lược đã dẫn đến sự chậm trễ, vì các nhà tài trợ thường yêu cầu gửi vắc xin COVID-19 đến các quốc gia do họ lựa chọn.

hon-40-dan-so-the-gioi-chua-duoc-tiem-vac-xin-covid-19.jpg
Các kỹ sư y sinh xác nhận một lô hàng vắc xin AstraZeneca theo chương trình COVAX ở thủ đô Nairobi của Kenya trước khi phân phối cho người dân - Ảnh: Reuters

Bất chấp sự gia tăng đột biến trong số lần giao vắc xin COVID-19 gần đây, sự bất bình đẳng về vắc xin vẫn ở mức cao. Dữ liệu mới nhất của WHO cho thấy 67% dân số ở các nước giàu đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, so với chỉ 5% ở các quốc gia nghèo hơn. Hơn 40% dân số thế giới chưa được tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên.

GAVI đang tìm kiếm thêm quỹ để đạt được mục tiêu của WHO là tiêm vắc xin COVID-19 cho 70% dân số ở các quốc gia nghèo hơn vào tháng 7.2022.

WHO từng nhiều lần cảnh báo việc bất bình đẳng vắc xin COVID-19 có thể gây xuất hiện các biến thể mới sau Omicron. WHO cho biết số ca mắc COVID-19 tăng 55%, tương đương 15 triệu, vào tuần tính đến ngày 9.1.2022 so với một tuần trước đó. Theo WHO, đến nay đây là số ca COVID-19 được báo cáo nhiều nhất trong một tuần.

Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận xét: “Sự gia tăng đột biến số ca COVID-19 này là do Omicron, biến thể đang nhanh chóng thay thế Delta ở hầu hết các quốc gia”.

Ông cho biết phần lớn những người nhập viện trên khắp thế giới vì COVID-19 đều chưa tiêm vắc xin và nếu việc lây truyền không được hạn chế thì sẽ có nhiều nguy cơ xuất hiện một biến thể khác thậm chí có thể lây truyền cao hơn, gây tử vong nhiều hơn Omicron.

Iran báo cáo 3 trường hợp tử vong đầu tiên do biến thể Omicron

Bộ Y tế Iran vừa báo cáo về 3 ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron ở nước này. Người phát ngôn của Bộ Y tế Iran - Mohammad Hashemi nói với đài truyền hình nhà nước IRIB: "Số lượng bệnh nhân nhiễm Omicron trong cả nước đã lên tới 1.162 và các trường hợp tử vong do biến thể này được ghi nhận ở thành phố Tabriz, Yazd, Shahrekord. Một bệnh nhân nặng phải nhập viện ở thành phố Ahvaz".

Trước đó, WHO cho biết biến thể Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta nhưng vẫn là "vi rút nguy hiểm", đặc biệt với những người chưa được tiêm vắc xin.

hon-40-dan-so-the-gioi-chua-duoc-tiem-vac-xin-covid-19-2.jpg
Một quan chức y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể của những người thờ phượng vào ngày 22.10.2021, trong buổi cầu nguyện thứ Sáu đầu tiên ở thủ đô Tehran, Iran sau gần hai năm nghỉ vì đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Iran trong tuần này đã dỡ bỏ các hạn chế với việc đi lại trên bộ đến và đi từ các nước láng giềng cùng một số quốc gia châu Âu nhưng vẫn duy trì lệnh cấm với khách đến từ Anh, Pháp và 8 quốc gia ở phía nam châu Phi do lo ngại về Omicron.

Iran, tâm chấn của đại dịch ở Trung Đông, đã chứng kiến 132.044 người chết do COVID-19 trong 5 đợt dịch kể từ tháng 2.2020. Số người chết do COVID-19 đã giảm trong những tháng gần đây và ở mức 18 hôm 15.1.2022, thấp nhất trong 22 tháng, theo đài truyền hình nhà nước.

Hơn 53 triệu trong số khoảng 85 triệu dân Iran đã được tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 và 12,2 triệu người nhận 3 liều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 40% dân số thế giới chưa được tiêm vắc xin COVID-19, Omicron giết chết 3 người Iran